Hotline:
Khi muốn chấm dứt mối quan hệ hôn nhân của mình, các cặp vợ chồng có thể thỏa thuận ly hôn hoặc khởi kiện yêu cầu ly hôn. Trong phạm vi bài viết này, người đọc sẽ được tìm hiểu các quy định của pháp luật về điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục, cách thức ly hôn thuận tình.
Ly hôn thuận tình là gì?
Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình thì ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực của Tòa án.
Vợ, chồng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn theo một trong hai thủ tục sau:
– Nếu chỉ có một bên vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn hoặc tuy cả hai bên đều yêu cầu ly hôn nhưng họ không thỏa thuận được với nhau về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau ly hôn thì thực hiện theo thủ tục ly hôn đơn phương.
– Nếu hai bên vợ chồng đều yêu cầu ly hôn và thỏa thuận được với nhau về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau ly hôn thì thực hiện theo thủ tục ly hôn thuận tình.
Theo quy định tại Điều 55 Luật Hôn nhân và Gia đình thì thuận tình ly hôn là trường hợp việc ly hôn đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
1. Cả hai bên vợ chồng cùng tự nguyện yêu cầu ly hôn.
2. Vợ chồng đã thỏa thuận được với nhau về việc chia tài sản, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con cái trên cơ sở bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng cho vợ và con.
Hồ sơ cần có để thực hiện thủ tục ly hôn thuận tình
Hồ sơ công nhận thuận tình ly hôn bao gồm các giấy tờ sau:
1. Đơn yêu cầu giải quyết việc ly hôn thuận tình (theo mẫu), đơn yêu cầu bao gồm các nội dung sau:
– Ngày, tháng, năm làm đơn yêu cầu.
– Tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết thuận tình ly hôn.
– Tên, địa chỉ, số điện thoại của vợ chồng.
– Về việc chấm dứt quan hệ hôn nhân: Vợ chồng có Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn không? Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn số bao nhiêu, do cơ quan nào cấp và được cấp vào năm nào? Nguyên nhân dẫn đến ly hôn (do ngoại tình, do mâu thuẫn trong cuộc sống, …), phát sinh từ lúc nào? Trước khi ly hôn, vợ chồng có sống ly thân không, nếu có thì từ khi nào?
– Về con chung (nếu có): Liệt kê thông tin về các con chung của vợ chồng gồm họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính; thỏa thuận ai là người có quyền nuôi dưỡng con chung nào và mức cấp dưỡng của người không trực tiếp nuôi con là bao nhiêu? Phương thức đưa tiền cấp dưỡng như thế nào (định kỳ hàng tháng, quý, …)
– Về tài sản chung (nếu có): Vợ chồng có những tài sản chung nào? Liệt kê các giấy tờ chứng minh như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ tiết kiệm, giấy đăng ký xe, … Thỏa thuận ai được nhận tài sản nào?
– Về nợ chung (nếu có): Vợ chồng có nợ tiền ai không hoặc có cho ai vay tiền không? Nêu cụ thể họ tên, địa chỉ của người đó, số tiền nợ cụ thể của từng người và nội dung thỏa thuận của vợ chồng về việc giải quyết nợ chung.
– Chữ ký và họ tên của vợ chồng.
Các tài liệu khác kèm theo đơn yêu cầu ly hôn:
2. Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.
3. Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân, Hộ khẩu của vợ và chồng.
4. Giấy khai sinh của các con chung.
5. Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản chung (đối với các tài sản phải đăng ký quyền sở hữu).
6. Giấy tờ chứng minh nợ chung.
Nộp đơn ly hôn thuận tình ở đâu?
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự hiện hành, Tòa án có thẩm quyền giải quyết thuận tình ly hôn là Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, nơi một trong hai bên vợ chồng cư trú.
Do đó, khi thuận tình ly hôn, vợ chồng cùng nhau thỏa thuận chọn Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi người vợ cư trú hoặc nơi người chồng cư trú để giải quyết.
Ví dụ:
– Vợ chồng cùng cư trú tại phường Lộc Thọ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa mà muốn ly hôn theo dạng thuận tình thì nộp hồ sơ tại Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang.
– Vợ cư trú tại phường Lộc Thọ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Chồng cư trú tại xã Ninh An, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Trường hợp này, vợ chồng có thể thỏa thuận nộp hồ sơ tại Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang hoặc Tòa án nhân dân thị xã Ninh Hòa đều được.
Thủ tục ly hôn thuận tình mất bao lâu?
Việc giải quyết ly hôn thuận tình sẽ trải qua các bước:
– Xem xét đơn yêu cầu,
– Nộp tiền tạm ứng lệ phí,
– Thụ lý đơn yêu cầu,
– Thực hiện các thủ tục chuẩn bị xét đơn yêu cầu,
– Phiên họp giải quyết việc dân sự,
– Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn.
Tổng thời gian giải quyết một vụ việc ly hôn thuận tình khoảng từ 02 – 03 tháng.
Chi phí ly hôn thuận tình
Theo quy định tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì lệ phí yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn là 300.000 đồng.
Vợ chồng cùng nhau thỏa thuận ai là người chịu lệ phí này, trường hợp vợ chồng không thỏa thuận được thì mỗi người chịu 50%, tương đương với 150.000 đồng.
Thủ tục ly hôn thuận tình nhanh nhất
Việc giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn trải qua các bước sau đây:
Nộp hồ sơ yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn.
Vợ chồng chuẩn bị hồ sơ và nộp tại Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền. Hồ sơ có thể được nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi đến Tòa án qua đường bưu điện.
Nộp lệ phí và Tòa án thụ lý vụ việc.
Sau khi nhận được đầy đủ hồ sơ, Tòa án sẽ ra thông báo về việc nộp lệ phí.
Người yêu cầu mang thông báo của Tòa án về việc nộp lệ phí đến Cơ quan thi hành án để nộp lệ phí. Sau khi nộp lệ phí, Cơ quan thi hành án phát hành biên lai thu lệ phí và đưa cho người yêu cầu 01 bản. Người yêu cầu mang biên lai thu lệ phí quay lại nộp cho Tòa án.
Sau khi nhận được biên lai thu lệ phí, Tòa án ra thông báo về việc thụ lý giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn.
Tòa án chuẩn bị xét đơn yêu cầu
Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn là 01 tháng kể từ ngày thụ lý. Trong giai đoạn này, Tòa án sẽ thực hiện các công việc sau:
– Yêu cầu đương sự bổ sung tài liệu, chứng cứ nếu chưa đủ căn cứ để Tòa giải quyết.
– Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân khác cung cấp tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc giải quyết vụ việc.
– Tiến hành hòa giải mâu thuẫn để vợ chồng đoàn tụ.
– Quyết định đình chỉ giải quyết nếu vợ chồng rút đơn yêu cầu.
– Quyết định mở phiên họp giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn.
Tòa án mở phiên họp công khai để giải quyết việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn
Nếu sau khi hòa giải mà vợ chồng đoàn tụ thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn.
Nếu hòa giải không thành thì Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn.
Nếu hòa giải không thành và vợ chồng không thỏa thuận được với nhau về việc chia tài sản, quyền nuôi dưỡng con cái, cấp dưỡng, xử lý nợ chung thì Tòa án đình chỉ giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, đồng thời thụ lý vụ án đơn phương ly hôn để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Tòa án ra quyết định công nhận thuận tình ly hôn.
Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.