Cấu thành tội cướp tài sản theo quy định của pháp luật

Tội cướp tài sản là hành vi phạm pháp đặc biệt nghiêm trọng trong hệ thống pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới. Cấu thành tội cướp tài sản theo quy định của pháp luật Việt Nam như thế nào?

Cấu thành tội cướp tài sản theo quy định của pháp luật
Cấu thành tội cướp tài sản theo quy định của pháp luật 2

Tội cướp tài sản là gì?

Theo định nghĩa tại Điều 168 Bộ luật Hình sự thì tội cướp tài sản là hành vi dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản.

Ví dụ về tội cướp tài sản

  • Một nhóm người dùng dao khống chế một người đi đường vào ban đêm, yêu cầu giao nộp ví tiền, điện thoại di động và các tài sản khác. Người đi đường sợ hãi không dám chống cự và buộc phải giao nộp tài sản cho nhóm người này.
  • Một đối tượng chặn đường một phụ nữ đang đi xe máy, đe dọa rằng nếu không đưa tiền và tài sản khác, hắn sẽ làm hại cô. Vì sợ hãi, người phụ nữ này đã giao nộp toàn bộ tiền bạc và tư trang của mình.
  • Trên một chuyến xe buýt, một đối tượng cầm súng giả lên xe, đe dọa tài xế và hành khách, buộc mọi người giao nộp tiền bạc và tài sản cá nhân. Do tình huống khẩn cấp, tài xế và hành khách buộc phải tuân theo yêu cầu của đối tượng.
  • Một nhóm người lên kế hoạch và thực hiện việc cướp một ngân hàng bằng cách xông vào chi nhánh ngân hàng với súng và dao, đe dọa nhân viên ngân hàng và khách hàng, yêu cầu mở két sắt và giao nộp tiền mặt.

Bản án về tội cướp tài sản

Bản án số 1110/2023/HS-PT ngày 29/12/2023 của Toà án nhân dân Thành phố Hà Nội về tội cướp tài sản

Bản án số 172/2023/HS-PT ngày 28/11/2023 của Toà án nhân dân tỉnh Bình Dương về tội cướp tài sản

Cấu thành tội cướp tài sản

Cấu thành tội cướp tài sản bao gồm các dấu hiệu sau:

Chủ thể của tội cướp tài sản

Vì tội cướp tài sản quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự là tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng do lỗi cố ý nên chủ thể của tội cướp tài sản là người từ đủ 14 tuổi trở lên, không bị mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi.

Khách thể của tội cướp tài sản

Khách thể của tội cướp tài sản bao gồm quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản.

Người phạm tội cướp tài sản có hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc hành vi khách làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nên hành vi của người phạm tội cướp tài sản đã xâm phạm hoặc đe doạ xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ của người bị tấn công.

Mục đích của người phạm tội cướp tài sản là nhằm chiếm đoạt được tài sản của người bị hại nên hành vi đã xâm phạm vào khách thể là quan hệ về sở hữu tài sản được pháp luật bảo vệ.

Mặt khách quan của tội cướp tài sản

Các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội cướp tài sản bao gồm hành vi phạm tội và hậu quả.

Hành vi phạm tội cướp tài sản bao gồm các hành vi sau:

Hành vi dùng vũ lực

– Hành vi đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc

– Hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được.

Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm của tội cướp tài sản. Chỉ cần người phạm tội thực hiện một trong các hành vi nêu trên với mục đích là nhằm chiếm đoạt tài sản của nạn nhân thì dù việc chiếm đoạt tài sản có thành công hay không, người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

– Nếu hậu quả xảy ra là làm nạn nhân bị thương tích thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản với tình tiết tăng nặng tuỳ vào thương tích của nạn nhân.

– Nếu hậu quả xảy ra là làm cho nạn nhân chết và người phạm tội đã thực hiện hành vi giết người nhằm chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 02 tội là tội giết người và tội cướp tài sản.

– Nếu hậu quả xảy ra là làm cho nạn nhân chết nhưng người phạm tội không có ý định giết người, việc chết người xảy ra là ngoài dự tính của họ thì họ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản với tình tiết định khung tăng nặng là làm chết người.

Mặt chủ quan của tội cướp tài sản

Trong mặt chủ quan của tội cướp tài sản, người thực hiện hành vi cướp tài sản với lỗi cố ý trực tiếp với mục đích là chiếm đoạt tài sản của người bị hại. Nếu người phạm tội không có động cơ, mục đích chiếm đoạt tài sản của người bị hại thì không cấu thành tội này mà có thể cấu thành một tội khác theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Liên hệ ngay với Chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH DCNH LAW

Địa chỉ: 38B Trần Nhật Duật, phường Phước Hoà, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà

Điện thoại: 0343320223 – 0974278893

Email: [email protected]

5/5 - (1 bình chọn)