Hotline:
Trộm tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản đang thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người khác. Chuyên đề về tội trộm tài sản này sẽ cung cấp cho người đọc các vấn đề liên quan đến tội phạm này theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Hành vi trộm tài sản
Hành vi trộm cắp tài sản xảy ra rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày như trộm cắp ở chợ, nhà ga, bến xe, đột nhập vào nhà để trộm cắp, … Đây là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác nhưng với thủ đoạn lợi dụng sự mất cảnh giác, sơ hở của người đang quản lý tài sản để chiếm đoạt tài sản đó.
Thực tế, các thủ đoạn trộm cắp tài sản phổ biến bao gồm:
– Người phạm tội dùng thủ đoạn gian dối để tiếp cận tài sản và khi có điều kiện thuận lợi thì lén lút chiếm đoạt tài sản đó.
– Người phạm tội lợi dụng tình trạng đông người, chen lấn, xô đẩy nhau hoặc tự tạo ra sự xô đẩy nhau nhằm lén lút lấy tài sản của người khác.
– Người phạm tội lợi dụng hoàn cảnh người đang quản lý tài sản không có mặt tại nơi cất giữ tài sản hoặc thời điểm người quản lý tài sản đang nghỉ ngơi để lén lút chiếm đoạt tài sản đó.
Dù thủ đoạn phạm tội khác nhau nhưng đặc trưng của hành vi trộm cắp tài sản là người phạm tội phải có thái độ lén lút đối với người đang quản lý tài sản đó. Nếu người phạm tội không có thái độ lén lút thì không cấu thành tội phạm này mà có thể cấu thành một tội phạm khác tùy theo từng hành vi cụ thể.
Trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi công khai với những người xung quanh nhưng lén lút với người đang quản lý tài sản thì vẫn phạm tội trộm cắp tài sản. Ví dụ: Người phạm tội biết chủ nhà đi du lịch nên đã dàn dựng một vụ chuyển nhà giả và chiếm đoạt toàn bộ tài sản của chủ nhà. Những người hàng xóm xung quanh thấy có người đến chuyển nhà nhưng vì nghĩ là chuyển tài sản theo yêu cầu của chủ nhà nên họ không có ý kiến gì. Trường hợp này vẫn thuộc tội trộm cắp tài sản.
Xử phạt hành vi trộm tài sản
Trường hợp giá trị tài sản bị trộm cắp dưới 2 triệu đồng và không thuộc các trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì người trộm cắp tài sản sẽ bị xử phạt hành chính từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng (Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ)
Các trường hợp người trộm cắp tài sản dưới 2 triệu đồng nhưng vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự bao gồm:
– Trước đây, người phạm tội đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác (trộm cắp, cướp, cướp giật, lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản, …)
– Trước đây, người phạm tội đã bị xét xử và kết án về một trong các tội về cưỡng đoạt tài sản của người khác (trộm cắp, cướp, cướp giật, lừa đảo, cưỡng đoạt tài sản, …) và chưa được xóa án tích.
– Hành vi phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội của địa phương.
– Tài sản bị trộm là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
– Trộm cắp tài sản là di vật, cổ vật.
Tội ăn trộm đi tù bao nhiêu năm
Căn cứ theo quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì tùy thuộc vào nhân thân của người phạm tội và giá trị tài sản bị trộm cắp mà người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng thêm hình phạt bổ sung là phạt tiền đến 50 triệu đồng.
Trộm tài sản trên 2 triệu
Nếu người phạm tội trộm cắp tài sản trên 2 triệu đồng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Cụ thể:
– Trộm cắp tài sản có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng: Bị phạt tù đến 3 năm.
– Trộm cắp tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng: Bị phạt tù đến 7 năm.
– Trộm cắp tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng: Bị phạt tù đến 15 năm.
– Trộm cắp tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên: Bị phạt tù đến 20 năm.
Trộm tài sản trên 500 triệu
Căn cứ khoản 4 Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì nếu người nào trộm cắp tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên thì có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
Tội trộm tài sản công ty
Nếu người nào được giao nhiệm vụ quản lý tài sản của công ty mà chiếm đoạt tài sản đó thì không thuộc trường hợp phạm tội trộm cắp tài sản mà sẽ thuộc trường hợp phạm tội tham ô tài sản.
Nếu người nào không được giao nhiệm vụ quản lý tài sản của công ty nhưng lén lút trộm cắp tài sản đó thì phạm tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Người phạm tội trộm cắp tài sản của công ty sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, người đó phải hoàn trả lại cho công ty tài sản mà mình đã trộm cắp. Nếu tài sản bị trộm là hiện vật và người phạm tội không trả lại được bằng hiện vật thì phải bồi thường bằng tiền.
Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.