Hotline:
Ngày nay, người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến chất lượng hàng hóa mà còn hướng đến nhu cầu thẩm mỹ mà hàng hóa mang lại. Vì vậy, để có thể cạnh tranh được trên thị trường, các nhà sản xuất ngày nay luôn chú trọng quan tâm phát triển, cải tiến hình dáng bên ngoài của sản phẩm, gọi là kiểu dáng công nghiệp. Sau đây là một số ví dụ về kiểu dáng công nghiệp và quy định của pháp luật về kiểu dáng công nghiệp.
Kiểu dáng công nghiệp là gì?
Kiểu dáng công nghiệp là khía cạnh trang trí bên ngoài của một sản phẩm. Kiểu dáng công nghiệp có thể tồn tại trong không gian 3 chiều hoặc dạng mặt phẳng, kiểu dáng công nghiệp có thể thuộc mặt hàng công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.
Theo quy định tại khoản 13 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ thì kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng đường nét, hình khối, màu sắc hoặc sự kết hợp các yếu tố này.
Đặc điểm của kiểu dáng công nghiệp
1/ Kiểu dáng công nghiệp phải là dấu hiệu nhìn thấy được
Đây là đặc điểm đương nhiên của kiểu dáng công nghiệp bởi vì hình dáng bên ngoài của sản phẩm chỉ có thể được cảm nhận bằng thị giác.
2/ Kiểu dáng công nghiệp được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc
Kiểu dáng công nghiệp có thể được thể hiện dạng không gian 3 chiều như hình dáng chai, lọ, bàn, ghế hay thể hiện trong mặt phẳng như nhãn dán lên thân chai, lọ, …
Ngoài ra, kiểu dáng công nghiệp còn được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. Màu sắc có thể là màu tự nhiên của chất liệu dùng để chế tạo sản phẩm hoặc màu sắc nhân tạo do được viết, vẽ, in lên bề mặt của sản phẩm.
3/ Kiểu dáng công nghiệp phải gắn liền với một sản phẩm cụ thể
Kiểu dáng công nghiệp, với vai trò và chức năng của mình, bắt buộc phải ứng dụng cho một sản phẩm cụ thể. Tập hợp các đặc điểm tạo dáng không gắn liền với bất kỳ sản phẩm nào sẽ không được bảo hộ dưới danh nghĩa là kiểu dáng công nghiệp.
4/ Sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp phải có khả năng lưu thông độc lập
Nói cách khác, sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp phải là sản phẩm hoàn chỉnh hoặc là bộ phận, chi tiết có thể tháo rời ra và được mua bán, trao đổi độc lập trên thị trường. Các kiểu dáng gắn liền với sản phẩm mà người tiêu dùng không thể nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm sẽ không được bảo hộ là kiểu dáng công nghiệp.
Ví dụ về kiểu dáng công nghiệp
Ví dụ về kiểu dáng công nghiệp dạng 3 chiều
Kiểu dáng công nghiệp là khía cạnh mang tính chất thẩm mỹ của sản phẩm. Kiểu dáng công nghiệp thường tồn tại ở dạng 3 chiều trong không gian, ví dụ như hình dạng của chai, lọ, hộp, bàn, ghế, khung mắc áo, …
Kiểu dáng: Thiết bị điều khiển trung tâm của Tổng công ty cổ phần Công trình Viettel
Kiểu dáng: Mái nổi dùng trong ao nuôi tôm của Công ty cổ phần RYNAN Technologies Việt Nam
Ví dụ về kiểu dáng công nghiệp dạng 2 chiều
Kiểu dáng công nghiệp dạng 2 chiều là kiểu dáng công nghiệp tồn tại trên mặt phẳng mà một ví dụ điển hình và phổ biến nhất trên thực tế đó là nhãn sản phẩm. Trong trường hợp đăng ký nhãn sản phẩm, người đăng ký cần phân biệt được sự khác nhau giữa kiểu dáng công nghiệp với nhãn hiệu để tránh nhầm lẫn và lựa chọn đối tượng đăng ký phù hợp nhất với mục đích của mình.
Kiểu dáng: Nhãn sản phẩm của Công ty cổ phần GAP Việt Nam
Kiểu dáng: Nhãn sản phẩm của Công ty TNHH XNK Kỹ thuật nông nghiệp Yakara
Các đối tượng không được xem là kiểu dáng công nghiệp
Các đối tượng sau đây không được bảo hộ là kiểu dáng công nghiệp:
1. Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có
Điều này được hiểu là nếu hình dáng bên ngoài của một sản phẩm là yếu tố mà mọi sản phẩm tương tự bắt buộc phải có để thực hiện chức năng kỹ thuật của sản phẩm đó thì nó sẽ không được bảo hộ là kiểu dáng công nghiệp.
Ví dụ: Lốp xe ô tô phải có hình tròn, không thể có hình vuông hoặc hình tam giác.
2. Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp
Công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp có hình dáng bên ngoài bị loại trừ không được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp là các công trình không thể dịch chuyển được bằng phương pháp hoặc phương tiện thông thường. Lý do của việc loại trừ là vì các công trình này không có khả năng áp dụng công nghiệp, không thể chế tạo hàng loạt bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.
Tuy nhiên, các công trình xây dựng ở dạng mô đun hay các đơn nguyên riêng biệt, có thể dịch chuyển được và được sử dụng độc lập hoặc lắp ráp với nhau tạo thành nhà lưu động, kios, … thì hình dáng bên ngoài của chúng có thể được bảo hộ dưới dang nghĩa là kiểu dáng công nghiệp.
3. Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm
Hình dáng của sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp phải nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm. Phần bên trong, phần bị che lấp mà người tiêu dùng không nhìn thấy được thì không thể thực hiện chức năng của kiểu dáng công nghiệp.
Thời hạn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp về lãnh thổ
Kiểu dáng công nghiệp chỉ được bảo hộ trên phạm vi lãnh thổ quốc gia được đăng ký.
Thời hạn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Thời hạn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp theo thời hạn của văn bằng bảo hộ được cấp. Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực kể từ ngày cấp và kéo dài đến hết 05 năm kể từ ngày nộp đơn.
Sau khi hết thời hạn bảo hộ, chủ sở hữu có thể thực hiện các thủ tục để gia hạn hiệu lực. Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có thể được gia hạn 02 lần liên tiếp, mỗi lần 05 năm.
Ai có quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp thuộc về các chủ thể sau:
– Tác giả tạo ra kiểu dáng công nghiệp bằng công sức và chi phí của mình.
– Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc. Người có quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp có thể chuyển giao quyền đó cho người khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản hoặc để thừa kế hoặc các hình thức kế thừa khác theo quy định của pháp luật. Việc chuyển giao quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp có thể thực hiện trước hoặc sau khi đã nộp đơn đăng ký.
Liên hệ ngay với Chúng tôi:
CÔNG TY LUẬT TNHH DCNH LAW
Địa chỉ: 38B Trần Nhật Duật, phường Phước Hoà, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà
Điện thoại: 0343320223 – 0974278893
Email: [email protected]
Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.