Quyền sở hữu công nghiệp là gì?

Quyền sở hữu công nghiệp là một trong ba đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là nhóm quyền có vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại của các chủ thể kinh doanh trong xã hội. Bài viết này nhằm cung cấp cho người đọc các thông tin cơ bản và chung nhất về quyền sở hữu công nghiệp là gì?

Quyền sở hữu công nghiệp là gì? 1
Quyền sở hữu công nghiệp là một trong ba đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật Việt Nam

Quyền sở hữu công nghiệp là gì?

Thuật ngữ “Sở hữu công nghiệp” dùng để chỉ các loại quyền tài sản đối với thành quả lao động, sáng tạo trí tuệ của con người trong lĩnh vực công nghiệp, kinh doanh và thương mại. Đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp là các giải pháp cho các vấn đề về kỹ thuật như sáng chế, giải pháp hữu ích hoặc những sáng tạo mang tính thẩm mỹ xác định hình dáng bên ngoài của sản phẩm như kiểu dáng công nghiệp hoặc các chỉ dẫn thương mại như nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, ….

Theo đó, khoản 4 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ định nghĩa: quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

Về bản chất, quyền sở hữu công nghiệp cũng giống như các quyền sở hữu trí tuệ khác là quyền đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp chứ không phải quyền đối với các sản phẩm, vật phẩm mang các đối tượng sở hữu công nghiệp đó.

Ví dụ quyền sở hữu công nghiệp

Quyền sở hữu công nghiệp bao gồm các quyền liên quan đến việc bảo hộ các đối tượng như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, bí mật kinh doanh, …

  • Ví dụ về sáng chế: Một công ty công nghệ phát minh ra một loại máy móc mới có khả năng tiết kiệm năng lượng đáng kể. Công ty này có thể đăng ký sáng chế với cơ quan sở hữu trí tuệ để bảo hộ sáng chế này, ngăn cản các đối thủ cạnh tranh sao chép hoặc sử dụng công nghệ mà không có sự cho phép.
  • Ví dụ về nhãn hiệu: Một doanh nghiệp sản xuất nước giải khát thiết kế một logo đặc biệt để nhận diện thương hiệu của họ. Logo này có thể được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu để đảm bảo rằng không ai khác có thể sử dụng logo tương tự để bán sản phẩm tương tự, tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
  • Ví dụ về kiểu dáng công nghiệp: Một công ty sản xuất đồ nội thất tạo ra một mẫu ghế với thiết kế độc đáo và thẩm mỹ cao. Kiểu dáng này có thể được đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, cho phép công ty ngăn chặn các đối thủ sao chép thiết kế của mình.
  • Ví dụ về chỉ dẫn địa lý: Một vùng đất nổi tiếng với một loại rượu vang đặc trưng có thể đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm đó, nhằm bảo vệ tên gọi và chất lượng của rượu vang, đồng thời ngăn ngừa việc sử dụng tên gọi tương tự cho các sản phẩm không xuất phát từ vùng đất này.

Những ví dụ trên đều thể hiện cách mà quyền sở hữu công nghiệp giúp bảo vệ và thúc đẩy sự sáng tạo, đồng thời bảo vệ lợi ích kinh tế của các cá nhân và tổ chức.

Đặc điểm của quyền sở hữu công nghiệp

1/ Đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp là sản phẩm sáng tạo trí tuệ của con người

Quyền sở hữu công nghiệp được pháp luật đặt ra để bảo vệ thành quả sáng tạo của con người. Tất cả những gì thuộc về tự nhiên mà không phải do con người sáng tạo ra đều không được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, trừ trường hợp con người ứng dụng các quy luật tự nhiên để tạo ra các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp (ví dụ: sáng chế, giải pháp hữu ích).

2/ Quyền sở hữu công nghiệp được bảo hộ có thời hạn

Phần lớn các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp được bảo hộ có thời hạn theo thời hạn của văn bằng bảo hộ. Sau thời hạn bảo hộ, các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp thuộc về xã hội và bất kỳ ai cũng có quyền khai thác, sử dụng nó để bù đắp lại khoảng thời gian chủ sở hữu được độc quyền khai thác, sử dụng.

Thời hạn bảo hộ các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp như sau:

– Sáng chế có thời hạn bảo hộ từ ngày được cấp Bằng độc quyền sáng chế và kéo dài đến hết 20 năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký.

– Giải pháp hữu ích có thời hạn bảo hộ từ ngày được cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích và kéo dài đến hết 10 năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký.

– Kiểu dáng công nghiệp có thời hạn bảo hộ từ ngày được cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp và kéo dài đến hết 05 năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký, có thể gia hạn hiệu lực 02 lần liên tiếp, mỗi lần 05 năm.

– Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn có thời hạn bảo hộ từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn và chấm dứt vào ngày sớm nhất trong số những ngày sau đây:

+ Kết thúc 10 năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký.

+ Kết thúc 10 năm kể từ ngày thiết kế bố trí được người có quyền đăng ký hoặc người được người đó cho phép khai thác thương mại lần đầu tiên tại bất kỳ nơi nào trên thế giới.

+ Kết thúc 15 năm kể từ ngày thiết kế bố trí được tạo ra.

– Nhãn hiệu có thời hạn bảo hộ từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đến hết 10 năm kể từ ngày nộp đơn đăng ký, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần 10 năm.

3/ Quyền sở hữu công nghiệp mang tính chất lãnh thổ

Chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp đăng ký xác lập quyền ở đâu thì chỉ được bảo hộ và thực thi quyền của mình tại lãnh thổ tương ứng theo quy định của pháp luật quốc gia đó. Vì vậy, nếu chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp muốn được bảo hộ ở nước nào thì phải đăng ký xin cấp văn bằng bảo hộ ở nước đó.

Quyền sở hữu công nghiệp là gì? 3
Các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp là sản phẩm trí tuệ của con người

4/ Nội dung của quyền sở hữu công nghiệp bao gồm quyền sử dụng, quyền định đoạt và quyền ngăn cấm.

– Chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp được độc quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp. Việc sử dụng được thể hiện qua các hành vi sản xuất, khai thác công dụng, quảng cáo, lưu thông, bán, nhập khẩu sản phẩm, …

– Chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp và tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng hoặc quyền quản lý chỉ dẫn địa lý có quyền ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó, trừ trường hợp được sử dụng theo quy định của pháp luật.

– Chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp có quyền định đoạt đối tượng sở hữu công nghiệp bằng cách chuyển nhượng hoặc chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp đó cho người khác.

5/ Quyền sở hữu công nghiệp có khả năng chuyển giao cho nhiều người.

Khác với các tài sản hữu hình chỉ có thể chuyển giao cho 1 chủ thể duy nhất chiếm hữu và sử dụng, quyền sở hữu công nghiệp có khả năng được chuyển giao cùng lúc cho nhiều người có nhu cầu sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định.

So sánh quyền sở hữu công nghiệp và quyền tác giả

1/ Về lĩnh vực

– Quyền sở hữu công nghiệp: Công nghiệp, kinh doanh, thương mại.

– Quyền tác giả: Văn học, nghệ thuật, khoa học.

2/ Về điều kiện bảo hộ

– Quyền sở hữu công nghiệp: Mỗi đối tượng sở hữu công nghiệp khác nhau có điều kiện bảo hộ khác nhau.

+ Sáng chế: Có tính mới, trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp

+ Giải pháp hữu ích: Có tính mới, không phải là hiểu biết thông thường và và khả năng áp dụng công nghiệp

+ Thiết kế bố trí: Có tính nguyên gốc và tính mới thương mại

+ Nhãn hiệu: Là dấu hiệu nhìn thấy được và có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ giữa các chủ thể khác nhau.

+ Tên thương mại: Có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên thương mại đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.

+ Chỉ dẫn địa lý: Sản phẩm có nguồn gốc địa lý từ địa phương tương ứng và có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của địa phương đó quyết định.

+ Bí mật kinh doanh: Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được; tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh đó lợi thế hơn so với người khác; được chủ sở hữu bảo mật.

– Quyền tác giả: Tác phẩm được bảo hộ phải có tính nguyên gốc và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định.

3/ Về thời hạn bảo hộ

– Quyền sở hữu công nghiệp: Bảo hộ có thời hạn với điều kiện chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ nộp phí duy trì hoặc gia hạn hiệu lực cho nhà nước.

– Quyền tác giả: Bảo hộ vô thời hạn đối với các quyền nhân thân và bảo hộ có thời hạn đối với các quyền về tài sản. Thời hạn bảo hộ này dài hơn nhiều so với thời hạn bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.

4/ Về thủ tục bảo hộ

– Quyền sở hữu công nghiệp: Phần lớn các đối tượng được bảo hộ thông qua thủ tục đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

– Quyền tác giả: Được bảo hộ tự động.

Liên hệ ngay với Chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH DCNH LAW

Địa chỉ: 38B Trần Nhật Duật, phường Phước Hoà, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà

Điện thoại: 0343320223 – 0974278893

Email: [email protected]

Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.

5/5 - (3 bình chọn)