Hotline:
So sánh tội bức tử và tội hành hạ người khác theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)
Tội hành hạ người khác là gì?
Tội hành hạ người khác là hành vi đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình, gây đau đớn về thể xác và tinh thần cho người bị hành hạ. Hành vi hành hạ có thể là đánh đập, tra tấn, ngược đãi, hoặc dùng những biện pháp khác gây đau đớn về thể xác hoặc tinh thần cho nạn nhân. Tội hành hạ người khác được quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự.
Tội bức tử là gì?
Tội bức tử là hành vi đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình, làm cho người đó tự sát. Đây là hành vi của một người dùng các biện pháp trái pháp luật như hành hạ, đe dọa, ép buộc, gây áp lực tâm lý hoặc thể chất làm cho người khác không chịu đựng nổi và phải tìm đến cái chết. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền sống và sự tự do cá nhân của người khác, và bị pháp luật xử lý nghiêm khắc. Tội bức tử được quy định tại Điều 130 Bộ luật Hình sự.
So sánh tội bức tử và tội hành hạ người khác
Giống nhau giữa tội bức tử và tội hành hạ người khác
- Về hành vi khách quan: Người phạm tội trong tội bức tử và tội hành hạ người khác đều có hành vi sử dụng bạo lực đối với nạn nhân hoặc làm nhục về tinh thần làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, xấu hổ, nhục nhã về tinh thần. Ví dụ: đánh đập, trói, bỏ đói, đăng bài nói xấu, đăng ảnh, video lên mạng xã hội để làm nhục, …
- Về mối quan hệ lệ thuộc giữa người phạm tội và người bị hại: Trong cả hai tội này, nạn nhân đều là người bị lệ thuộc vào người phạm tội. Nếu nạn nhân không phải là người bị lệ thuộc vào người phạm tội thì không cấu thành hai tội danh này.
- Về chủ thể của tội phạm: Chủ thể của hai tội phạm này đều phải là người từ đủ 16 tuổi trở lên.
- Khách thể của tội phạm: Hai tội danh này đều có những khách thể chung là sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của con người.
Khác nhau giữa tội bức tử và tội hành hạ người khác
Về hậu quả của hành vi phạm tội:
- Ở tội bức tử, dấu hiệu định tội là nạn nhân phải có hành vi tự sát. Do hậu quả của hành vi phạm tội mà nạn nhân không thể chịu đựng được, dẫn đến tự tước đoạt mạng sống của chính mình. Ví dụ: Thắt cổ tự tử, uống thuốc trừ sâu, nhảy xuống sông tự vẫn, … Nếu nạn nhân tuy muốn chết nhưng không trực tiếp tước đoạt tính mạng của mình mà nhờ người khác thì người bị ngược đãi không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội bức tử mà bị truy cứu trách nhiệm về tội phạm khác tương ứng.
- Trong khi đó, nạn nhân trong tội hành hạ người khác không có hành vi tự sát, họ chỉ bị tổn thương nhẹ về thể chất (chưa đủ yếu tố truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích) và tổn thương về tinh thần do hành vi phạm tội gây ra, chưa đến mức tự sát.
Đây là dấu hiệu quan trọng nhất để phân biệt giữa tội bức tử và tội hành hạ người khác.
Về mối quan hệ lệ thuộc giữa người phạm tội và người bị hại:
- Ở tội bức tử: Mối quan hệ lệ thuộc giữa người phạm tội và người bị hại mang nghĩa rộng, đa dạng như quan hệ về huyết thống, quan hệ hôn nhân, hôn hệ kinh tế, quan hệ nuôi dưỡng, quan hệ thầy trò, quan hệ công tác, …
- Tuy nhiên, ở tội hành hạ người khác, mối quan hệ lệ thuộc giữa người phạm tội và người bị hại không bao gồm quan hệ hôn nhân và quan hệ huyết thống.
Về khách thể của tội phạm: Ở tội bức tử, ngoài các khách thể chung với tội hành hạ người khác, khách thể của tội bức tử còn là tính mạng của con người.
Về khung hình phạt:
- Tội bức tử thuộc trường hợp tội phạm nghiêm trọng và rất nghiêm trọng. Khung hình phạt cơ bản đối với tội bức tử là từ 02 năm đến 07 năm tù. Khung tăng nặng (khoản 2) có mức hình phạt là từ 05 năm đến 12 năm tù.
- Trong khi đó, tội hành hạ người khác là tội phạm ít nghiêm trọng. Khung hình phạt cơ bản của tội hành hạ người khác là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Trường hợp có tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự (khoản 2) thì mức hình phạt là từ 01 năm đến 03 năm tù.
Liên hệ ngay với Chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH DCNH LAW
Địa chỉ: 38B Trần Nhật Duật, phường Phước Hoà, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà
Điện thoại: 0343320223 – 0974278893
Email: [email protected]