Các vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng, sự phát triển của công nghệ mạng và kỹ thuật số, những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có xu hướng ngày càng gia tăng với những biểu hiện hết sức tinh vi. Mục đích của những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ này phần lớn là vì lợi nhuận, kể cả các hành vi xâm phạm quyền tác giả. Bài viết xin điểm qua một số vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nổi bật trong một vài năm gần đây.

Các vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ 1
Hàng giả được bày bán công khai

Thực trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam

Trong những năm trở lại đây, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp. Các phương thức sản xuất, nhập khẩu, tiếp thị, mua bán các mặt hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng trở nên tinh vi, có tổ chức liên tỉnh, liên vùng, liên quốc gia và đa dạng, phong phú về hình thức, chủng loại nên rất khó cho các cơ quan thực thi trong việc phát hiện và xử lý.

Hơn nữa, với sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội, các đối tượng thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có xu hướng chuyển từ phương thức tiếp thị, phân phối truyền thống sang các phương thức điện tử, internet như việc tiếp thị, mua bán qua các website bán hàng trực tuyến và đặc biệt là các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok.

Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chủ yếu xảy ra trong các lĩnh vực sau: Sản xuất, buôn bán hàng giả; xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả; xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hàng hóa.

Các vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Buôn bán hàng giả

Vụ việc buôn bán hàng giả là hàng hóa, thực phẩm xảy tại Đồng Nai năm 2022

Ngày 05/01/2022, qua kiểm tra địa điểm sản xuất của bà Vũ Thị Hoa (sinh năm 1977, quê Nam Định) tại số 1546E ấp Phú Tân, xã Phú Cường, huyện Định Quán, tỉnh Nam Định, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều sản phẩm có dấu hiệu làm giả các sản phẩm của các nhãn hiệu hàng hóa, thực phẩm nổi tiếng như bột giặt, dầu ăn, mì tôm, nước giải khát, giấy vệ sinh, nước mắm và 02 máy ép nhiệt, hàng trăm loại bao bì giả các nhãn hiệu bột ngọt trên thị trường.

Bà Vũ Thị Hoa khai nhận số hàng hóa này được mua tại TP. Hồ Chí Minh, không rõ nguồn gốc xuất xứ và không có hoá đơn chứng từ mua bán. Sau khi mua về, cơ sở của bà Hoa pha trộn, đóng gói, làm giả các thương hiệu trên thị trường và đưa đi tiêu thụ tại các huyện Định Quán và Tân Phú.

Cùng ngày, lực lượng chức năng tỉnh Đồng Nai cũng thực hiện khám xét nhiều cơ sở sản xuất khác trên địa bàn TP. Biên Hoà, huyện Trảng Bom, huyện Thống Nhất, … và thu giữ hơn 10 tấn hàng hóa tương tự như bà Hoa. Lực lượng công an đã niêm phong toàn bộ số lượng hàng hoá vi phạm để tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Vụ việc buôn bán hàng giả là phụ kiện thời trang xảy ra tại Nam Định năm 2021

Ngày 17/3/2021, Cục Quản lý thị trường Nam Định đã phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Công an tỉnh Nam Định đột xuất kiểm tra kho hàng tại địa chỉ thôn Đại Lại, xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Qua kiểm tra, Đoàn phát hiện và lập biên bản thu giữ 13.726 túi xách, ví các loại có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng như Hermes, Gucci, LV, Yves Saint Laurent, Dior đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam.

Tổng giá trị hàng hóa vi phạm ước tính trên 3,9 tỷ đồng. Tại thời điểm kiểm tra, người trực tiếp trông coi kho hàng không xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của toàn bộ số hàng hóa nêu trên.

Để xác minh nguồn gốc của sản phẩm bị thu giữ tại hiện trường, Cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo gửi công văn đến các đơn vị là đại diện chủ thể quyền của các hãng Hermes, Gucci, LV, Yves Saint Laurent, Dior tại Việt Nam đề nghị giám định và xác nhận hàng thật, hàng giả. Kết quả trả lời của các đơn vị này cho thấy toàn bộ lô hàng bị thu giữ đều là hàng hóa giả mạo, xâm phạm đến quyền đối với nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng này.

Căn cứ vào hồ sơ vụ việc, Cục Quản lý thị trường Nam Định đã tiến hành chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm cho Cơ quan cảnh sát điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật.

Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp được bảo hộ

Các vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ 3
Trong những năm vừa qua, có rất nhiều vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các thương hiệu lớn được dư luận chú ý
Vụ án xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Bia Sài Gòn

Ngày 23/6/2020, Đội quản lý thị trường thuộc Cục quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiến hành kiểm tra Cơ sở sản xuất bia Biva phát hiện có 4.712 thùng bia mang nhãn hiệu “BIA SAIGON VIETNAM” (loại 24 lon/thùng, 330 ml/lon), 116.700 vỏ lon bia (loại 330ml) và 3.300 vỏ thùng bia chưa sử dụng.

Trên bao bì của các sản phẩm này đều thể hiện thông tin của nhà sản xuất là Công ty Cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam, trên lon bia có in dấu hiệu “BIA SAIGON VIETNAM” và “hình khiên đứng”. Cho rằng có dấu hiệu xâm phạm nên Đội quản lý thị trường đã lập biên bản tạm giữ và niêm phong toàn bộ số hàng hóa nêu trên.

Qua quá trình điều tra xác định: Tháng 04/2020, ông Lê Đình Trung (đại diện của Công ty CP Bia Sài Gòn Việt Nam) liên hệ với Cơ sở sản xuất bia BiVa để ký hợp đồng sản xuất bia mang nhãn hiệu “BIA SAIGON VIETNAM” rồi mang đi tiêu thụ.

Kết quả trưng cầu giám định thể hiện Công ty CP Bia Sài Gòn Việt Nam đã xâm phạm 5 dấu hiệu đối với nhãn hiệu đang được bảo hộ của Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Tổng số lượng hàng hóa vi phạm đã sản xuất là 8.912 thùng BIA SAIGON VIETNAM, đã tiêu thụ 3.300 thùng, thu về hơn 578 triệu đồng.

Vì vậy, Công ty cổ phần Bia Sài Gòn Việt Nam và ông Lê Đình Trung đã bị khởi tố và xét xử về tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” theo Điều 226 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017).

Vụ án tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa hai nhãn hiệu Asanzo và Asano

Năm 2018, Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đông Phương đã khởi kiện Công ty cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam vì sản xuất, buôn bán các sản phẩm điện tử, điện lạnh mang nhãn hiệu “Asanzo” với logo giống với nhãn hiệu “Asano” mà Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đông Phương đang được bảo hộ.

Kết quả vụ việc: Bản án có hiệu lực pháp luật tuyên buộc Công ty cổ phần Điện tử Asanzo Việt Nam:

– Chấm dứt hành vi xâm phạm, cụ thể là chấm dứt việc sử dụng nhãn hiệu “Asanzo, hình” trên trang web có địa chỉ: http://asanzo.com.vn, biển hiệu, xe tải và các sản phẩm thuộc nhóm 7, 9, 11 đang lưu hành trên thị trường.

– Xóa bỏ nhãn hiệu “Asanzo, hình” trên toàn bộ các sản phẩm thuộc nhóm 7, 9, 11 đang lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam;

– Thanh toán cho Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đông Phương số tiền bồi thường thiệt hại là 100 triệu đồng.

– Xin lỗi, cải chính công khai trên 03 số liên tiếp của Báo Thanh niên với nội dung là “Chúng tôi Công ty CP Điện tử ASANZO Việt Nam địa chỉ: Lô A59/I, Đường số 7, KCN V, phường B, quận B1, TP. Hồ Chí Minh gửi lời xin lỗi đến Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đông Phương địa chỉ Số 58, Ngõ 295, phố B, phường B, quận H, TP. Hà Nội vì đã có hành vi xâm phạm và sử dụng nhãn hiệu số 107919 (ASANO) của Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đông Phương. Chúng tôi cam kết chấm dứt ngay hành vi vi phạm kể từ thời điểm lời xin lỗi này được đăng tải”.

Xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả

Các vụ việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ 5
Các vụ việc tranh chấp quyền tác giả diễn ra rất phổ biến
Tranh chấp quyền tác giả bộ truyện tranh Thần Đồng Đất Việt

Năm 2016, ông Lê Phong Linh khởi kiện Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kỹ thuật và Phát triển Tin học Phan Thị đề nghị Tòa án:

– Công nhận ông là tác giả duy nhất của 4 hình tượng nhân vật Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo trong bộ truyện tranh Thần Đồng Đất Việt từ tập 01 đến tập 78, không công nhận bà Phan Thị Mỹ Hạnh là đồng tác giả trong việc sáng tác 4 hình tượng nhân vật trên;

– Yêu cầu công ty Phan Thị chấm dứt việc tự tạo ra và sử dụng những biến thể khác nhau của các hình tượng Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo trên các tập Thần Đồng Đất Việt tiếp theo tập 78 và trên các ấn bản khác như Thần Đồng Đất Việt Khoa Học, Thần Đồng Đất Việt Mỹ Thuật.

Năm 2019, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm, tuyên án với nội dung sau:

– Công nhận ông Lê Phong Linh là tác giả duy nhất của hình thức thể hiện của các nhân vật Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo trong bộ truyện tranh Thần Đồng Đất Việt từ tập 01 đến tập 78. Ông Lê Phong Linh được quyền liên hệ Cục Bản quyền tác giả – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để được ghi nhận là tác giả duy nhất đối với các tác phẩm nêu trên theo quy định của pháp luật.

– Buộc Công ty TNHH Truyền thông Giáo dục và Giải trí Phan Thị chấm dứt việc tự tạo ra và sử dụng các biến thể của hình thức thể hiện của các nhân vật Trạng Tí, Dần Béo, Sửu Ẹo, Cả Mẹo trên các tập tiếp theo từ tập 79 của truyện tranh Thần Đồng Đất Việt cũng như trên các ấn bản khác như Thần Đồng Đất Việt Khoa Học, Thần Đồng Đất Việt Mỹ Thuật.

– Buộc Công ty TNHH Truyền thông Giáo dục và Giải trí Phan Thị phải xin lỗi ông Lê Phong Linh trên Báo Thanh Niên và Báo Tuổi Trẻ trong 03 số liên tiếp với nội dung như sau: “Công ty TNHH Truyền thông Giáo dục và Giải trí Phan Thị xin lỗi ông Lê Phong Linh (bút danh Lê Linh) do đã có hành vi xâm phạm quyền tác giả của ông Linh đối với hình thức thể hiện của các nhân vật Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo”.

– Buộc Công ty TNHH Truyền thông Giáo dục và Giải trí Phan Thị thanh toán cho ông Lê Phong Linh chi phí thuê luật sư là 15.000.000 đồng.

Tranh chấp bản quyền bài hát “Gánh mẹ”

Năm 2019, ông Trương Minh Nhật nộp đơn khởi kiện Công ty TNHH Lý Hải Production và ông Đoàn Đông Đức (nghệ danh Quách Beem) vì đã sử dụng bài thơ “Gánh mẹ” do ông sáng tác từ năm 2014 mà không xin phép và không trả phí bản quyền tác giả cho ông.

Từ trước đến nay, Quách Beem vẫn được biết đến là tác giả của bài hát “Gánh mẹ”. Vì vậy, khi sản xuất bộ phim “Lật Mặt 4”, Công ty TNHH Lý Hải Production đã thỏa thuận với Quách Beem để sử dụng bài hát “Gánh mẹ” trong bộ phim này. Về phía mình, Quách Beem cho rằng bài hát “Gánh mẹ” là do ông sáng tác đã được Cục Bản quyền tác giả cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả vào năm 2019.

Tòa án xác định ông Trương Minh Nhật là tác giả đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả đối với bài thơ Gánh mẹ, phần lời của bản nhạc Gánh mẹ (do Quách Beem phổ nhạc).

Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.

Vui lòng cho chúng tôi đánh giá để cải thiện bài viết nhé <3