Quy trình xử lý đơn đăng ký sáng chế năm 2024

Quy trình xử lý đơn đăng ký sáng chế theo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi bổ sung năm 2022.

Quy trình xử lý đơn đăng ký sáng chế năm 2024
Quy trình xử lý đơn đăng ký sáng chế năm 2024 2

Sáng chế là gì?

Sáng chế là một giải pháp kỹ thuật thể hiện qua sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề cụ thể trong lĩnh vực công nghệ. Để được công nhận là sáng chế, giải pháp kỹ thuật này phải có tính mới, có trình độ sáng tạo và có khả năng áp dụng công nghiệp. Khi một sáng chế được cấp bằng bảo hộ, chủ sở hữu của sáng chế đó có quyền ngăn cấm người khác sử dụng, sản xuất, phân phối, nhập khẩu hoặc bán sáng chế mà không có sự cho phép của họ.

Đơn đăng ký sáng chế

Đơn đăng ký sáng chế bao gồm:

– Tờ khai đăng ký sáng chế

– Bản mô tả sáng chế: Gồm phần mô tả sáng chế và phạm vi bảo hộ

– Bản tóm tắt sáng chế: Bộc lộ những nội dung chủ yếu về bản chất của sáng chế

– Văn bản thuyết minh về nguồn gốc của nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen trong đơn đăng ký sáng chế (nếu sáng chế được trực tiếp tạo ra dựa trên nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen)

– Giấy uỷ quyền cho tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp (nếu nộp đơn thông qua đại diện)

– Văn bản chứng minh người nộp đơn được hưởng quyền ưu tiên nếu đơn đăng ký sáng chế có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên.

– Tài liệu chứng minh quyền đăng ký sáng chế, nếu người nộp đơn đăng ký sáng chế có được sáng chế thông qua nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, …

– Chứng từ nộp phí, lệ phí

Đơn đăng ký sáng chế phải đảm bảo tính thống nhất: Mỗi đơn đăng ký sáng chế chỉ được yêu cầu cấp một Bằng độc quyền sáng chế hoặc một Bằng độc quyền giải pháp hữu ích cho một nhóm sáng chế có mối liên hệ chặt chẽ về kỹ thuật nhằm thực hiện một ý đồ sáng tạo chung duy nhất.

Quy trình xử lý đơn đăng ký sáng chế

1/ Nộp đơn đăng ký sáng chế

Người nộp đơn đăng ký sáng chế nếu là tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc là cá nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam hoặc là tổ chức, cá nhân nước ngoài có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam thì được trực tiếp nộp đơn đăng ký sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ hoặc nộp thông qua đại diện sở hữu công nghiệp tại Việt Nam.

Nếu người nộp đơn đăng ký sáng chế là cá nhân nước ngoài không thường trú tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài không có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam thì bắt buộc phải nộp đơn đăng ký sáng chế thông qua đại diện sở hữu công nghiệp tại Việt Nam.

Đơn đăng ký sáng chế có thể được nộp dưới hình thức văn bản giấy hoặc nộp thông qua hệ thống nộp đơn trực tuyến của Cục Sở hữu trí tuệ.

Ngày nộp đơn đăng ký sáng chế là ngày Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam tiếp nhận đơn đăng ký sáng chế.

2/ Thẩm định hình thức đơn đăng ký sáng chế

Thẩm định hình thức đơn đăng ký sáng chế là quá trình đánh giá tính hợp lệ của đơn đăng ký sáng chế.

Đơn đăng ký sáng chế sẽ bị Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo dự định từ chối nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

– Đơn đăng ký sáng chế có tài liệu không đáp ứng các yêu cầu về hình thức đơn.

– Đối tượng được mô tả trong đơn đăng ký sáng chế là đối tượng không được bảo hộ sáng chế.

– Người nộp đơn không có quyền đăng ký

– Đơn đăng ký sáng chế được nộp không đúng cách thức.

– Người nộp đơn không nộp đủ phí, lệ phí trong giai đoạn đăng ký nộp đơn.

3/ Công bố đơn đăng ký sáng chế

Công bố đơn đăng ký sáng chế là bước quan trọng trong quy trình đăng ký sáng chế, nhằm thông báo cho công chúng về nội dung của đơn đăng ký và cho phép mọi người có thể đưa ra ý kiến hoặc phản đối nếu cần thiết.

Đơn đăng ký sáng chế đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận hợp lệ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp. Đơn đăng ký sáng chế được công bố trong tháng thứ 19 kể từ ngày nộp đơn hoặc từ ngày ưu tiên đối với đơn được hưởng quyền ưu tiên hoặc vào thời điểm sớm hơn theo yêu cầu của người nộp đơn.

Trong thời hạn 9 tháng kể từ ngày công bố đơn đăng ký sáng chế, bất kỳ bên thứ ba nào cũng có quyền nộp đơn đến Cục Sở hữu trí tuệ để phản đối việc cấp văn bằng bảo hộ. Ý kiến phản đối đó phải được lập thành văn bản kèm theo tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh.

4/ Nộp đơn yêu cầu thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế

Trong thời hạn 42 tháng kể từ ngày đơn đăng ký sáng chế được nộp hoặc kể từ ngày ưu tiên (nếu đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên), người nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc bất kỳ bên thứ ba nào khác đều có quyền nộp đơn đến Cục Sở hữu trí tuệ để yêu cầu thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế. Quá thời hạn nêu trên mà Cục Sở hữu trí tuệ không nhận được yêu cầu thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế thì đương nhiên xem như đơn đăng ký sáng chế đã bị rút.

Tương tự như vậy, thời hạn yêu cầu thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế có yêu cầu cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích là 36 tháng kể từ ngày nộp đơn hoặc từ ngày ưu tiên.

5/ Thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế

Thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế là quá trình đánh giá chi tiết và kỹ lưỡng về khả năng cấp bằng độc quyền cho một sáng chế, dựa trên các tiêu chí pháp lý và kỹ thuật. Đây là bước quan trọng để đảm bảo rằng sáng chế đáp ứng các yêu cầu về tính mới, trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp.

6/ Cấp Bằng độc quyền sáng chế

Nếu sáng chế đáp ứng các điều kiện bảo hộ thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ thực hiện các công việc sau:

– Thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ đối với toàn bộ hoặc phần sáng chế đáp ứng điều kiện bảo hộ và ấn định thời hạn để người nộp đơn nộp phí, lệ phí hoặc có ý kiến phản đối về kết quả thẩm định nội dung

– Ra Quyết định cấp Bằng độc quyền sáng chế và ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp nếu người đơn nộp đủ phí, lệ phí theo quy định.

Liên hệ ngay với Chúng tôi

CÔNG TY LUẬT TNHH DCNH LAW

Địa chỉ: 38B Trần Nhật Duật, phường Phước Hoà, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà

Điện thoại: 0343320223 – 0974278893

Email: [email protected]

5/5 - (1 bình chọn)