Bảo vệ hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội

Bảo vệ hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội theo quy định pháp luật hiện hành và một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam.

Bảo vệ hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội
Bảo vệ hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội 4

1. Bảo vệ hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội theo quy định của pháp luật

Quyền của cá nhân đối với hình ảnh là một trong những quyền dân sự của cá nhân, được quy định tại Hiến pháp 2013, Bộ luật Dân sự 2015 và các văn bản pháp luật khác. Hiện nay, với sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội thì hành vi đăng tải, chia sẻ hình ảnh cá nhân của người khác được thực hiện một cách dễ dàng, nhanh chóng và trên phạm vi rất rộng.

1.1. Quyền được bảo vệ hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội

Theo quy định tại Điều 14 Hiến pháp 2013, các quyền công dân về dân sự được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm tại Việt Nam theo Hiến pháp và pháp luật. Các quyền này chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng[1]. Như vậy, quyền được bảo vệ hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội, với tư cách là một quyền dân sự của công dân, đã được ghi nhận trong Hiến pháp, văn bản pháp luật có giá trị cao nhất tại Việt Nam.

Bộ luật Dân sự 2015 đã cụ thể hoá quyền được bảo vệ hình ảnh cá nhân tại khoản 1 Điều 32 như sau: “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”[2]. Như vậy, hành vi sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác đăng tải trên mạng xã hội mà không được sự đồng ý của người đó được xem là một hành vi vi phạm pháp luật dân sự. Việc sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác được thể hiện dưới hai dạng là sử dụng vì mục đích thương mại và sử dụng không vì mục đích thương mại. Hành vi sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác vì mục đích thương mại trên mạng xã hội có thể kể đến như việc sử dụng hình ảnh của người nổi tiếng để quảng cáo cho sản phẩm, dịch vụ. Trong trường hợp này, người sử dụng hình ảnh không chỉ cần nhận được sự cho phép của người có hình ảnh mà còn phải có nghĩa vụ trả thù lao cho người đó. Bộ luật Dân sự 2015 không quy định cụ thể cách tính mức thù lao này như thế nào mà để cho các bên tự do thoả thuận. Tuy nhiên, nếu người sử dụng hình ảnh của người khác trái phép vì mục đích thương mại thì sau khi người có hình ảnh phát hiện ra và yêu cầu bồi thường mức thù lao sử dụng hình ảnh mà các bên không thoả thuận được thì sẽ gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án tại Toà án. Trường hợp này, việc xác định mức thù lao phụ thuộc rất nhiều vào cách đánh giá của từng Hội đồng xét xử nên có thể gây ra sự không thống nhất trong kết quả xét xử ở các địa phương khác nhau.

Khoản 2 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định các trường hợp sử dụng hình ảnh không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện hợp pháp của họ, bao gồm: “Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng hoặc hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh”[3]. Việc sử dụng hình ảnh cá nhân trong các trường hợp này không bị xem là hành vi vi phạm quyền của cá nhân đối với hình ảnh.

Điều 17 Luật An ninh mạng 2018 quy định các hành vi gồm: chiếm đoạt, mua bán, thu giữ, cố ý làm lộ, thay đổi, đưa lên không gian mạng các thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư, gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân là hành vi xâm phạm quyền của cá nhân và bị cấm thực hiện trên môi trường mạng[4].

Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 13/2023/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17/04/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân quy định: “Dữ liệu cá nhân là thông tin dưới dạng ký hiệu, chữ viết, chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự trên môi trường điện tử gắn liền với một con người cụ thể hoặc giúp xác định một con người cụ thể. Dữ liệu cá nhân bao gồm dữ liệu cá nhân cơ bản và dữ liệu cá nhân nhạy cảm”[5]. Điểm d khoản 3 Điều 2 của Nghị định này cũng quy định “hình ảnh của cá nhân” là một trong những dữ liệu cá nhân cơ bản[6]. Theo đó, người có hình ảnh có các quyền của chủ thể dữ liệu bao gồm: Quyền được biết về hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân của mình; quyền đồng ý hoặc không đồng ý cho phép xử lý dữ liệu cá nhân của mình; quyền truy cập để xem, chỉnh sửa hoặc yêu cầu chỉnh sửa dữ liệu cá nhân của mình; quyền rút lại sự đồng ý của mình; quyền được xóa hoặc yêu cầu xóa dữ liệu cá nhân của mình; quyền yêu cầu hạn chế xử lý dữ liệu cá nhân của mình; quyền phản đối xử lý dữ liệu cá nhân của mình; quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện; quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại và quyền tự bảo vệ[7]. Như vậy, các hành vi xử lý hình ảnh cá nhân phải được người có hình ảnh đồng ý. Các hành vi xử lý dữ liệu cá nhân được định nghĩa tại khoản 7 Điều 2 của Nghị định này như sau: “Xử lý dữ liệu cá nhân là một hoặc nhiều hoạt động tác động tới dữ liệu cá nhân, như: thu thập, ghi, phân tích, xác nhận, lưu trữ, chỉnh sửa, công khai, kết hợp, truy cập, truy xuất, thu hồi, mã hóa, giải mã, sao chép, chia sẻ, truyền đưa, cung cấp, chuyển giao, xóa, hủy dữ liệu cá nhân hoặc các hành động khác có liên quan”[8]. Căn cứ vào quy định này, chúng ta có thể thấy các chủ thể “truy cập”, “chia sẻ”, “truyền đưa” các bài đăng hình ảnh cá nhân trái phép cũng được xem là hành vi vi phạm quy định về xử lý dữ liệu cá nhân. Bởi lẽ, các chủ thể này tuy không phải là chủ thể đăng tải hình ảnh cá nhân trái phép nhưng đã góp phần làm cho hành vi đăng tải ban đầu được lan truyền rộng rãi hơn, làm cho số lượng người tiếp cận nhiều hơn, gây thiệt hại lớn hơn cho người có hình ảnh.

các biện pháp xử lý xâm phạm hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội
Bảo vệ hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội 5

1.2. Các biện pháp xử lý hành vi vi phạm

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì người có hình ảnh cá nhân bị sử dụng trái phép trên mạng xã hội có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền của mình:

1.2.1. Biện pháp tự bảo vệ[9]:

Khi phát hiện ra hình ảnh của mình bị sử dụng trái phép, người có hình ảnh có thể tự mình yêu cầu tổ chức, cá nhân vi phạm phải chấm dứt ngay hành vi vi phạm, cải chính, xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ hiệu quả nếu bên vi phạm nhận thức được hành vi của mình là trái pháp luật và tự nguyện thực hiện các biện pháp nhằm khắc phục hậu quả theo yêu cầu của người có hình ảnh. Nếu bên vi phạm cố tình phớt lờ những yêu cầu và cảnh báo của người có hình ảnh thì biện pháp tự bảo vệ sẽ không mang lại hiệu quả.

Vấn đề đặt ra là, người có hình ảnh bị sử dụng trái phép có quyền yêu cầu các đơn vị là chủ sở hữu mạng xã hội gỡ bỏ, xoá các bài đăng, hình ảnh vi phạm hay không và trách nhiệm của các đơn vị này như thế nào? Hiện nay, chưa có điều luật quy định cơ chế này nên người bị xâm phạm hình ảnh cá nhân gặp rất nhiều khó khăn trong việc chủ động ngăn chặn hậu quả của việc hình ảnh bị phát tán trên mạng xã hội.

1.2.2. Yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại[10].

Biện pháp này có sự can thiệp của cơ quan tư pháp là Toà án. Vì đặc điểm của các bản án, quyết định của Toà án là có tính cưỡng chế thi hành nên biện pháp này được thường xuyên áp dụng để giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc sử dụng hình ảnh cá nhân trái phép. Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp này trên thực tế gặp phải một số khó khăn sau:

  • Vì chưa có quy định cụ thể về mức bồi thường thiệt hại khi hình ảnh cá nhân bị xâm phạm nên khi giải quyết tranh chấp, Toà án phải căn cứ vào các quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng để giải quyết. Theo quy định tại khoản 1 Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 thì “thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời”. Tuy nhiên, việc xác định thiệt hại thực tế trong các trường hợp xâm phạm hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội rất khó khăn do tính chất của mạng xã hội là phát tán thông tin nhanh, số lượng người dùng lớn, khó đo lường được mức độ thiệt hại để làm căn cứ tính tiền bồi thường.
  • Trong trường hợp việc xâm phạm hình ảnh cá nhân gây thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín cho người có hình ảnh thì mức bồi thường tổn thất về tinh thần tối đa trong trường hợp các bên không thoả thuận được chỉ có mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định[11]. Mức lương cơ sở hiện nay là 1,8 triệu đồng, như vậy, trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì số tiền bồi thường tổn thất về tinh thần tối đa chỉ có 18 triệu đồng. Do tính chất của mạng xã hội là khả năng tiếp cận số lượng người dùng lớn, tốc độ lan truyền nhanh nên các hành vi xâm phạm hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội có thể gây ra những tổn thương tinh thần sâu sắc, khó khắc phục hậu quả, thậm chí là không thể khắc phục được hậu quả, đối với bản thân của người có hình ảnh, thậm chí là đối với gia đình của họ nên số tiền bồi thường tổn thất về tinh thần tối đa mà Bộ luật Dân sự quy định như trên là không tương xứng với mức độ tổn thất tinh thần có thể xảy ra trên thực tế.
  • Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 104/2023/QH15 ngày 10/11/2023 của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024: “Từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII”[12]. Theo đó, Chính phủ sẽ bỏ việc áp dụng mức lương cơ sở[13] từ ngày 01/07/2024. Như vậy, khi phát sinh trách nhiệm bồi thường do tính mạng, sức khoẻ, uy tín, danh dự bị xâm phạm theo Bộ luật Dân sự năm 2015, Toà án không có căn cứ để tính mức bồi thường thiệt hại về tinh thần vì không còn tồn tại mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước để áp dụng. Trường hợp này, Toà án hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự nguyện thoả thuận giữa người gây thiệt hại và người bị thiệt hại. Điều này gây khó khăn cho hoạt động xét xử của Toà án vì không phải trường hợp nào các đương sự cũng thoả thuận được với nhau về mức bồi thường tổn thất về tinh thần.

1.2.3. Xử phạt vi phạm hành chính

Theo điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 03/02/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, mức xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội như sau:

– Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

– Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

– Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.

Theo quy định này thì các hành vi sử dụng hình ảnh cá nhân trái phép, mạo danh người khác, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác hoặc tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, mức phạt tiền nêu trên là quá thấp so với mức độ ảnh hưởng của các hành vi xâm phạm hình ảnh, uy tín, danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên mạng xã hội.

1.2.4. Truy cứu trách nhiệm hình sự

Trường hợp hành vi xâm phạm hình ảnh cá nhân xúc phạm nghiêm trọng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác thì chủ thể thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

xâm phạm hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội
Bảo vệ hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội 6

2. Thực tiễn xét xử các hành vi xâm phạm hình ảnh cá nhân của người khác trên mạng xã hội

Qua nghiên cứu các bản án dân sự tranh chấp về yêu cầu bồi thường thiệt hại do hình ảnh cá nhân bị xâm phạm, gây thiệt hại đến danh dự, nhân phẩm của người có hình ảnh, người viết nhận thấy tồn tại hai vấn đề cơ bản dưới đây.

2.1. Không có chứng cứ xác thực được ai là chủ sở hữu của tài khoản mạng xã hội đã đăng tải hình ảnh cá nhân trái phép

Theo bản án số 375/2023/DS-PT ngày 15/08/2023 của Toà án nhân dân tỉnh Đồng Tháp[14], tranh chấp có nội dung như sau: Do mâu thuẫn trong tranh chấp quyền sử dụng đất, bà O đã đăng tải hình ảnh của ông B1 và ông N lên mạng xã hội facebook với nội dung ông B1 là côn đồ và ông N đã từng có tiền án tiền sự. Tuy nhiên, bà O không thừa nhận tài khoản facebook này là của bà. Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao Công an tỉnh và Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh đều có văn bản trả lời Toà án là không thể xác minh được tài khoản facebook đã đăng tải hình ảnh và thông tin nêu trên là của ai. Vì vậy, Toà án đã tuyên bác toàn bộ yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của nguyên đơn.

Thông qua bản án này, chúng ta có thể thấy, nếu người đăng tải hình ảnh lên mạng xã hội không thừa nhận hành vi, xoá tài khoản mạng xã hội thì người bị xâm phạm hình ảnh cá nhân sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc chứng minh hành vi vi phạm tại cơ quan có thẩm quyền. Một trong những đặc điểm của mạng xã hội là người dùng có thể dễ dàng tạo và xoá tài khoản mà không cần phải cung cấp bất kỳ giấy tờ chứng thực cá nhân nào nên rất khó để xác định được chủ sở hữu của các tài khoản mạng xã hội nếu người dùng cố tình giấu diếm thông tin cá nhân của mình.

2.2. Khó chứng minh thiệt hại về vật chất có liên quan

Theo bản án số 718/2022/DS-PT ngày 30/11/2022 của Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh[15], tranh chấp có nội dung như sau: Vì cho rằng chồng mình ngoại tình với bà D nên bà A đã đăng tải hình ảnh của bà D lên mạng xã hội facebook với nội dung bà D vì tiền mà phá hoại hạnh phúc gia đình của mình. Bà D cho rằng do các bài đăng của bà A mà bà D bị trầm cảm phải điều trị tại bệnh viện và phải nghỉ việc nên khởi kiện yêu cầu bà A phải bồi thường chi phí khám chữa bệnh và thu nhập bị mất do nghỉ việc. Tuy nhiên, vì bà D không chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của bà A và thiệt hại của bà D, tức là không chứng minh được có thiệt hại xảy ra từ các hành vi của bà A nên Toà án đã tuyên bác yêu cầu khởi kiện của bà D.

Từ bản án nêu trên cho thấy, việc chứng minh thiệt hại vật chất từ hành vi xâm phạm hình ảnh cá nhân, xâm phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của cá nhân trên mạng xã hội không hề dễ dàng.

3. Pháp luật nước ngoài về bảo vệ hình ảnh cá nhân

Khoản 1 Điều 823 Bộ luật Dân sự của Cộng hoà liên bang Đức quy định: Người cố ý hoặc vô ý làm tổn hại trái pháp luật đến tính mạng, tay chân, sức khỏe, tự do, tài sản hoặc một số quyền khác của người khác có trách nhiệm bồi thường cho bên kia về những thiệt hại phát sinh từ đó. Khoản 1 Điều 824 Bộ luật này cũng quy định: Người tuyên bố hoặc phổ biến một điều không đúng sự thật, gây thiệt hại cho uy tín, danh dự của người khác hoặc gây ra những bất lợi khác cho cuộc sống và sự phát triển của họ phải chịu trách nhiệm bồi thường cho những thiệt hại đã gây ra, ngay cả khi, mặc dù họ không biết điều đó là sai sự thật nhưng họ buộc phải biết điều đó[16]. Như vậy, pháp luật Cộng hoà liên bang Đức cũng đặt ra vấn đề bồi thường thiệt hại trong trường hợp quyền dân sự, uy tín, danh dự của cá nhân bị xâm phạm. Tuy nhiên, họ không quy định về mức bồi thường tối đa cho thiệt hại về tinh thần mà để cho Toà án quyết định dựa trên mức độ lỗi của người vi phạm và thiệt hại mà người bị xâm phạm phải gánh chịu.

Quy định chung về bảo vệ dữ liệu cá nhân (General Data Protection Regulation –  GDPR) của Liên minh châu Âu ngày 25/05/2018 quy định về việc xử lý các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân như sau[17]: Khi có những xâm phạm đối với quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân, công dân của Liên minh châu Âu có thể khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền của Liên minh, Chính phủ, Tòa án các quốc gia thành viên của Liên minh hoặc những tổ chức nhân quyền để yêu cầu được bảo vệ và buộc bên vi phạm phải bồi thường thiệt hại. GDPR cũng quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của các chủ thể liên quan đến quá trình xử lý dữ liệu cá nhân như: người kiểm soát dữ liệu, người xử lý dữ liệu, cán bộ bảo vệ dữ liệu được chỉ định trong tổ chức… Ngoài việc phải bồi thường thiệt hại, bên vi phạm còn có thể bị phạt với mức phạt rất cao, có thể lên đến 20 triệu Euros (tương đương hơn 500 tỷ đồng tiền Việt Nam) hoặc 4% doanh thu toàn cầu (trong 12 tháng trước đó) của công ty vi phạm.

4. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật

4.1. Thay đổi cách tính bồi thường tổn thất về tinh thần trong Bộ luật Dân sự năm 2015

Như đã phân tích ở trên, kể từ ngày 01/07/2024, Nhà nước không còn quy định mức lương cơ sở. Vì vậy, để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động xét xử của Toà án trong các vụ việc có yêu cầu bồi thường tổn thất về tinh thần, đồng thời nhằm đảm bảo số tiền bồi thường có khả năng bù đắp những tổn thất về tinh thần to lớn mà hành vi xâm phạm có thể gây ra, học viên đề xuất sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2015 trên tinh thần tiếp thu các quy định có liên quan của Bộ luật Dân sự Cộng hoà liên bang Đức. Cụ thể, trao quyền cho Toà án quyết định mức bồi thường tổn thất về tinh thần trong trường hợp người gây thiệt hại và người bị thiệt hại không thoả thuận được.

Theo đó, học viên đề xuất sửa đổi khoản 2 Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:

“2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì Toà án quyết định mức bồi thường tổn thất về tinh thần dựa trên mức độ lỗi của người vi phạm và thiệt hại mà người bị xâm phạm phải gánh chịu.”

Ngoài ra, học viên đề xuất sửa đổi cách tính bồi thường tổn thất về tinh thần trong trường hợp sức khoẻ, tính mạng bị xâm phạm tại khoản 2 Điều 590 và khoản 2 Điều 591 Bộ luật Dân sự năm 2015 tương tự như nội dung trên.

4.2. Tăng số tiền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm hình ảnh cá nhân trên mạng xã hội

Như đã phân tích ở các phần trên, mức phạt tiền đối với hành vi sử dụng mạng xã hội để tiết lộ bí mật đời tư cá nhân hoặc cung cấp, chia sẻ hình ảnh của cá nhân nhằm xâm phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của họ cần đủ lớn để mang tính răn đe đối với người dùng mạng xã hội. Vì vậy, học viên đề xuất sửa đổi khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 03/02/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử theo hướng tăng mức phạt tiền đối với người vi phạm.


[1] Điều 14 Hiến pháp ngày 28/11/2013.

[2] Khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự ((Luật số 91/2015/QH13) ngày 24/11/2015.

[3] Khoản 2 Điều 32 Bộ luật Dân sự ((Luật số 91/2015/QH13) ngày 24/11/2015.

[4] Điều 17 Luật An ninh mạng (Luật số 24/2018/QH14) ngày 12/06/2018.

[5] Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 13/2023/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17/04/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

[6] Điểm d khoản 3 Điều 2 Nghị định số 13/2023/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17/04/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

[7] Điều 9 Nghị định số 13/2023/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17/04/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

[8] Khoản 7 Điều 2 Nghị định số 13/2023/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17/04/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

[9] Điều 11 Bộ luật Dân sự ((Luật số 91/2015/QH13) ngày 24/11/2015.

[10] Khoản 3 Điều 32 Bộ luật Dân sự ((Luật số 91/2015/QH13) ngày 24/11/2015.

[11] Khoản 2 Điều 592 Bộ luật Dân sự ((Luật số 91/2015/QH13) ngày 24/11/2015.

[12] Khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 104/2023/QH15 của Quốc hội ngày 10/11/2023 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024.

[13] Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ngày 21/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

[14] https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta1351588t1cvn/chi-tiet-ban-an, truy cập ngày 03/02/2024.

[15] https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta1327291t1cvn/chi-tiet-ban-an, truy cập ngày 03/02/2024.

[16] Langenscheidt Übersetzungsservice (2021), “Bản dịch tiếng Anh của Bộ luật Dân sự Đức năm 2002, được sửa đổi gần nhất bởi Điều 1 của Luật ngày 10/08/2021” (German Civil Code 2002, last amended by Article 1 of the Act of 10 August 2021).

[17] Trần Thị Thu Phương, “Quy định chung của Liên minh châu Âu về bảo vệ dữ liệu cá nhân và một số kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam”, http://www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=210980, truy cập ngày 27/01/2024.

Liên hệ ngay với Chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH DCNH LAW

Địa chỉ: 38B Trần Nhật Duật, phường Phước Hoà, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà

Điện thoại: 0343320223 – 0974278893

Email: [email protected]

5/5 - (1 bình chọn)