Tranh chấp hợp đồng dịch vụ

Cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội, tiến trình mở cửa và hội nhập kinh tế mạnh mẽ, hoạt động dịch vụ theo đó ngày càng phát triển và trở nên đa dạng, đòi hỏi cao về chất lượng dịch vụ và giá cả. Các tranh chấp hợp đồng dịch vụ theo đó cũng phát sinh ngày càng nhiều, gia tăng về số lượng và phức tạp về nội dung.

Bài viết này nhằm cung cấp các thông tin về hợp đồng dịch vụ và pháp luật áp dụng trong giải quyết tranh chấp hợp đồng dịch vụ.

Tranh chấp hợp đồng dịch vụ 1
Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung cấp dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ trả tiền dịch vụ cho bên cung cấp dịch vụ

Hợp đồng dịch vụ là gì?

Theo quy định tại Điều 513 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung cấp dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ trả tiền dịch vụ cho bên cung cấp dịch vụ.

Khoản 9 Điều 3 Luật Thương mại năm 2005 cũng quy định: Cung ứng dịch vụ là hoạt động thương mại theo đó bên cung ứng dịch vụ có nghĩa vụ thực hiện dịch vụ cho khách hàng và nhận thanh toán, bên sử dụng dịch vụ có nghĩa vụ thanh toán cho bên cung ứng dịch vụ và sử dụng dịch vụ theo thỏa thuận giữa các bên.

Đặc điểm của Hợp đồng dịch vụ

Hợp đồng dịch vụ có những dấu hiệu cơ bản sau:

Đối tượng của Hợp đồng dịch vụ là công việc

Đây là dấu hiệu quan trọng để phân biệt hợp đồng dịch vụ và các loại hợp đồng khác như hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê tài sản, hợp đồng cho vay, … Đối tượng của các hợp đồng này thường là tài sản hoặc quyền tài sản, còn đối tượng của hợp đồng dịch vụ là công việc cụ thể, vô hình, khó xác định chất lượng bằng các biện pháp cân, đong, đo, đếm và các hình thức lượng hóa khác. Vì vậy, trong hợp đồng dịch vụ, các bên phải mô tả chi tiết về dịch vụ, đặt ra những yêu cầu cụ thể và mục tiêu mà các bên muốn đạt được.

Do đối tượng của hợp đồng dịch vụ là công việc nên không đặt ra vấn đề về chuyển giao quyền sở hữu dịch vụ, nghĩa vụ của bên cung cấp dịch vụ là nghĩa vụ theo kết quả công việc hoặc theo sự nỗ lực và khả năng thực hiện tốt nhất.

Các đối tượng của hợp đồng dịch vụ phải là công việc có khả năng thực hiện được, không vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội.

Bên cung cấp dịch vụ phải là chủ thể có năng lực thực hiện dịch vụ

Bên cung cấp dịch vụ phải là tổ chức, cá nhân có năng lực thực hiện dịch vụ. Năng lực này là các điều kiện, yêu cầu đối với bên cung cấp dịch vụ, được quy định trong pháp luật chuyên ngành tương ứng với từng loại hình dịch vụ cụ thể.

Hợp đồng dịch vụ đa dạng về chủng loại và lĩnh vực

Căn cứ vào mục tiêu của dịch vụ, có thể chia hợp đồng dịch vụ thành các nhóm sau: Hợp đồng dịch vụ phân phối, hợp đồng dịch vụ sản xuất, hợp đồng dịch vụ xã hội và hợp đồng dịch vụ cá nhân.

Căn cứ vào quy định của Luật Thương mại năm 2005 thì hợp đồng dịch vụ bao gồm: Hợp đồng dịch vụ quảng cáo, hợp đồng dịch vụ trưng bày giới thiệu hàng hóa, hợp đồng đại diện, hợp đồng ủy thác, hợp đồng đại lý, hợp đồng gia công, hợp đồng tổ chức đấu giá, hợp đồng nhượng quyền thương mại, ..

Căn cứ quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì hợp đồng dịch vụ bao gồm: hợp đồng vận chuyển, hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng gia công, hợp đồng gửi giữ tài sản, hợp đồng ủy quyền, …

Tranh chấp hợp đồng dịch vụ 3
Giải quyết tranh chấp hợp đồng dịch vụ như thế nào?

Các loại tranh chấp hợp đồng dịch vụ

Tranh chấp yêu cầu tuyên bố hợp đồng dịch vụ vô hiệu

– Hợp đồng dịch vụ có thể bị vô hiệu nếu bên ký kết hợp đồng là tổ chức nhưng người đại diện ký kết hợp đồng là người không có thẩm quyền ký hoặc ký vượt quá thẩm quyền hoặc do bên ký kết hợp đồng là cá nhân là người chưa thành niên, bị mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi, có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi.

– Hợp đồng dịch vụ có thể bị vô hiệu nếu đối tượng trong hợp đồng là công việc không thể thực hiện được hoặc công việc vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội.

– Trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định hợp đồng dịch vụ tương ứng phải tuân theo hình thức cụ thể, nếu hợp đồng đã ký kết không đáp ứng yêu cầu về hình thức đó thì hợp đồng dịch vụ có thể bị tuyên bố vô hiệu.

Tranh chấp yêu cầu thanh toán phí dịch vụ

Nếu như công việc phải thực hiện trong hợp đồng dịch vụ là nghĩa vụ của bên cung cấp dịch vụ thì thanh toán phí dịch vụ là nghĩa vụ của khách hàng sử dụng dịch vụ. Có 02 loại tranh chấp liên quan đến thanh toán phí dịch vụ, gồm:

– Bên cung cấp dịch vụ kiện đòi khách hàng vì đã không thanh toán đúng và đủ phí dịch vụ theo như thỏa thuận trong hợp đồng.

– Khách hàng sử dụng dịch vụ kiện đòi bên cung cấp dịch vụ hoàn trả lại khoản phí dịch vụ đã thanh toán do bên cung cấp dịch vụ không cung cấp được dịch vụ theo như thỏa thuận trong hợp đồng.

Tranh chấp do bên cung cấp dịch vụ vi phạm nghĩa vụ

Tranh chấp trong trường hợp này phát sinh do bên cung cấp dịch vụ vi phạm nghĩa vụ được quy định trong hợp đồng dịch vụ như không thực hiện công việc, thực hiện công việc không đúng nội dung đã thỏa thuận, thực hiện công việc không đảm bảo chất lượng, số lượng công việc phải thực hiện.

Pháp luật về giải quyết tranh chấp hợp đồng dịch vụ

Theo quy định của pháp luật hiện hành thì hợp đồng dịch vụ có thể là hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng thương mại tùy theo chủ thể ký kết và mục đích của hợp đồng. Vì vậy, tùy vào từng hợp đồng cụ thể mà áp dụng các quy định tương ứng của Bộ luật Dân sự hoặc Luật Thương mại.

Về nguyên tắc, pháp luật nội dung được áp dụng để giải quyết tranh chấp hợp đồng dịch vụ là các quy định của pháp luật có hiệu lực tại thời điểm phát sinh giao dịch, nghĩa là tại thời điểm các bên ký kết hợp đồng dịch vụ.

Bên cạnh đó, do có nhiều loại dịch vụ khác nhau nên khi giải quyết tranh chấp, ngoài các quy định chung về hợp đồng dịch vụ, cơ quan giải quyết tranh chấp còn áp dụng các quy định của pháp luật chuyên ngành điều chỉnh loại hình dịch vụ đó. Trong giải quyết tranh chấp hợp đồng, các quy định chuyên ngành được ưu tiên áp dụng, vấn đề nào mà pháp luật chuyên ngành không có quy định thì áp dụng các quy định pháp luật chung.

Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.

5/5 - (3 bình chọn)