Cấu thành tội huỷ hoại tài sản theo Bộ luật Hình sự

Cấu thành tội huỷ hoại tài sản theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Cấu thành tội huỷ hoại tài sản theo Bộ luật Hình sự
Cấu thành tội huỷ hoại tài sản theo Bộ luật Hình sự 2

Huỷ hoại tài sản là gì?

Huỷ hoại tài sản là hành vi làm cho tài sản bị mất hoàn toàn giá trị sử dụng, không thể khôi phục lại được.

Cấu thành tội huỷ hoại tài sản

Cấu thành tội huỷ hoại tài sản bao gồm các dấu hiệu sau:

Chủ thể của tội huỷ hoại tài sản

Chủ thể của tội huỷ hoại tài sản là người từ đủ 14 tuổi trở lên, trong đó, cần phân biệt như sau:

– Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm về tội huỷ hoại tài sản theo khoản 3, khoản 4 và khoản 5 của Điều 178 Bộ luật Hình sự. Khoản 1 và khoản 2 của Điều 178 Bộ luật Hình sự thuộc tội ít nghiêm trọng và nghiêm trọng nên không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.

– Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi hành vi tại Điều 178 Bộ luật Hình sự.

Khách thể của tội huỷ hoại tài sản

Khách thể của tội huỷ hoại tài sản là quan hệ sở hữu. Đối tượng bị tác động là tài sản: tiền, giấy tờ có giá, bất động sản, động sản, …

Mặt khách quan của tội huỷ hoại tài sản

Hành vi khách quan của tội huỷ hoại tài sản là việc tác động vào tài sản để làm cho nó mất hoàn toàn giá trị sử dụng. Các hành vi huỷ hoại tài sản có thể là đốt, đập, phá, …

Trong nhiều trường hợp, việc xác định hành vi sẽ phụ thuộc rất nhiều vào hậu quả thực tế gây ra. Nếu tài sản bị mất hoàn toàn giá trị thì xác định đó là hành vi huỷ hoại tài sản. Nếu không thì xác định là hành vi làm hư hỏng tài sản. Tuy nhiên, nếu phương thức, thủ đoạn phạm tội thể hiện rõ ý định muốn huỷ hoại hoàn toàn tài sản thì có thể xác định được đây là hành vi huỷ hoại tài sản, ví dụ: Đổ xăng và châm lửa đốt đồ đạc hoặc nhà cửa.

Để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi huỷ hoại tài sản, tài sản bị huỷ hoại phải có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên. Nếu tài sản bị huỷ hoại có giá trị dưới 2 triệu đồng thì hành vi phạm tội phải thuộc một trong các trường hợp sau:

– Trước đây người phạm tội đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi huỷ hoại tài sản hoặc hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản mà còn vi phạm.

– Trước đây người phạm tội đã từng bị kết án về tội huỷ hoại tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

– Hành vi huỷ hoại tài sản của người phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.

– Tài sản bị huỷ hoại là phương tiện kiếm sống của người bị hại và gia đình của họ.

– Tài sản bị huỷ hoại là di vật, cổ vật.

– Tài sản bị huỷ hoại là bảo vật quốc gia.

– Huỷ hoại tài sản có tổ chức.

– Người phạm tội sử dụng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác để phạm tội.

– Người phạm tội huỷ hoại tài sản để che giấu một tội phạm khác.

– Người phạm tội huỷ hoại tài sản của người bị hại vì lý do công vụ của người bị hại.

Tội huỷ hoại tài sản là tội phạm có cấu thành vật chất, tội phạm hoàn thành khi tài sản đã bị huỷ hoại.

Mặt chủ quan của tội huỷ hoại tài sản

Tội huỷ hoại tài sản được thực hiện với lỗi cố ý. Người phạm tội mong muốn huỷ hoại tài sản của người bị hại.

Liên hệ ngay với Chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH DCNH LAW

Địa chỉ: 38B Trần Nhật Duật, phường Phước Hoà, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà

Điện thoại: 0343320223 – 0974278893

Email: [email protected]

5/5 - (1 bình chọn)