Hướng dẫn thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp theo quy định của pháp luật

Mỗi kiểu dáng công nghiệp là kết quả sáng tạo có giá trị và là tài sản vô cùng quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, đôi khi chủ sở hữu lại bỏ qua bước đăng ký để xác lập quyền sở hữu của mình đối với tài sản hết sức quý giá này, dẫn đến việc kiểu dáng công nghiệp bị các tổ chức, cá nhân khác sao chép, gây ra thiệt hại cho chủ sở hữu. Bài viết này sẽ cung cấp các hướng dẫn thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp mới nhất theo quy định của pháp luật.

Hướng dẫn thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Mỗi kiểu dáng công nghiệp là kết quả sáng tạo có giá trị và là tài sản vô cùng quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp

Đăng ký kiểu dáng công nghiệp là gì?

– Đăng ký kiểu dáng công nghiệp để được Nhà nước ghi nhận và bảo hộ quyền của chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp trước các tổ chức, cá nhân khác. Theo đó, chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp sau khi đăng ký sẽ có độc quyền khai thác, sử dụng và ngăn cấm người khác sử dụng kiểu dáng công nghiệp đó trong thời hạn bảo hộ.

– Sau khi được cấp Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp có thể dùng nó để góp vốn đầu tư kinh doanh hoặc chuyển giao quyền sử dụng cho các chủ thể khác, đem lại nguồn thu cho chủ sở hữu.

– Kiểu dáng công nghiệp làm tăng thêm giá trị cho sản phẩm, tăng uy tín cho doanh nghiệp. Số lượng Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp mà doanh nghiệp sở hữu là một trong các tiêu chí đánh giá doanh nghiệp trên thị trường.

Tra cứu kiểu dáng công nghiệp

Tại sao phải tra cứu kiểu dáng công nghiệp?

– Tránh xâm phạm quyền đối với các kiểu dáng công nghiệp đã được bảo hộ của chủ thể khác.

– Đánh giá khả năng bảo hộ của kiểu dáng công nghiệp dự định đăng ký.

– Phản đối việc cấp văn bằng bảo hộ cho các kiểu dáng công nghiệp không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ.

– Xác định và đánh giá kiểu dáng công nghiệp để mua, bán, li-xăng hoặc chuyển giao công nghệ, tìm kiếm các đối tác để hợp tác kinh doanh.

– Xác định xu hướng phát triển của các kiểu dáng công nghiệp trên thị trường, tìm kiếm ý tưởng cho các kiểu dáng công nghiệp mới.

– Nắm bắt các kiểu dáng công nghiệp có sẵn trên thị trường, tránh lãng phí chi phí đầu tư không cần thiết.

– Theo dõi hoạt động sáng tạo của các đối thủ cạnh tranh.

Công cụ tra cứu thông tin kiểu dáng công nghiệp

– Công cụ tra cứu trên Internet.

– Bảng phân loại Locarno.

– Các đĩa quang dùng cho mục đích tra cứu.

– Công báo sở hữu công nghiệp.

– Website: https://iplib.ipvietnam.gov.vn

– Website: https://wipopublish.ipvietnam.gov.vn

– Website: www.wipo.int/designdb/en/index.jsp

– Website: www.tmdn.org/tmdsview-web/welcome

Thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp

Thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp bao gồm các giấy tờ sau:

– 02 Tờ khai đăng ký kiểu dáng công nghiệp (theo mẫu)

– 01 Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp.

– 04 Bộ ảnh chụp hoặc bản vẽ kiểu dáng công nghiệp.

– Chứng từ nộp phí, lệ phí đăng ký.

– Giấy ủy quyền (nếu nộp đơn đăng ký thông qua tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp).

– Giấy chuyển nhượng quyền nộp đơn (nếu có).

– Tài liệu xác nhận quyền đăng ký (nếu thụ hưởng quyền đăng ký từ người khác).

– Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên (nếu người nộp đơn có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên).

 Lưu ý:

– Mỗi đơn chỉ được yêu cầu cấp một Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp.

– Mọi giấy tờ trong hồ sơ đăng ký phải được làm bằng tiếng Việt. Đối với các tài liệu tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt.

– Mọi giấy tờ trong hồ sơ đăng ký phải được trình bày theo chiều dọc (riêng hình vẽ, sơ đồ, bảng biểu có thể được trình bày theo chiều ngang) trên một mặt giấy khổ A4, trong đó có chừa lề theo bốn phía, mỗi lề rộng 20mm, phông chữ Times New Roman, cỡ chữ tối thiểu là 13, trừ các tài liệu bổ trợ mà nguồn gốc tài liệu đó không nhằm để đưa vào đơn đăng ký.

– Đối với các tài liệu có nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự bằng chữ số Ả-rập.

– Đơn có thể kèm theo vật mang dữ liệu điện tử của một phần hoặc toàn bộ nội dung tài liệu đơn.

Bộ ảnh chụp, bản vẽ kiểu dáng công nghiệp

Yêu cầu đối với bộ ảnh chụp hoặc bản vẽ kiểu dáng công nghiệp đăng ký:

– Bộ ảnh chụp hoặc bản vẽ phải thể hiện kiểu dáng công nghiệp một cách thống nhất và chính xác;

– Bộ ảnh chụp hoặc bản vẽ được thể hiện trên giấy khổ A4 và không đóng khung;

– Bộ ảnh chụp hoặc bản vẽ phải thể hiện đầy đủ các đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công nghiệp đến mức bất kỳ người nào có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng khi nhìn vào đó đều có thể xác định được kiểu dáng công nghiệp đó.

– Ảnh chụp hoặc bản vẽ phải rõ ràng, sắc nét, được thể hiện bằng đường nét liền; màu nền của ảnh chụp hoặc bản vẽ phải giống nhau và tương phản với màu của kiểu dáng công nghiệp; trên ảnh chụp hoặc bản vẽ chỉ được thể hiện sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp mà không được kèm theo bất kỳ sản phẩm nào khác, không chứa các chỉ dẫn của bản vẽ kỹ thuật hoặc các chỉ dẫn giải thích về kiểu dáng công nghiệp, trừ những chỉ dẫn chỉ mặt cắt, hình phóng to, trạng thái đóng, mở.

– Ảnh chụp hoặc bản vẽ phải thể hiện kiểu dáng công nghiệp theo cùng một tỷ lệ. Kích thước của kiểu dáng trong ảnh chụp hoặc bản vẽ tối thiểu là 90mm x 120mm và tối đa là 190mm x 277mm.

– Ảnh chụp hoặc bản vẽ phải thể hiện kiểu dáng công nghiệp theo cùng một chiều và được đánh số thứ tự lần lượt là: hình phối cảnh (ba chiều) của kiểu dáng công nghiệp, hình chiếu của kiểu dáng công nghiệp từ phía trước, phía sau, bên phải, bên trái, từ trên xuống, từ dưới lên; các hình chiếu phải được thể hiện chính diện.

– Ảnh chụp, hình chiếu tương tự hoặc đối xứng với ảnh chụp, hình chiếu đã có hoặc ảnh chụp mặt đáy của các sản phẩm có kích thước và trọng lượng lớn hoặc bề mặt có chiều dày quá mỏng không cần thể hiện trong đơn nhưng phải nêu rõ điều đó trong phần liệt kê ảnh chụp, bản vẽ thuộc bản mô tả.

– Đối với kiểu dáng công nghiệp có thể được khai triển dưới dạng mặt phẳng thì các hình chiếu của kiểu dáng công nghiệp có thể được thay thế bằng ảnh chụp hoặc bản vẽ của kiểu dáng công nghiệp đó ở trạng thái đã khai triển.

– Đối với các kiểu dáng công nghiệp phức tạp, có thể có thêm ảnh chụp hoặc bản vẽ phối cảnh từ các góc độ khác, mặt cắt, hình phóng to, hình chi tiết rời hoặc bộ phận của sản phẩm, ảnh chụp hoặc bản vẽ thể hiện vị trí lắp đặt, sử dụng bộ phận trên sản phẩm hoàn chỉnh.

– Đối với kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm lắp ráp hoặc sản phẩm được hợp thành từ nhiều bộ phận khác nhau thì có thể có thêm các ảnh chụp hoặc bản vẽ của từng bộ phận này nhằm mục đích minh họa.

– Các ảnh chụp hoặc bản vẽ phải thể hiện kiểu dáng công nghiệp ở cùng một trạng thái sử dụng; có thể có thêm ảnh chụp hoặc bản vẽ thể hiện các trạng thái khác của kiểu dáng công nghiệp để làm rõ bản chất của kiểu dáng công nghiệp.

– Đối với đơn đăng ký nhiều phương án của kiểu dáng công nghiệp thì phương án cơ bản phải được thể hiện đầu tiên, tiếp theo là các phương án biến thể. Tất cả các phương án của kiểu dáng công nghiệp đều phải được thể hiện bằng bộ ảnh chụp hoặc bản vẽ đầy đủ theo quy định.

– Đối với kiểu dáng công nghiệp thể hiện dưới dạng bộ sản phẩm thì phải có hình phối cảnh của cả bộ sản phẩm và bộ ảnh chụp hoặc bản vẽ của từng sản phẩm trong bộ sản phẩm đó.

Hướng dẫn thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Người nộp đơn nộp đơn đăng ký trực tiếp hoặc qua bưu điện đến Cục Sở hữu trí tuệ hoặc các văn phòng đại diện của Cục Sở hữu trí tuệ

Phí đăng ký kiểu dáng công nghiệp

– Lệ phí nộp đơn: 150.000 VNĐ.

– Phí phân loại: 100.000 VNĐ/01 phân loại.

– Phí thẩm định đơn: 700.000 VNĐ/01 đối tượng.

– Phí công bố đơn: 120.000 VNĐ

– Phí công bố từ hình thứ 2 trở đi: 60.000 VNĐ/01 hình.

– Phí tra cứu thông tin nhằm phục vụ quá trình thẩm định đơn: 480.000 VNĐ/01 đối tượng.

– Phí thẩm định yêu cầu hưởng quyền ưu tiên (nếu đơn đăng ký có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên): 600.000 VNĐ/01 đơn ưu tiên.

Đăng ký kiểu dáng công nghiệp mất bao lâu

Theo quy định của pháp luật, đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp trải qua các giai đoạn sau:

– Thẩm định hình thức: 01 tháng

– Công bố đơn: trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày có Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ.

– Thẩm định nội dung: không quá 07 tháng, kể từ ngày công bố đơn.

Cách thức nộp hồ sơ đăng ký kiểu dáng công nghiệp

Người nộp đơn có thể nộp đơn giấy hoặc nộp đơn trực tuyến qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của Cục Sở hữu trí tuệ, cụ thể như sau:

Nộp hồ sơ đăng ký kiểu dáng công nghiệp bản giấy

Người nộp đơn nộp đơn đăng ký trực tiếp hoặc qua bưu điện đến Cục Sở hữu trí tuệ hoặc các văn phòng đại diện của Cục Sở hữu trí tuệ, bao gồm:

– Trụ sở của Cục Sở hữu trí tuệ: 386 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

– Văn phòng đại diện của Cục Sở hữu trí tuệ tại Hồ Chí Minh: Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, 17/19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

– Văn phòng đại diện của Cục Sở hữu trí tuệ tại Đà Nẵng: Tầng 3, số 135 Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.

Nộp hồ sơ đăng ký kiểu dáng công nghiệp trực tuyến

Người nộp đơn thực hiện thủ tục khai báo và gửi đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp lên Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến của Cục Sở hữu trí tuệ tại địa chỉ http://dvctt.noip.gov.vn:8888/HomePage.do. Sau khi hoàn thành việc khai báo và gửi đơn, Hệ thống tiếp nhận đơn trực tuyến sẽ gửi lại cho người nộp đơn Phiếu xác nhận nộp tài liệu trực tuyến.

Trong vòng 01 tháng kể từ ngày nộp đơn trực tuyến, người nộp đơn phải đến Cục Sở hữu trí tuệ hoặc các văn phòng đại diện của Cục Sở hữu trí tuệ nêu ở phần trên để xuất trình Phiếu xác nhận tài liệu nộp trực tuyến và nộp phí, lệ phí theo quy định. Nếu người nộp đơn không xuất trình tài liệu nộp đơn trực tuyến theo quy định thì việc nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp sẽ bị hủy bỏ.

Liên hệ ngay với Chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH DCNH LAW

Địa chỉ: 38B Trần Nhật Duật, phường Phước Hoà, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà

Điện thoại: 0343320223 – 0974278893

Email: [email protected]

Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.

5/5 - (2 bình chọn)