Hotline:
Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bằng trọng tài như thế nào theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019?
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân của Hội đồng trọng tài lao động
Theo quy định tại Điều 185 và Điều 187 thì HĐTTLĐ do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập có thẩm quyền giải quyết TCLĐ cá nhân. Theo đó, HĐTTLĐ chỉ có quyền thụ lý và giải quyết TCLĐ cá nhân khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
Một là, TCLĐ cá nhân. TCLĐ cá nhân là những mâu thuẫn, bất đồng xung đột giữa người lao động hoặc nhóm người lao động với người sử dụng lao động, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại về các vấn đề của quan hệ lao động như việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội… hoặc có liên quan đến quan hệ lao động.
Hai là, TCLĐ cá nhân xảy ra trong địa bàn tỉnh, nơi HĐTTLĐ được thành lập. Có thể thấy, thẩm quyền giải quyết TCLĐ cá nhân của HĐTTLĐ bị giới hạn bởi phạm vi địa hạt. Tức là HĐTTLĐ của tỉnh này không thể thụ lý và giải quyết TCLĐ cá nhân ở tỉnh khác.
Ba là, TCLĐ cá nhân mà HĐTTLĐ thụ lý giải quyết phải qua thủ tục hòa giải tại hòa giải viên lao động hoặc trường hợp không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải, hoặc trường hợp hết thời hạn hòa giải mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải, hoặc trường hợp hòa giải không thành. Như vậy, nếu vụ TCLĐ cá nhân chưa qua thủ tục hòa giải tại hòa giải viên lao động hoặc không thuộc trường hợp không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải tại hòa giải viên lao động hoặc đã có biên bản hòa giải thành của hòa giải viên lao động thì HĐTTLĐ không được phép thụ lý giải quyết cho dù có đơn yêu cầu của đương sự.
Bốn là, Hội đồng Trọng tài chỉ tiến hành giải quyết TCLĐ cá nhân khi có sự đồng thuận của các bên tranh chấp. Điều đó có nghĩa là HĐTTLĐ chỉ giải quyết TCLĐ cá nhân khi có thỏa thuận trọng tài. Trong phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thì yếu tố thỏa thuận đóng vai trò chủ đạo, là yếu tố quyết định sự tồn tại của trọng tài. Bởi bản chất của trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp dựa trên sự thỏa thuận của các bên.
Việc quy định HĐTTLĐ giải quyết TCLĐ theo cơ chế trọng tài tự nguyện (không phải là bắt buộc) không chỉ đảm bảo và giúp các bên được linh hoạt trong việc lựa chọn cơ quan, tổ chức giải quyết tranh chấp mà còn hướng tới đạt được mục tiêu của việc giải quyết TCLĐ, đó là duy trì mối quan hệ lao động sau tranh chấp. Khác với việc giải quyết các tranh chấp dân sự hay thương mại, việc giải quyết TCLĐ ngoài việc khôi phục lại các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ lao động còn hướng tới việc duy trì mối quan hệ lao động hài hòa ổn định.
Khi yêu cầu HĐTTLĐ giải quyết tranh chấp, các bên không được đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết trừ trường hợp hết thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp mà Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày Ban trọng tài lao động được thành lập mà Ban trọng tài lao động không ra được quyết định giải quyết tranh chấp.
Quy định về việc thành lập Ban Trọng tài lao động
Theo Điều 185 BLLĐ năm 2019, HĐTTLĐ được thành lập ở mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập với nhiệm kì là 05 năm. Cơ chế Ban trọng tài lao động được hình thành do HĐTTLĐ thành lập gồm 03 trọng tài viên hoặc 01 trọng tài viên để giải quyết vụ TCLĐ cụ thể khi có yêu cầu của các bên tranh chấp. Ban trọng tài lao động được thành lập theo nguyên tắc: Đại diện mỗi bên tranh chấp chọn 01 trọng tài viên trong số danh sách trọng tài viên lao động; trọng tài viên lao động do các bên lựa chọn thống nhất lựa chọn 01 trọng tài viên lao động khác làm Trưởng Ban trọng tài lao động. Trường hợp các bên tranh chấp cùng lựa chọn một trọng tài viên để giải quyết TCLĐ thì Ban trọng tài lao động chỉ gồm 01 trọng tài viên lao động đã được lựa chọn. Ban trọng tài lao động làm việc theo nguyên tắc tập thể và quyết định theo đa số trừ trường hợp Ban trọng tài lao động chỉ gồm 01 trọng tài viên lao động.
Trình tự, thủ tục và thời hạn giải quyết tranh chấp lao động cá nhân của Hội đồng Trọng tài lao động
Trình tự thủ tục giải quyết TCLĐ cá nhân tại Hội đồng trọng tài hiện nay chưa được pháp luật lao động quy định cụ thể. Tuy nhiên thông thường bước đầu của quá trình tố tụng trọng tài, nguyên đơn phải gửi đơn kiện đến trung tâm trọng tài Ban trọng tài được thành lập và chuẩn bị giải quyết, gồm các công việc: Nghiên cứu hồ sơ, xác định sự việc, thu thập chứng cứ, áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời. Ban trọng tài lao động sẽ mở phiên họp giải quyết tranh chấp. Kết thúc phiên họp Ban trọng tài phải đưa ra phán quyết trọng tài.
Về thời hạn giải quyết TCLĐ cá nhân của HĐTTLĐ: Theo quy định khi hết thời hạn 05 ngày làm việc mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc hòa giải viên lao động đã hòa giải nhưng không thành hoặc hòa giải viên lao động đã hòa giải thành nhưng một trong các bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành thì các bên tranh chấp có quyền yêu cầu HĐTTLĐ giải quyết TCLĐ cá nhân. Ban trọng tài lao động sẽ được thành lập trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết TCLĐ. Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày Ban trọng tài lao động được thành lập, Ban trọng tài lao động phải ra quyết định về việc giải quyết tranh chấp và gửi cho các bên tranh chấp. Khi yêu cầu HĐTTLĐ giải quyết tranh chấp, các bên không được đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết. Tuy nhiên, trong trường hợp lựa chọn giải quyết tại HĐTTLĐ thì các bên vẫn tiếp tục được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết trong trường hợp: Hết thời hạn 07 ngày mà Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc hết thời hạn 30 ngày mà Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc một trong các bên không thi hành quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động.
Phán quyết của Hội đồng trọng tài
Ban trọng tài quyết định theo nguyên tắc tập thể và theo đa số. Quyết định giải quyết TCLĐ của Ban trọng tài phải được ban hành ngay tại phiên họp hoặc sau khi kết thúc phiên họp giải quyết tranh chấp. Về nguyên tắc, phán quyết trọng tài mang tính chất chung thẩm không thể bị kháng cáo, kháng nghị theo bất cứ thủ tục nào. Trường hợp các bên muốn hủy phán quyết của trọng tài thì phải gửi đơn ra Tòa án. Đây là đặc trưng của hoạt động giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài.
Thời hiệu yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp lao động cá nhân
Thời hiệu yêu cầu HĐTTLĐ giải quyết TCLĐ cá nhân là 09 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm. Như vậy, thời điểm bắt đầu tính thời hiệu là “ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm”. Điều đó có nghĩa là kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm thì các bên có tối đa 06 tháng để thực hiện quyền yêu cầu hòa giải viên lao động hòa giải TCLĐ. Sau khi yêu cầu hòa giải tại hòa giải viên lao động, nếu kết quả hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hòa giải không thành hoặc không hòa giải trong thời hạn do pháp luật quy định thì có quyền yêu cầu HĐTTLĐ hoặc Tòa án giải quyết tiếp vụ tranh chấp. Nói tóm lại, thời hiệu mà các bên có quyền yêu cầu Hội đồng trọng tài giải quyết TCLĐ cá nhân là 09 tháng đã bao gồm cả thời gian để hòa giải viên lao động tiến hành hòa giải tranh chấp.
Vì thế việc xác định chính xác “ngày phát hiện ra hành vi” là thời điểm bắt đầu tính thời hiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi từ đó mới xác định được chính xác thời điểm hết thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp và xác định được người yêu cầu còn quyền yêu cầu hay không; cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết TCLĐ có thụ lý đơn yêu cầu để giải quyết hay không. Việc quy định như trên sẽ giảm thiểu được những thiệt hại cho các bên trong TCLĐ đặc biệt là khi một bên lợi dụng quy định về thời hiệu để gây thiệt hại cho bên kia.
Liên hệ ngay với Chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH DCNH LAW
Địa chỉ: 38B Trần Nhật Duật, phường Phước Hoà, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà
Điện thoại: 0343320223 – 0974278893
Email: [email protected]