Các biện pháp xử lý vi phạm hợp đồng thương mại

Các biện pháp xử lý vi phạm hợp đồng thương mại bao gồm: Buộc thực hiện đúng hợp đồng, phạt vi phạm, buộc bồi thường thiệt hại, tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng và hủy bỏ hợp đồng. Bài viết này nhằm làm rõ nội dung và cách thức áp dụng của mỗi biện pháp nêu trên.

Các biện pháp xử lý vi phạm hợp đồng thương mại
Các biện pháp xử lý hành vi vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng thương mại

Buộc thực hiện đúng hợp đồng

Buộc thực hiện đúng hợp đồng là việc bên bị vi phạm hợp đồng yêu cầu bên vi phạm hợp đồng phải thực hiện đúng hợp đồng hoặc dùng các biện pháp hợp pháp khác để hợp đồng được thực hiện và bên vi phạm hợp đồng phải chịu chi phí phát sinh.

Nếu bên có nghĩa vụ giao thiếu hàng, cung cấp dịch vụ không đúng hợp đồng:

Nếu bên có nghĩa vụ giao thiếu hàng, cung cấp dịch vụ không đúng hợp đồng thì phải giao đủ hàng, cung cấp dịch vụ theo đúng hợp đồng. Trường hợp bên có nghĩa vụ giao hàng hóa, cung cấp dịch vụ kém chất lượng thì họ phải có nghĩa vụ loại trừ khuyết tật của hàng hóa, thiếu sót của dịch vụ hoặc giao hàng khác thay thế, cung cấp dịch vụ theo đúng hợp đồng. Bên có nghĩa vụ không được dùng tiền hoặc hàng hóa khác chủng loại, loại dịch vụ khác để thay thế nếu không được sự chấp thuận của bên có quyền.

Trong trường hợp bên có quyền đã yêu cầu như trên nhưng bên có nghĩa vụ vẫn không thực hiện đúng hợp đồng thì bên có quyền có thể mua hàng hóa, thuê dịch vụ của người khác để thay thế theo đúng chủng loại hàng hóa, dịch vụ ghi trong hợp đồng và bên có nghĩa vụ phải trả khoản tiền chênh lệch và các chi phí phát sinh liên quan nếu có; bên có quyền cũng có thể tự sửa chữa khuyết tật của hàng hóa, thiếu sót của dịch vụ và bên có nghĩa vụ có trách nhiệm phải trả các chi phí thực tế hợp lý cho bên có quyền.

Nếu bên vi phạm hợp đồng là bên mua:

Nếu bên vi phạm hợp đồng là bên mua thì bên bán có quyền yêu cầu bên mua trả tiền, nhận hàng hoặc thực hiện các nghĩa vụ khác của bên mua.

Lưu ý:

Trong trường hợp áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng, bên bị vi phạm có thể gia hạn một thời gian hợp lý để bên vi phạm có điều kiện thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng.

Nếu các bên không có thỏa thuận khác thì trong thời gian áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng, bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm nhưng không được áp dụng các chế tài khác. Nếu sau thời gian ấn định mà bên vi phạm vẫn không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng thì bên bị vi phạm được áp dụng các chế tài khác để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Phạt vi phạm hợp đồng

Phạt vi phạm hợp đồng là việc bên bị vi phạm hợp đồng yêu cầu bên vi phạm hợp đồng phải trả một khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng cho bên bị vi phạm theo nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng.

Mức phạt vi phạm hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều hành vi vi phạm hợp đồng do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị của phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.

Thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cấp chứng thư giám định có kết quả sai do lỗi vô ý thì phải trả tiền phạt cho khách hàng. Mức phạt vi phạm trong trường hợp này do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 10 lần mức thù lao dịch vụ giám định.

Buộc bồi thường thiệt hại

Bồi thường thiệt hại là việc bên vi phạm hợp đồng phải bồi thường những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng của mình gây ra cho bên bị vi phạm. Số tiền bồi thường bao gồm tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải gánh chịu do hành vi của bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không xảy ra hành vi vi phạm.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố bao gồm: Có hành vi vi phạm hợp đồng, có thiệt hại thực tế xảy ra, hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại đó.

Bên yêu cầu bồi thường thiệt hại có nghĩa vụ cung cấp các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho mức yêu cầu bồi thường thiệt hại, đồng thời có nghĩa vụ phải áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất.

Chế tài buộc bồi thường thiệt hại được áp dụng song song và độc lập với các biện pháp chế tài khác.

Tạm ngừng thực hiện hợp đồng
Các trường hợp nào được hủy bỏ hợp đồng

Tạm ngừng thực hiện hợp đồng

Khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây, một bên có quyền tạm ngừng thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng:

– Xảy ra hành vi vi phạm hợp đồng mà các bên đã thỏa thuận là điều kiện để tạm ngừng thực hiện hợp đồng.

– Bên còn lại vi phạm cơ bản nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng.

Khi hợp đồng bị tạm ngừng thực hiện thì hợp đồng vẫn còn hiệu lực. Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm hợp đồng phải bồi thường thiệt hại theo quy định.

Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, bên bị vi phạm không được áp dụng chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng đối với vi phạm không cơ bản.

Đình chỉ thực hiện hợp đồng

Đình chỉ thực hiện hợp đồng là việc chấm dứt thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng. Khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây, một bên có quyền đình chỉ thực hiện hợp đồng:

– Xảy ra hành vi vi phạm hợp đồng mà các bên đã thỏa thuận là điều kiện để đình chỉ hợp đồng.

– Bên còn lại vi phạm cơ bản nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng.

Khi hợp đồng bị đình chỉ thực hiện thì hợp đồng chấm dứt hiệu lực kể từ thời điểm bên còn lại nhận được thông báo đình chỉ, các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng đã bị đình chỉ. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán hoặc thực hiện nghĩa vụ đối ứng. Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bên vi phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, bên bị vi phạm không được áp dụng chế tài đình chỉ thực hiện hợp đồng đối với vi phạm không cơ bản.

Hủy bỏ hợp đồng

Hủy bỏ hợp đồng là việc bãi bỏ thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng. Hủy bỏ hợp đồng bao gồm hủy bỏ một phần hợp đồng và hủy bỏ toàn bộ hợp đồng. Biện pháp hủy bỏ hợp đồng được áp dụng trong các trường hợp sau:

– Xảy ra hành vi vi phạm hợp đồng mà các bên đã thỏa thuận là điều kiện để hủy bỏ hợp đồng.

– Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng.

Sau khi hủy bỏ hợp đồng thì hợp đồng không có hiệu lực ngay từ thời điểm giao kết, các bên không phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng, trừ các thỏa thuận về hậu quả sau khi hủy bỏ hợp đồng và giải quyết tranh chấp. Bên nào đã thực hiện phần nghĩa vụ của mình theo hợp đồng thì có quyền yêu cầu bên kia hoàn trả lại tương ứng, trường hợp không thể hoàn trả lại bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền tương ứng. Bên bị vi phạm còn có quyền yêu cầu bên vi phạm bồi thường thiệt hại theo quy định.

Trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, bên bị vi phạm không được áp dụng chế tài hủy bỏ hợp đồng đối với vi phạm không cơ bản.

Các biện pháp xử lý vi phạm hợp đồng thương mại 3
Các trường hợp được miễn trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng thương mại

Các biện pháp khác

Các bên khi ký kết hợp đồng có thể thỏa thuận áp dụng các biện pháp khác để xử lý các hành vi vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng nhưng các biện pháp này không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và tập quán thương mại quốc tế.

Các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm

Các trường hợp được miễn trách nhiệm khi vi phạm hợp đồng thương mại

1/ Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng;

2/ Xảy ra sự kiện bất khả kháng;

3/ Hành vi vi phạm hợp đồng của một bên hoàn toàn do lỗi của bên còn lại;

4/ Hành vi vi phạm hợp đồng của một bên là do thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm ký kết hợp đồng.

Bên vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ chứng minh mình thuộc một trong các trường hợp được miễn trách nhiệm và thông báo ngay bằng văn bản cho bên còn lại biết về trường hợp được miễn trách nhiệm cùng với hậu quả có thể xảy ra. Nếu bên vi phạm không thông báo hoặc thông báo không kịp thời cho bên còn lại thì vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Kéo dài thời hạn, từ chối thực hiện hợp đồng trong trường hợp bất khả kháng

Trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng, các bên có thể cùng nhau thỏa thuận kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Trường hợp các bên không thỏa thuận được thì thời hạn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng được kéo dài thêm một thời gian bằng thời gian xảy ra trường hợp bất khả kháng và thời gian để khắc phục hậu quả, nhưng không quá các thời hạn sau:

– Nếu thời hạn giao hàng, cung cấp dịch vụ thỏa thuận trong hợp đồng từ 12 tháng trở xuống kể từ khi ký kết hợp đồng thì thời gian gia hạn nghĩa vụ không quá 05 tháng.

– Nếu thời hạn giao hàng, cung cấp dịch vụ thỏa thuận trong hợp đồng trên 12 tháng kể từ khi ký kết hợp đồng thì thời gian gia hạn nghĩa vụ không quá 08 tháng.

– Nếu hợp đồng mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có thời hạn cố định về giao hàng hoặc hoàn thành dịch vụ thì không áp dụng gia hạn thời gian thực hiện nghĩa vụ.

Quá thời gian gia hạn nêu trên, các bên có quyền từ chối thực hiện hợp đồng và không bên nào phải bồi thường thiệt hại.

Liên hệ ngay với Chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH DCNH LAW

Địa chỉ: 38B Trần Nhật Duật, phường Phước Hoà, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà

Điện thoại: 0343320223 – 0974278893

Email: [email protected]

Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.

5/5 - (3 bình chọn)