Quyền tác giả bao gồm những quyền nào?

Quyền tác giả bao gồm những quyền nào theo quy định của pháp luật Việt Nam? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

quyền tác giả bao gồm những quyền nào
Quyền tác giả bao gồm những quyền nào? 2

Quyền tác giả là gì?

Theo quy định tại Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ thì Quyền tác giả là quyền của chủ thể đối với tác phẩm do họ sáng tạo, sáng tác ra hoặc sở hữu. Như vậy, có 02 cách để phát sinh quyền tác giả:

– Quyền tác giả phát sinh khi cá nhân tự sáng tạo , sáng tác ra tác phẩm. Khi đó, người trực tiếp sáng tác, sáng tạo ra tác phẩm sẽ có quyền tác giả đối với tác phẩm đó.

– Quyền tác giả phát sinh khi tổ chức, cá nhân không tự sáng tạo ra tác phẩm nhưng đầu tư tiền bạc, vật chất để người khác sáng tác, sáng tạo ra tác phẩm hoặc nhận chuyển nhượng quyền tác giả từ người đã trực tiếp sáng tác, sáng tạo ra tác phẩm đó.

Quyền tác giả bao gồm những quyền nào?

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, quyền tác giả bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.

Quyền nhân thân

1. Quyền đặt tên cho tác phẩm.

Tác giả có quyền đặt tên cho tác phẩm do mình trực tiếp sáng tạo ra. Khi tác giả chuyển nhượng tác phẩm của mình cho người khác, tác giả có quyền chuyển giao quyền đặt tên cho bên nhận chuyển nhượng.

Quyền đặt tên cho tác phẩm không áp dụng đối với tác phẩm dịch thuật. Điều này có nghĩa là tác phẩm dịch thuật từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác phải sử dụng tên của tác phẩm dịch là từ được dịch chính xác từ tên của tác phẩm gốc.

2. Quyền được đứng tên là tác giả của tác phẩm

Tác giả có quyền được giới thiệu, nêu tên thật hoặc bút danh của mình khi tác phẩm được công bố, sử dụng. Quyền này áp dụng đối với cả tác phẩm phái sinh từ tác phẩm gốc. Vì vậy, khi công bố, sử dụng tác phẩm phái sinh, các tổ chức, cá nhân phải giới thiệu tên và tác giả của tác phẩm gốc.

3. Quyền công bố tác phẩm

Tác giả có quyền tự mình công bố tác phẩm hoặc cho phép tổ chức, cá nhân khác đứng ra công bố tác phẩm của mình.

Công bố tác phẩm là việc phát hành tác phẩm đến công chúng, không bao gồm: trình diễn tác phẩm sân khấu, điện ảnh, âm nhạc; đọc một tác phẩm văn học; phát sóng tác phẩm văn học, nghệ thuật; trưng bày tác phẩm tạo hình; xây dựng công trình từ tác phẩm kiến trúc.

4. Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm

Tác giả có quyền thực hiện các biện pháp hợp pháp để bảo vệ sự toàn vẹn cho tác phẩm của mình, chống lại mọi hành vi xuyên tạc, cắt xén, sữa chữa tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào. Mọi hành vi sửa chữa tác phẩm không được sự cho phép của tác giả đều là hành vi xâm phạm đến quyền nhân thân của tác giả.

Quyền tài sản

1. Quyền làm tác phẩm phái sinh

Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn từ tác phẩm gốc. Tác giả có thể tự mình làm tác phẩm phái sinh hoặc cho phép tổ chức, cá nhân khác làm tác phẩm phái sinh từ tác phẩm gốc của mình.

2. Quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng

Chủ sở hữu quyền tác giả được độc quyền hoặc cho phép người khác biểu diễn tác phẩm trực tiếp hoặc thông qua các bản ghi âm, ghi hình hoặc các phương tiện kỹ thuật khác mà công chúng có thể tiếp cận được. Biểu diễn tác phẩm trước công chúng là việc biểu diễn tác phẩm tại bất cứ nơi nào mà công chúng có thể tiếp cận được.

  • Đối với tác phẩm viết, tác phẩm thể hiện bằng ngôn ngữ: Thuyết trình, trình bày tại nơi đông người, qua màn hình, qua hệ thống loa hoặc thông qua các thiết bị kỹ thuật khác.
  • Đối với tác phẩm âm nhạc: Biểu diễn tại nơi đông người, trình bày trên sân khấu, hội trường, qua màn hình, hệ thống loa hoặc thông qua thiết bị kỹ thuật khác.
  • Đối với tác phẩm điện ảnh: Trình chiếu tại nơi đông người, hoặc thông qua các phương tiện kỹ thuật khác.
  • Đối với tác phẩm nhiếp ảnh, tác phẩm mỹ thuật: Trưng bày, triển lãm, giới thiệu, trình chiếu tác phẩm.

3. Quyền sao chép tác phẩm

Sao chép tác phẩm là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc tạo ra bản sao tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào, bao gồm cả hình thức điện tử.

4. Quyền phân phối, nhập khẩu bản gốc, bản sao tác phẩm.

Quyền phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền hoặc cho phép người khác thực hiện nhằm mục đích để bán, cho thuê và các hình thức chuyển nhượng khác bản gốc hoặc bản sao tác phẩm.

5. Quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác.

Đây là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền hoặc cho phép người khác đưa tác phẩm hoặc bản sao tác phẩm đến với công chúng tại thời gian, địa điểm do họ lựa chọn.

6. Quyền cho thuê bản gốc, bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính

Quyền cho thuê là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền hoặc cho phép người khác cho thuê để khai thác, sử dụng có thời hạn. Quyền cho thuê đối với chương trình máy tính không áp dụng trong trường hợp chương trình máy tính đó không phải là đối tượng chủ yếu để cho thuê (ví dụ: chương trình máy tính gắn với việc vận hành các loại phương tiện giao thông, máy móc, thiết bị, …)

Liên hệ ngay với Chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH DCNH LAW

Địa chỉ: 38B Trần Nhật Duật, phường Phước Hoà, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà

Điện thoại: 0343320223 – 0974278893

Email: [email protected]

5/5 - (1 bình chọn)