Nguyên đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện

Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, việc nguyên đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện là tình huống phổ biến nhằm mở rộng hoặc điều chỉnh nội dung tranh chấp cho phù hợp với thực tế phát sinh. Tuy nhiên, không phải lúc nào Tòa án cũng chấp nhận việc bổ sung này nếu không đúng thời điểm, không hợp lệ về thủ tục hoặc vượt quá phạm vi xét xử. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ các quy định pháp luật, điều kiện và thủ tục để bổ sung yêu cầu khởi kiện một cách chính xác, hiệu quả và đúng pháp luật.

Nguyên đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện
Nguyên đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện 2

Nguyên đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện là gì?

Bổ sung yêu cầu khởi kiện là quyền hợp pháp của nguyên đơn trong quá trình giải quyết vụ án dân sự. Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam, nguyên đơn có thể đề nghị Tòa án xem xét bổ sung thêm một hoặc nhiều yêu cầu mới so với nội dung đơn khởi kiện ban đầu, với điều kiện không vượt quá phạm vi vụ việc đang được giải quyết.

Việc bổ sung yêu cầu khởi kiện có thể bao gồm:

  • Yêu cầu thêm về quyền lợi tài sản (ví dụ: yêu cầu thêm tiền lãi, bồi thường thiệt hại…).
  • Yêu cầu mở rộng đối tượng tranh chấp (ví dụ: yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu bên cạnh yêu cầu đòi tài sản).
  • Yêu cầu thay đổi cách thức thực hiện nghĩa vụ từ bị đơn.

Tuy nhiên, bổ sung yêu cầu khởi kiện chỉ được thực hiện trong một số giai đoạn tố tụng nhất định, và phải tuân thủ điều kiện về hình thức, nội dung do pháp luật quy định. Nếu bổ sung sai thời điểm hoặc không đúng quy định, Tòa án có quyền không chấp nhận xem xét.

Việc hiểu rõ khái niệm và quy định pháp luật về bổ sung yêu cầu khởi kiện không chỉ giúp nguyên đơn bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của mình, mà còn tránh được những sai sót tố tụng ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án.

Căn cứ pháp lý về việc bổ sung yêu cầu khởi kiện

Việc bổ sung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được quy định tại Điều 70 và Điều 71 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Theo khoản 4 Điều 70 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, đương sự có quyền “giữ nguyên, thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu theo quy định của Bộ luật này”.

Theo khoản 2 Điều 71 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, nguyên đơn có quyền “thay đổi nội dung yêu cầu khởi kiện, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện”. Điều này khẳng định rằng nguyên đơn có quyền chủ động điều chỉnh nội dung yêu cầu khởi kiện.

Thời hạn bổ sung đơn khởi kiện

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, thời điểm bổ sung yêu cầu khởi kiện có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án dân sự. Việc bổ sung đúng thời điểm không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của nguyên đơn mà còn tránh bị Tòa án từ chối xem xét.

Bổ sung yêu cầu khởi kiện trước khi Toà án mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hoà giải

Nguyên đơn có quyền tự do bổ sung yêu cầu khởi kiện trước khi Toà án mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hoà giải. Mặc dù việc có chấp nhận yêu cầu khởi kiện bổ sung hay không do Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án quyết định, tuy nhiên, việc nguyên đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện trong giai đoạn này thường sẽ dễ dàng được chấp nhận, miễn là nó nằm trong phạm vi vụ việc và thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án.

Bổ sung yêu cầu khởi kiện sau phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hoà giải

Việc bổ sung yêu cầu khởi kiện sau khi toà án đã kết thúc phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hoà giải thường khó được chấp nhận, đặc biệt là nếu yêu cầu khởi kiện bổ sung vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu.

Nếu tại phiên toà sơ thẩm, nguyên đơn mới bổ sung yêu cầu khởi kiện thì phải được Hội đồng xét xử chấp nhận, tuy nhiên, yêu cầu khởi kiện bổ sung không được vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu.

Ví dụ về trường hợp vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu

Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn trả lại nhà cho mình. Tại phiên toà, nguyên đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện, đòi bị đơn trả lại nhà cho mình và thanh toán thêm một khoản tiền tương ứng với tiền thuê nhà trong thời gian chiếm giữ nhà của mình. Trong trường hợp này, yêu cầu thanh toán tiền thuê nhà được xem là vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện ban đầu nên không được Hội đồng xét xử chấp nhận. Tuy nhiên, nếu yêu cầu khởi kiện bổ sung này được đưa ra trước khi toà án mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hoà giải thì sẽ được Toà án chấp nhận.

Thủ tục bổ sung yêu cầu khởi kiện như thế nào?

Để việc bổ sung yêu cầu khởi kiện được Tòa án chấp nhận và xem xét hợp lệ, nguyên đơn cần thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết:

Bước 1: Soạn Đơn sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện

Nguyên đơn cần lập Đơn sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện, thể hiện rõ:

  • Thông tin Tòa án đang thụ lý vụ án (tên Tòa, địa chỉ).
  • Thông tin người khởi kiện, người bị kiện.
  • Số thụ lý của vụ án.
  • Nội dung yêu cầu bổ sung: trình bày rõ ràng yêu cầu mới, lý do bổ sung, căn cứ pháp luật và chứng cứ kèm theo (nếu có).

Bước 2: Nộp đơn khởi kiện bổ sung đến Tòa án

Có thể nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua đường bưu điện. Trường hợp nộp trực tiếp, nguyên đơn nên yêu cầu cán bộ tiếp nhận ghi nhận bằng phiếu tiếp nhận hồ sơ.

Hồ sơ nộp gồm:

  • Đơn sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện.
  • Tài liệu, chứng cứ kèm theo (nếu có).

Bước 3: Tòa án xem xét và ra quyết định

Toà án xem xét và ra quyết định về việc chấp nhận bổ sung yêu cầu khởi kiện hay không. Trường hợp chấp nhận, Toà án sẽ ra quyết định thụ lý vụ án bổ sung và thông báo cho các đương sự và người tiến hành tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng trong vụ án được biết.

Trường hợp không đồng ý cho bổ sung yêu cầu khởi kiện, Toà án thông báo trả lại đơn khởi kiện bổ sung của đương sự.

Các trường hợp không được bổ sung yêu cầu khởi kiện

Dù bổ sung yêu cầu khởi kiện là quyền hợp pháp của nguyên đơn, nhưng trong một số trường hợp, Tòa án có thể từ chối chấp nhận nếu việc bổ sung không đáp ứng đúng quy định pháp luật. Dưới đây là những tình huống thường gặp mà nguyên đơn không được bổ sung yêu cầu khởi kiện:

Bổ sung yêu cầu khởi kiện sai thời điểm theo luật định.

  • Ví dụ: Tại phiên toà sơ thẩm, nguyên đơn bổ sung thêm yêu cầu khởi kiện vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu nên bị Hội đồng xét xử không chấp nhận.

Bổ sung yêu cầu khởi kiện không thuộc phạm vi giải quyết của vụ án

  • Ví dụ: Trong vụ án tranh chấp hợp đồng đặt cọc bất động sản A, nguyên đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện là yêu cầu toà án công nhận quyền sở hữu của mình đối với bất động sản B.

Bổ sung yêu cầu khởi kiện không thuộc thẩm quyền của toà án

  • Ví dụ: Trong vụ án ly hôn, nguyên đơn bổ sung yêu cầu phạt tù đối với bị đơn vì hành vi ngoại tình, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Trường hợp này toà án sẽ không chấp nhận giải quyết, nếu có căn cứ thì toà án sẽ chuyển hồ sơ sang cho cơ quan điều tra hoặc hướng dẫn đương sự tự làm đơn tố giác gửi cơ quan điều tra.

Bổ sung yêu cầu khởi kiện nhưng thiếu chứng cứ rõ ràng

  • Khi nguyên đơn bổ sung yêu cầu nhưng không đưa ra được chứng cứ hợp lệ hoặc cơ sở pháp lý hợp lý, Tòa án có quyền từ chối thụ lý yêu cầu khởi kiện bổ sung. Việc bổ sung phải đi kèm với lý do chính đáng và các tài liệu chứng minh cụ thể.

Dịch vụ hỗ trợ bổ sung yêu cầu khởi kiện tại Tòa án của Công ty Luật TNHH DCNH Law

Việc bổ sung yêu cầu khởi kiện tưởng đơn giản nhưng trên thực tế lại tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý nếu không nắm rõ trình tự, thời điểm và hình thức thực hiện. Nhằm hỗ trợ khách hàng thực hiện đúng quy định pháp luật và bảo vệ quyền lợi một cách tối ưu, Công ty Luật TNHH DCNH Law cung cấp dịch vụ tư vấn và soạn thảo bổ sung yêu cầu khởi kiện chuyên nghiệp tại tỉnh Khánh Hoà và khu vực miền Trung.

Nội dung dịch vụ của Công ty Luật TNHH DCNH Law bao gồm:

  • Tư vấn đánh giá tính hợp pháp của yêu cầu khởi kiện bổ sung: Xác định xem yêu cầu mới có phù hợp với phạm vi vụ án đang giải quyết và có đủ căn cứ pháp lý không.
  • Hướng dẫn thời điểm và cách thức nộp bổ sung yêu cầu khởi kiện: Tránh bị Tòa án từ chối vì vi phạm thủ tục tố tụng hoặc gửi sai thời điểm.
  • Soạn thảo đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện: Nội dung rõ ràng, mạch lạc, đúng mẫu và đúng pháp luật.
  • Đại diện nộp đơn và làm việc với Tòa án (nếu khách hàng có nhu cầu).
  • Cập nhật kết quả và hỗ trợ tiếp theo nếu Tòa án yêu cầu làm rõ hoặc bổ sung chứng cứ.

Vì sao nên chọn Công ty Luật TNHH DCNH Law?

  • Đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm trong tố tụng dân sự và thương mại.
  • Cam kết bảo mật thông tin tuyệt đối.
  • Tư vấn kỹ lưỡng, hỗ trợ tận tâm, tiết kiệm thời gian cho khách hàng.
  • Chi phí hợp lý, minh bạch – không phát sinh ngoài hợp đồng.

Liên hệ ngay với Chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH DCNH LAW

Địa chỉ: 38B Trần Nhật Duật, phường Phước Hoà, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà

Điện thoại: 0343320223 – 0974278893

Email: dcnh.law@gmail.com

5/5 - (1 bình chọn)