Nguồn nguy hiểm cao độ gồm những gì?

Trong đời sống hàng ngày, có những vật mà bản thân sự tồn tại hoặc sử dụng chúng đã tạo ra sự nguy hiểm cho con người, tài sản và môi trường xung quanh. Những vật này được pháp luật gọi là nguồn nguy hiểm cao độ. Vậy hiểu như thế nào về nguồn nguy hiểm cao độ, nguồn nguy hiểm cao độ gồm những gì?

Nguồn nguy hiểm cao độ gồm những gì? 1
Nguồn nguy hiểm cao độ gồm những gì?

Nguồn nguy hiểm cao độ là gì?

Nguồn nguy hiểm cao độ là những vật mà do đặc tính vốn có của chúng nên trong quá trình chiếm hữu, khai thác, sử dụng, quản lý, vận chuyển chúng luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra rủi ro và thiệt hại mà chúng gây ra ở mức độ lớn cho con người, tài sản và môi trường xung quanh.

Đặc điểm của nguồn nguy hiểm cao độ

Nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại bất ngờ, khó lường trước và khó ngăn chặn

Nguồn nguy hiểm cao độ luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ra thiệt hại bất ngờ, khó lường trước được. Mặc dù con người có thể nắm bắt được nguyên lý, quy trình vận hành của nguồn nguy hiểm cao độ nhưng trong quá trình chúng hoạt động, con người không thể kiểm soát một cách tuyệt đối chúng. Chúng có thể gây ra thiệt hại trong bất cứ giai đoạn, thời điểm nào của quá trình hoạt động. Vì vậy, thiệt hại mà chúng gây ra thường bất ngờ, đột ngột, nằm ngoài khả năng lường trước của con người.

Và vì thiệt hại mà nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là bất ngờ và khó lường trước nên rất khó phản ứng kịp thời, khó ngăn chặn hậu quả mà nó gây ra.

Thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra lớn hơn rất nhiều so với các loại tài sản khác

Nếu như thiệt hại do các tài sản khác gây ra thường chỉ ở mức độ thấp thì thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra lớn hơn rất nhiều lần.

Ví dụ: Cây cối ngã chỉ đè sập 01 căn nhà nhưng nếu là vụ nổ xăng dầu thì có thể gây cháy lan nhiều khu vực xung quanh, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản.

Thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thường khó hạn chế, khắc phục

Những hậu quả do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thường không chấm dứt ngay mà có thể kéo dài dai dẳng trong thời gian dài. Vì vậy, việc khắc phục những thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thường tốn nhiều thời gian, công sức, chi phí hoặc thậm chí là không thể khắc phục dứt điểm được. Ví dụ: Thiệt hại do chất phóng xạ gây ra, thiệt hại do nguồn thuốc nổ gây ra.

Nguồn nguy hiểm cao độ có thể gây thiệt hại ngay cả khi được quản lý chặt chẽ

Mặc dù được quản lý chặt chẽ, nguồn nguy hiểm cao độ vẫn có khả năng gây ra thiệt hại. Vì vậy, chủ sở hữu hoặc người đang chiếm hữu, sử dụng, vận chuyển phải quản lý nguồn nguy hiểm cao độ ở mức độ cao hơn so với các loại tài sản thông thường khác và phải có biện pháp ngăn cản những người khác tiếp xúc với nguồn nguy hiểm cao độ. Trong trường hợp chủ sở hữu, người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ mà để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Nguồn nguy hiểm cao độ gồm những gì? 3
Để xác định nguồn nguy hiểm cao độ cần phải căn cứ vào khoản 1 Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015

Nguồn nguy hiểm cao độ gồm những gì?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm:

– Phương tiện vận tải cơ giới;

– Hệ thống tải điện;

– Nhà máy công nghiệp đang hoạt động;

– Vũ khí;

– Chất nổ;

– Chất cháy;

– Chất độc;

– Chất phóng xạ,

– Thú dữ;

– Các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.

Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/07/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về nguồn nguy hiểm cao độ như sau:

– Khi có phương tiện giao thông, công trình, vật chất hoặc loại thú nào đó gây ra thiệt hại, để có căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì phải xác định nguồn gây ra thiệt hại có phải là nguồn nguy hiểm cao độ hay không.

– Để xác định nguồn nguy hiểm cao độ cần phải căn cứ vào khoản 1 Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015 có nội dung nêu trên và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan hoặc quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lĩnh vực đó. Ví dụ: Để xác định phương tiện vận tải cơ giới thì phải căn cứ vào Luật Giao thông đường bộ.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

– Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Chủ sở hữu đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm là người đang thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình để nắm giữ, quản lý nguồn nguy hiểm cao độ nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội; khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ nguồn nguy hiểm cao độ.

– Người được chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ một cách hợp pháp phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, trừ trường hợp giữa chủ sở hữu và người được giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có thỏa thuận khác.

– Trong trường hợp chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ không đúng quy định của pháp luật mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại. Ví dụ: Chủ sở hữu xe ô tô biết người đó không có bằng lái xe ô tô nhưng vẫn giao xe ô tô cho người đó sử dụng, nếu người đó gây thiệt hại thì chủ sở hữu xe ô tô có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại.

Nguồn nguy hiểm cao độ gồm những gì? 5
Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra
Bồi thường thiệt hại ngay cả khi không có lỗi

Chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra ngay cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:

+ Thiệt hại xảy ra là hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại.

+ Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Căn cứ vào quy định này, trong trường hợp pháp luật có quy định khác về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết thì thực hiện theo quy định của văn bản pháp luật đó.

Người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ

– Người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật nguồn nguy hiểm cao độ thì phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, nếu chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp không có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật (đã thực hiện đúng các quy định về bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng các quy định của pháp luật).

– Nếu chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng hợp pháp có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật (thực hiện không đúng các quy định về bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định của pháp luật) thì phải liên đới cùng với người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.

Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ đã giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác

Nếu chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ đã giao nguồn nguy hiểm cao độ cho người khác mà gây thiệt hại thì phải xác định trong trường hợp cụ thể đó người được giao nguồn nguy hiểm cao độ có phải là người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ hay không để xác định ai có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Ví dụ: A là chủ sở hữu xe ô tô đã giao xe ô tô đó cho B. B lái xe ô tô tham gia giao thông đã gây tai nạn và gây thiệt hại thì cần phải phân biệt:

+ Nếu B chỉ được A thuê lái xe ô tô và được trả tiền công, có nghĩa B không phải là người chiếm hữu, sử dụng xe ô tô đó mà A vẫn chiếm hữu, sử dụng thì A phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

+ Nếu B được A giao xe ô tô thông qua hợp đồng thuê tài sản, có nghĩa A không còn chiếm hữu, sử dụng xe ô tô đó mà B là người chiếm hữu, sử dụng hợp pháp thì B là người phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.

Vui lòng cho chúng tôi đánh giá để cải thiện bài viết nhé <3