Các trường hợp hủy bỏ hợp đồng

Dưới đây là các trường hợp huỷ bỏ hợp đồng theo quy định của pháp luật Việt Nam. Thực tế, không phải lúc nào hợp đồng đã ký kết cũng được thực hiện một cách đầy đủ và suôn sẻ. Trong một số trường hợp hợp đồng sau khi ký kết có thể bị hủy bỏ. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về việc huỷ bỏ hợp đồng dưới góc nhìn pháp lý.

Các trường hợp hủy bỏ hợp đồng
Các căn cứ để hủy bỏ hợp đồng theo quy định của pháp luật

Hủy bỏ hợp đồng là gì?

Huỷ bỏ hợp đồng là việc bãi bỏ thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng đã ký kết. Hủy bỏ hợp đồng bao gồm hủy bỏ toàn bộ và hủy bỏ một phần hợp đồng.

Hủy bỏ toàn bộ hợp đồng là việc bãi bỏ thực hiện toàn bộ các nghĩa vụ đã được thỏa thuận trong hợp đồng.

Hủy bỏ một phần hợp đồng là việc bãi bỏ thực hiện một phần nghĩa vụ đã được thỏa thuận trong hợp đồng, các phần còn lại của hợp đồng vẫn có hiệu lực.

Căn cứ hủy bỏ hợp đồng

Trong trường hợp sau đây, một bên trong hợp đồng có quyền huỷ bỏ hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại:

– Bên còn lại vi phạm hợp đồng và hành vi vi phạm này đã được các bên thỏa thuận là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng.

– Bên còn lại vi phạm nghiêm trọng hoặc vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng. Vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ hợp đồng là hành vi vi phạm của một bên đến mức làm cho bên kia không đạt được mục đích của việc ký kết hợp đồng.

Hủy bỏ hợp đồng trong một số trường hợp cụ thể

Huỷ bỏ hợp đồng do chậm thực hiện nghĩa vụ

– Bên có nghĩa vụ theo hợp đồng không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình, bên có quyền đã yêu cầu thực hiện nghĩa vụ đó trong một thời hạn hợp lý nhưng bên có nghĩa vụ vẫn không thực hiện thì bên có quyền có thể huỷ bỏ hợp đồng đã ký.

– Nếu do tính chất của hợp đồng hoặc căn cứ vào ý chí của các bên trong hợp đồng, các bên sẽ không đạt được mục đích khi ký kết hợp đồng nếu hợp đồng không được thực hiện trong một thời hạn nhất định thì khi hết thời hạn đó mà bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ thì bên còn lại có quyền hủy bỏ hợp đồng.

Huỷ bỏ hợp đồng do không có khả năng thực hiện

Bên có nghĩa vụ không thể thực hiện được một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình trong hợp đồng đến mức làm cho mục đích khi ký kết hợp đồng của bên có quyền không thể đạt được thì bên có quyền có thể huỷ bỏ hợp đồng, đồng thời yêu cầu bên có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại.

Huỷ bỏ hợp đồng trong trường hợp tài sản bị mất, bị hư hỏng

Nếu một bên làm mất hoặc làm hư hỏng tài sản là đối tượng của hợp đồng mà không thể hoàn trả, đền bù, sửa chữa, thay thế bằng tài sản khác cùng loại thì bên còn lại có quyền huỷ bỏ hợp đồng và yêu cầu bên vi phạm phải bồi thường thiệt hại.

ai có quyền huỷ bỏ hợp đồng
Ai có quyền hủy bỏ hợp đồng
Hủy bỏ hợp đồng trong trường hợp giao hàng, cung cấp dịch vụ từng phần

Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc giao hàng, cung cấp dịch vụ từng phần, nếu một bên không thực hiện nghĩa vụ của mình trong một đợt giao hàng, cung cấp dịch vụ và việc vi phạm đó cấu thành một vi phạm cơ bản thì bên còn lại có quyền hủy bỏ một phần hợp đồng đối với lần giao hàng, cung cấp dịch vụ đó.

Nếu mối quan hệ qua lại giữa các lần giao hàng dẫn đến việc hàng hóa đã giao, dịch vụ đã cung cấp trong những lần trước đó vì phần hợp đồng bị hủy bỏ lần này mà không thể được sử dụng theo đúng mục đích theo dự kiến của các bên khi ký kết hợp đồng thì bên có quyền có thể hủy bỏ hợp đồng đối với những lần giao hàng, cung cấp dịch vụ đã thực hiện hoặc sẽ thực hiện sau đó.

Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ đối với một lần giao hàng, cung cấp dịch vụ là cơ sở để bên còn lại kết luận rằng vi phạm cơ bản sẽ xảy ra đối với những lần giao hàng, cung cấp dịch vụ tiếp theo sau đó thì bên bị vi phạm có quyền hủy bỏ hợp đồng đối với những lần giao hàng, cung cấp dịch vụ sau đó. Việc thông báo hủy bỏ hợp đồng phải được thực hiện trong một khoản thời gian hợp lý.

Hậu quả của việc huỷ bỏ hợp đồng

Khi hợp đồng bị hủy bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực kể từ ngày ký kết và các bên không phải thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng, trừ các nội dung quy định về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và giải quyết tranh chấp. Khi hợp đồng bị hủy bỏ, các bên có nghĩa vụ như sau:

– Các bên hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận sau khi trừ đi chi phí hợp lý để thực hiện hợp đồng, bảo quản và phát triển tài sản. Các bên hoàn trả cho nhau bằng hiện vật đã nhận, nếu không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trả bằng tiền tương ứng. Nếu các bên đều có nghĩa vụ hoàn trả thì việc hoàn trả phải được diễn ra cùng thời điểm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

– Bên vi phạm nghĩa vụ dẫn đến hợp đồng bị hủy bỏ phải bồi thường thiệt hại cho bên bị thiệt hại.

Thông báo hủy bỏ hợp đồng

Bên hủy bỏ hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc hủy bỏ hợp đồng, nếu không thực hiện nghĩa vụ thông báo mà gây thiệt hại cho bên kia thì bên hủy bỏ hợp đồng phải bồi thường thiệt hại.

Thời hiệu yêu cầu Tòa án hủy bỏ hợp đồng

Trường hợp có tranh chấp liên quan đến việc hủy bỏ hợp đồng mà các bên không thể thỏa thuận được thì có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền để giải quyết. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết các tranh chấp về hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền khởi kiện biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Liên hệ ngay với Chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH DCNH LAW

Địa chỉ: 38B Trần Nhật Duật, phường Phước Hoà, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà

Điện thoại: 0343320223 – 0974278893

Email: [email protected]

Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.

5/5 - (1 bình chọn)