Tranh chấp hợp đồng vay tài sản

Hợp đồng vay tài sản, hợp đồng vay tiền là loại hợp đồng thông dụng trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, khi ký kết hợp đồng vay tiền, các bên thường sử dụng mẫu có sẵn trên mạng internet mà không tìm hiểu rõ các quy định của pháp luật liên quan đến hợp đồng vay tiền. Vì vậy, khi phát sinh tranh chấp, bên cho vay cũng như bên vay đều chưa hiểu rõ quyền và nghĩa vụ của mình. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé.

Tranh chấp hợp đồng vay tài sản 1
Tranh chấp hợp đồng vay tiền là loại tranh chấp phổ biến hiện nay

Hợp đồng vay tài sản là gì

Theo quy định tại Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 thì hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa bên cho vay và bên vay, theo đó bên cho vay giao tài sản (tiền) cho bên vay, khi kết thúc thời hạn cho vay, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Bên vay tài sản sẽ trở thành chủ sở hữu của tài sản vay kể từ thời điểm nhận tài sản đó từ bên cho vay.

Đối tượng phổ biến của hợp đồng vay tài sản là tiền.

Quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng vay tài sản

1/ Bên cho vay

– Giao tài sản cho bên vay đầy đủ, đúng chất lượng, số lượng, thời gian và địa điểm đã thoả thuận trong hợp đồng vay.

– Nếu bên cho vay biết tài sản mà mình đem cho vay không bảo đảm chất lượng mà không báo cho bên vay biết, dẫn đến thiệt hại cho bên vay thì bên cho vay phải bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp bên vay đã biết tài sản vay không đảm bảo chất lượng nhưng vẫn nhận tài sản đó.

– Kiểm tra mục đích sử dụng tài sản vay của bên vay và có quyền đòi lại tài sản vay trước thời hạn vay nếu bên vay sử dụng tài sản vay không đúng mục đích cho vay mà các bên đã thỏa thuận, mặc dù đã được bên cho vay nhắc nhở.

– Không được yêu cầu bên vay phải trả lại tài sản vay trước thời hạn cho vay, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

2/ Bên vay

– Nếu vay tài sản là tiền thì khi đến hạn, bên vay phải trả đủ tiền. Nếu tài sản vay là vật thì khi đến hạn, bên vay phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, thời gian, địa điểm, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác. Nếu bên vay không thể trả bằng hiện vật thì có thể thỏa thuận với bên cho vay quy ra giá trị bằng tiền để trả theo trị giá của vật tại thời điểm và địa điểm trả nợ đã thỏa thuận.

– Sử dụng tài sản vay (tiền) đúng mục đích vay.

Lưu ý đối với hợp đồng vay tiền:

– Trong trường hợp hợp đồng vay tài sản (tiền) không có kỳ hạn và không có lãi thì các bên có thể chấm dứt hợp đồng bất kỳ lúc nào nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý. Khi chấm dứt hợp đồng thì bên vay trả lại tài sản cho bên cho vay.

– Trong trường hợp hợp đồng vay tài sản (tiền) không có kỳ hạn và có lãi thì các bên có thể chấm dứt hợp đồng bất kỳ lúc nào nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý. Khi chấm dứt hợp đồng thì bên vay trả lại tài sản và tiền lãi cho bên cho vay, tiền lãi được tính đến thời điểm bên vay giao trả lại tài sản cho bên cho vay.

– Trong trường hợp hợp đồng vay tài sản (tiền) có kỳ hạn và không có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản vay bất kỳ lúc nào nhưng phải báo trước cho bên cho vay trong một thời gian hợp lý, còn bên cho vay không được đòi lại tài sản trước kỳ hạn nếu không được bên vay đồng ý.

– Trong trường hợp hợp đồng vay tài sản (tiền) có kỳ hạn và có lãi, nếu bên vay trả lại tài sản vay trước kỳ hạn thì vẫn phải trả toàn bộ tiền lãi theo kỳ hạn vay đã thỏa thuận cho bên cho vay.

Tranh chấp hợp đồng vay tài sản 3
Lãi suất tối đa được phép cho vay là bao nhiêu?

Cách tính lãi suất cho vay

Các bên có thể thỏa thuận cho vay có lãi hoặc không có lãi.

1/ Vay không có lãi

Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc luật có quy định khác.

2/ Vay có lãi

Trường hợp vay có lãi thì lãi suất cho vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm. Nếu lãi suất cho vay vượt quá mức 20%/năm thì số tiền lãi vượt quá sẽ không có hiệu lực, bên vay không phải trả số tiền lãi vượt quá mức này.

Trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi khi vay, nhưng không xác định rõ mức lãi suất là bao nhiêu và xảy ra tranh chấp về mức lãi suất thì lãi suất cho vay là 10%/năm.

Khi đến hạn, nếu bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên vay còn phải trả thêm các khoản tiền lãi như sau:

– Lãi tính trên nợ gốc theo mức lãi suất mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay. Trường hợp bên vay chậm trả khoản tiền lãi này thì bên vay còn phải trả thêm tiền lãi quá hạn tính trên lãi chậm trả với lãi suất là 10%/năm.

– Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả tiền gốc theo thỏa thuận.

Thời hiệu khởi kiện tranh chấp hợp đồng vay tài sản

Theo quy định tại Điều 429 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thời hiệu để tổ chức, cá nhân khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng vay tài sản là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm (bên vay vi phạm thời hạn trả nợ lãi hoặc nợ gốc theo thỏa thuận trong hợp đồng)

Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.

5/5 - (9 bình chọn)