Hotline:
Sau khi vụ án được xét xử sơ thẩm, một trong những vấn đề được đương sự quan tâm là quyền kháng cáo. Pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về việc kháng cáo? Đương sự được kháng cáo mấy lần? Đương sự nộp đơn kháng cáo ở đâu?
Ai có quyền kháng cáo?
Theo quy định tại khoản 22 Điều 70 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 thì đương sự có quyền kháng cáo bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm. Đương sự bao gồm: Nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Như vậy, đối với vụ án dân sự, nếu không đồng ý với bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án thì nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đều có quyền kháng cáo.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, trong vụ án hình sự, những người có quyền kháng cáo bao gồm:
– Bị cáo, bị hại có quyền kháng cáo bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm.
– Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự có quyền kháng cáo bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm về phần bồi thường thiệt hại.
– Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm về những vấn đề trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ.
– Người bào chữa có quyền kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm nếu bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.
– Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự có quyền kháng cáo phần bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.
Luật sư có quyền kháng cáo không?
Trong vụ án dân sự, luật sư không có quyền kháng cáo.
Trong vụ án hình sự, luật sư có quyền kháng cáo nếu thân chủ của mình là người dưới 18 tuổi hoặc người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất.
Kháng cáo có được giảm án không?
Sau khi nhận được kháng cáo, Toà án cấp phúc thẩm sẽ xem xét, đánh giá lại bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm. Nếu Toà án cấp sơ thẩm đã xét xử đúng người, đúng tội thì Toà án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm. Nếu Toà án cấp sơ thẩm áp dụng sai quy định của pháp luật hoặc có sai lầm trong thủ tục tố tụng hoặc xét xử thì Toà án cấp phúc thẩm có quyền sửa hoặc huỷ bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm.
Vì vậy, việc kháng cáo không đương nhiên đồng nghĩa với việc được giảm án.
Thời hạn kháng cáo là bao nhiêu ngày?
Nếu đương sự có mặt tại buổi tuyên án thì thời hạn kháng cáo của họ là 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Nếu đương sự không có mặt tại buổi tuyên án có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo của họ là 15 ngày kể từ ngày họ nhận được bản án của Toà án hoặc kể từ ngày bản án của Toà án được niêm yết.
Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, kể từ ngày đương sự nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết.
Nộp đơn kháng cáo ở đâu?
Trong vụ án dân sự, đương sự nộp đơn kháng cáo tại chính Toà án đã xét xử sơ thẩm. Toà án cấp sơ thẩm có trách nhiệm tiếp nhận đơn kháng cáo, chuyển đơn kháng cáo và toàn bộ hồ sơ vụ án cho Toà án cấp phúc thẩm.
Trong vụ án hình sự, người kháng cáo có thể nộp đơn kháng cáo đến một trong các cơ quan sau: Toà án, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ. Trại tạm giam, nhà tạm giữ có trách nhiệm chuyển đơn kháng cáo của người kháng cáo đến Toà án.
Được kháng cáo mấy lần?
Trong thời hạn kháng cáo, người kháng cáo có quyền nộp, bổ sung, rút lại kháng cáo. Sau khi Toà án xét xử phúc thẩm và tuyên án, bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật. Đương sự không được quyền kháng cáo đối với bản án phúc thẩm. Như vậy, có thể hiểu là việc kháng cáo chỉ được thực hiện một lần.
Tuy nhiên, đương sự có thể làm đơn đề nghị các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án phúc thẩm nếu có căn cứ theo quy định của pháp luật.
Mẫu đơn kháng cáo
Đơn kháng cáo có thể được viết tay hoặc đánh máy.
Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.