Hotline:
Sau khi tốt nghiệp đại học, cử nhân luật có rất nhiều sự lựa chọn nghề nghiệp. Một trong số đó là xin vào làm việc tại các công ty với vị trí pháp chế doanh nghiệp. Với kinh nghiệm của một người từng làm pháp chế ở các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam, tôi xin review nghề pháp chế doanh nghiệp như một nguồn tư liệu để các bạn trẻ tham khảo trong quá trình lựa chọn nghề nghiệp.
Pháp chế doanh nghiệp cần làm gì?
Bất kể quy mô doanh nghiệp lớn hay nhỏ, doanh nghiệp sản xuất hay dịch vụ, pháp chế doanh nghiệp là một bộ phận quan trọng và không thể thiếu. Pháp chế doanh nghiệp thực hiện các chức năng sau đây.
1/ Rà soát, xây dựng điều lệ doanh nghiệp và các quy chế, quy định nội bộ để áp dụng trong toàn công ty.
Trong quá trình này, pháp chế có thể phối hợp với các bộ phận liên quan có liên quan của Công ty để thực hiện.
Ví dụ: Để xây dựng quy chế quản lý tài chính, pháp chế doanh nghiệp sẽ cần phải xin ý kiến chuyên môn từ bộ phận tài chính kế toán của doanh nghiệp đó. Để xây dựng nội quy lao động, pháp chế doanh nghiệp cần làm việc với bộ phận nhân sự, hành chính, ban chấp hành công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp.
2/ Thực hiện các hồ sơ, thủ tục xin cấp giấy phép cần thiết cho hoạt động của doanh nghiệp.
Các giấy phép cần làm thủ tục xin cấp tuỳ thuộc vào lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp. Thông thường, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp sẽ thường xuyên cần phải thực hiện các thủ tục đăng ký, thay đổi thông tin doanh nghiệp tại Phòng Đăng ký kinh doanh. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có thể cần có một số các loại giấy phép trong các lĩnh vực: An toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ, đất đai, xây dựng, …
3/ Soạn thảo, rà soát các hợp đồng dân sự, hợp đồng thương mại trước khi trình lãnh đạo doanh nghiệp ký kết.
Hợp đồng ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của doanh nghiệp, thậm chí là có thể gây ra những rủi ro, thiệt hại mà doanh nghiệp phải gánh chịu nếu hợp đồng không được soạn thảo tốt. Vì vậy, có thể nói đây là chức năng thường xuyên và quan trọng của pháp chế doanh nghiệp. Chức năng này được thể hiện ở 2 khía cạnh: Xây dựng hợp đồng mẫu cho doanh nghiệp và Rà soát các hợp đồng do đối tác soạn thảo.
4/ Tham gia vào các dự án kinh doanh mới của Công ty.
Nếu doanh nghiệp muốn mở rộng hoạt động kinh doanh hiện tại sang những lĩnh vực hoàn toàn mới, doanh nghiệp sẽ cần thực hiện rất nhiều bước chuẩn bị trước khi bắt đầu tiến hành hoạt động kinh doanh đó. Một trong các hoạt động cần thiết của doanh nghiệp là tìm hiểu trước các điều kiện kinh doanh của lĩnh vực đó để đảm bảo doanh nghiệp có đủ khả năng đáp ứng với yêu cầu của pháp luật hay không và doanh nghiệp cần phải xin thêm các loại giấy phép, chấp thuận nào khác. Vì vậy, thông thường thì pháp chế doanh nghiệp là bộ phận không thể thiếu trong các dự án kinh doanh mới của Công ty.
5/ Cập nhật, phổ biến các chính sách, quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty.
Chức năng này gồm 2 hoạt động chính.
– Cập nhật, phổ biến các quy định mới của pháp luật, các chính sách mới của Nhà nước Việt Nam có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đến lãnh đạo Công ty để kịp thời điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp.
– Đào tạo cho các nhân sự không chuyên về pháp chế các quy định pháp luật cần thiết để thực hiện công việc. Ví dụ: Đào tạo cho bộ phận nhân sự pháp luật về lao động.
6/ Dịch thuật.
Đối với một số doanh nghiệp có vốn nước ngoài, chủ doanh nghiệp là người nước ngoài hoặc thường xuyên làm ăn với các tổ chức, cá nhân nước ngoài thì việc dịch thuật các văn bản, tài liệu pháp lý là điều cần thiết. Vì pháp chế am hiểu các thuật ngữ pháp lý nên nếu pháp chế thực hiện việc dịch thuật này sẽ đảm bảo tính chính xác, tính phù hợp tốt hơn các nhân sự dịch thuật chung khác.
7/ Tham gia tố tụng
Nếu công ty pháp sinh tranh chấp với khách hàng, đối tác mà không thể giải quyết được bằng các biện pháp đàm phán, thương lượng, hoà giải thì pháp chế doanh nghiệp thường sẽ được người đại diện theo pháp luật của công ty uỷ quyền để đại diện công ty tham gia tố tụng tại Toà án hoặc Trọng tài thương mại.
Những kỹ năng cơ bản của pháp chế doanh nghiệp
Để thực hiện tốt công việc của một pháp chế doanh nghiệp, ngoài kiến thức chuyên ngành, bạn cần phải có một số kỹ năng cơ bản sau:
1/ Kỹ năng giao tiếp: Bao gồm giao tiếp nội bộ để tăng hiệu quả công việc và giao tiếp với bên ngoài (khách hàng, cơ quan nhà nước)
2/ Kỹ năng tổ chức, sắp xếp công việc.
3/ Ngoại ngữ, thông thường là tiếng Anh. Ngoài ra, theo nhu cầu của Công ty, có thể pháp chế cần biết thêm một số ngôn ngữ khác.
4/ Kỹ năng tư vấn, truyền đạt, thuyết phục (lãnh đạo doanh nghiệp, khách hàng)
5/ Kỹ năng tham gia tố tụng.
Lương pháp chế doanh nghiệp
Lương pháp chế doanh nghiệp rất đa dạng tuỳ thuộc vào: Quy mô doanh nghiệp, vị trí công việc (nhân viên, trưởng phó bộ phận, giám đốc pháp chế) và năng lực của mỗi người. Vì vậy, mức lương pháp chế doanh nghiệp có thể dao động từ 10 triệu đến 100 triệu đồng/tháng.
Thực trạng nghề pháp chế doanh nghiệp hiện nay
Tỷ lệ sinh viên ra trường chọn làm pháp chế doanh nghiệp tương đối nhiều vì mức lương khởi điểm của nghề này tương đối cao so với việc chọn vào làm trong các cơ quan nhà nước hay các tổ chức hành nghề luật sư. Tuy nhiên, nghề pháp chế doanh nghiệp hiện nay cũng đang đối mặt với nhiều thách thức vô cùng lớn.
1/ Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của phần lớn pháp chế doanh nghiệp hiện nay không đủ đáp ứng yêu cầu công việc, đặc biệt là khả năng ngoại ngữ.
2/ Lương ít có sự biến động nếu pháp chế doanh nghiệp không có khả năng thăng tiến trong doanh nghiệp.
3/ Ít có điều kiện tiếp xúc và trao dồi kiến thức chuyên ngành hơn là các nhân sự trong các cơ quan, tổ chức hoạt động chuyên về luật.
Liên hệ ngay với Chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH DCNH LAW
Địa chỉ: 38B Trần Nhật Duật, phường Phước Hoà, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà
Điện thoại: 0343320223 – 0974278893
Email: [email protected]
Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.