Hotline:
Thừa kế di sản là việc chuyển quyền sở hữu tài sản từ người chết sang cho người thừa kế. Thừa kế bao gồm thừa kế theo di chúc và thừa kế theo pháp luật. Khi phân chia di sản thừa kế, trong nhiều trường hợp đã xảy ra bất đồng ý kiến giữa những người thừa kế làm phát sinh tranh chấp. Bài viết này nhằm chia sẻ các vấn đề chung liên quan đến tranh chấp liên quan đến tài sản thừa kế.
Các loại tranh chấp tài sản thừa kế
Trên cơ sở quy định của pháp luật và thực tiễn giải quyết tranh chấp, các vụ án về thừa kế có thể được chia thành 04 loại sau đây:
Tranh chấp yêu cầu chia di sản thừa kế
Tranh chấp này phát sinh trên cơ sở yêu cầu chia di sản thừa kế của một, một số hoặc tất cả những người thừa kế. Tranh chấp này thường liên quan đến việc xem xét tính hợp pháp của di chúc (trong trường hợp người để lại di sản có di chúc), xem xét công sức đóng góp của người thừa kế đang quản lý di sản, không thống nhất việc định giá tài sản thừa kế, tranh chấp tài sản yêu cầu chia có phải là di sản thừa kế hay không, …
Tranh chấp xác nhận quyền thừa kế của người thừa kế
Tranh chấp này phát sinh trên cơ sở yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của một hoặc một số người. Ví dụ như trường hợp con ngoài giá thú yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình đối với di sản do bố ruột để lại hoặc trường hợp xem xét quyền thừa kế giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế.
Tranh chấp về bác bỏ quyền thừa kế
Tranh chấp này phát sinh từ yêu cầu bác bỏ quyền thừa kế của đương sự. Người thừa kế sẽ bị truất quyền hưởng di sản thừa kế trong các trường hợp sau:
– Người thừa kế đã bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc hành hạ, ngược đãi nghiêm trọng người để lại di sản khi còn sống hoặc xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó;
– Người thừa kế đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản khi còn sống;
– Người thừa kế đã bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng của người thừa kế khác nhằm hưởng phần di sản mà người thừa kế đó được hưởng;
– Người thừa kế đã có hành vi cưỡng ép, lừa dối hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc hoặc giả mạo, sửa chữa, huỷ, che giấu di chúc nhằm để được hưởng di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
Tranh chấp về buộc người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại, thanh toán các khoản chi từ di sản.
Đối với các nghĩa vụ về tài sản của người để lại di sản trước khi chết, những người thừa kế có trách nhiệm dùng di sản thừa kế để thanh toán. Nếu những người thừa kế không thực hiện nghĩa vụ thanh toán thì người có quyền có thể khởi kiện để yêu cầu những người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết trong phạm vi di sản do người chết để lại.
Thời hiệu khởi kiện tranh chấp tài sản thừa kế
Thời hiệu khởi kiện tranh chấp thừa kế tài sản
Mỗi loại tranh chấp liên quan đến tài sản thừa kế có thời hiệu khởi kiện riêng mà khi hết thời hạn đó, đương sự mất quyền khởi kiện, cụ thể như sau:
– Thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì tài sản thừa kế thuộc về người thừa kế đang quản lý tài sản đó.
– Thời hiệu khởi kiện yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc yêu cầu bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
– Thời hiệu khởi kiện yêu cầu người thừa kế thực hiện thanh toán nghĩa vụ về tài sản của người chết là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Thời điểm mở thừa kế là gì?
Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người để lại di sản chết. Trường hợp một người bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày người đó chết được xác định trong quyết định có hiệu lực của Tòa án.
Hồ sơ khởi kiện tranh chấp tài sản thừa kế
Hồ sơ người khởi kiện cần chuẩn bị để nộp cho Tòa án có thẩm quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp tài sản thừa kế bao gồm các giấy tờ sau:
– Đơn khởi kiện.
– Giấy chứng tử của người để lại tài sản thừa kế.
– Di chúc (nếu có).
– Các giấy tờ chứng minh người thừa kế hợp pháp: giấy khai sinh, giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, sổ hộ khẩu, giấy giao nhận nuôi con nuôi, …
– Bản kê khai các di sản do người chết để lại.
– Tờ khai từ chối nhận di sản thừa kế (nếu có).
– Các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản của người chết (đối với các tài sản thừa kế phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng theo quy định của pháp luật).
– Các giấy tờ chứng thực cá nhân của người khởi kiện, người bị kiện và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án: giấy chứng minh nhân dân, căn cước công dân, …
Thủ tục khởi kiện tranh chấp tài sản thừa kế
Bước 1. Nộp hồ sơ khởi kiện tại Tòa án
Người khởi kiện nộp đơn khởi kiện kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện (như nêu ở phần trên) đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Người khởi kiện có thể nộp hồ sơ khởi kiện trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận của Tòa án hoặc gửi theo đường bưu điện.
Bước 2. Thụ lý vụ án
Nếu hồ sơ hợp lệ và vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án thì Tòa án sẽ ra thông báo yêu cầu người khởi kiện nộp tiền tạm ứng án phí.
Sau khi nộp tiền tạm ứng án phí tại Cơ quan thi hành án, người khởi kiện nộp lại biên lai đóng tiền cho Tòa án.
Sau khi nhận được biên lai nộp tiền tạm ứng án phí, Tòa án ra thông báo thụ lý vụ án.
Bước 3. Chuẩn bị xét xử
Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Tòa án tiến hành lấy lời khai của các đương sự; tiến hành các biện pháp thu thập chứng cứ; mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải; thực hiện hoạt động xem xét, thẩm định tại chỗ, định giá, ủy thác thu thập chứng cứ (nếu cần thiết).
Bước 4. Đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm
Tòa án ra thông báo mở phiên tòa để xét xử vụ án.
Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.