Hotline:
Hiện nay, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ diễn ra ngày càng phổ biến và phức tạp. Bản thân các chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ khi phát hiện ra hành vi xâm phạm quyền của mình thường gặp lúng túng trong việc xác định và xử lý hành vi vi phạm. Để có cơ sở xử lý các hành vi xâm phạm này, chủ thể quyền cần thực hiện giám định quyền sở hữu trí tuệ để cơ quan có chức năng giám định dùng kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp để xác định có hay không có hành vi xâm phạm quyền. Căn cứ vào đó, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mới có cơ sở để xử lý vi phạm.
Giám định quyền sở hữu trí tuệ bao gồm những nội dung nào
Nội dung giám định quyền sở hữu trí tuệ bao gồm
– Xác định phạm vi bảo hộ của đối tượng quyền sở hữu trí tuệ.
– Xác định đối tượng bị xem xét có đáp ứng các điều kiện để bị coi là yếu tố xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hay không.
– Xác định có hay không có sự trùng, tương tự có khả năng gây nhầm lẫn hoặc sao chép giữa đối tượng bị xem xét với đối tượng được bảo hộ.
– Xác định người thực hiện hành vi bị xem xét có phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ hay không.
– Xác định hành vi bị xem xét có xảy ra hoặc được xem là xảy ra tại Việt Nam hay không.
– Xác định giá trị quyền sở hữu trí tuệ
– Xác định giá trị bị thiệt hại.
Giám định quyền sở hữu trí tuệ bao gồm 03 lĩnh vực
– Giám định về quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả;
– Giám định về quyền sở hữu công nghiệp;
– Giám định về quyền đối với giống cây trồng.
Tổ chức nào có chức năng giám định quyền sở hữu trí tuệ
Tổ chức có chức năng giám định quyền sở hữu trí tuệ
Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức hành nghề luật sư (trừ chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, công ty luật TNHH 100% vốn nước ngoài, công ty luật TNHH dưới hình thức liên doanh giữa tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam và tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài) nếu đáp ứng các điều kiện sau đây thì được thực hiện giám định quyền sở hữu trí tuệ:
– Có nhân lực, cơ sở vật chất – kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của hoạt động giám định.
– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động có ghi nhận chức năng thực hiện giám định sở hữu trí tuệ.
– Người đứng đầu tổ chức giám định sở hữu trí tuệ hoặc người được người đứng đầu ủy quyền có Thẻ giám định viên sở hữu trí tuệ.
Tổ chức giám định sở hữu trí tuệ chỉ được phép thực hiện hoạt động giám định trong phạm vi lĩnh vực đã đăng ký hoạt động.
Quyền của Tổ chức giám định sở hữu trí tuệ: Thuê giám định viên sở hữu trí tuệ; đề nghị tổ chức, cá nhân cung cấp các thông tin, tài liệu để thực hiện giám định; …
Nghĩa vụ của Tổ chức giám định sở hữu trí tuệ: Hoạt động theo đúng lĩnh vực giám định được cấp phép; bảo quản, lưu trữ các tài liệu, hồ sơ của vụ việc giám định; giữ bí mật các thông tin, tài liệu liên quan đến việc giám định; nếu gây ra thiệt hại thì phải bồi thường; …
Tiêu chuẩn giám định viên sở hữu trí tuệ
Giám định viên sở hữu trí tuệ là người có trình độ, kiến thức chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến nội dung cần giám định, được cơ quan nhà nước cấp thẻ Thẻ giám định viên sở hữu trí tuệ. Để trở thành giám định viên sở hữu trí tuệ, cá nhân phải có đầy đủ các điều kiện sau:
– Là công dân Việt Nam và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
– Có địa chỉ thường trú tại Việt Nam;
– Có phẩm chất đạo đức tốt;
– Có trình độ đại học trở lên về chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực giám định, đã qua thực tế hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực đó từ 05 năm trở lên.
– Đạt yêu cầu kiểm tra nghiệp vụ về giám định.
Quyền của giám định viên sở hữu trí tuệ:
Hoạt động trong 01 tổ chức giám định sở hữu trí tuệ hoặc hoạt động độc lập;
Từ chối giám định;
Sử dụng kết quả thẩm định hoặc kết luận chuyên môn của chuyên gia để phục vụ cho việc giám định;
Giám định viên hoạt động độc lập có quyền đề nghị tổ chức, cá nhân cung cấp các thông tin, tài liệu để thực hiện việc giám định; …
Nghĩa vụ của giám định viên sở hữu trí tuệ:
Lập hồ sơ giám định, có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan trưng cầu giám định;
Giải thích kết luận giám định; bảo quản các đồ vật, tài liệu giám định;
Đưa ra kết luận giám định;
Nếu cố ý đưa ra kết luận giám định sai, gây thiệt hại thì phải bồi thường;
Từ chối giám định;
Giữ bí mật các thông tin, tài liệu liên quan đến việc giám định;
Tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục giám định; …
Thực hiện giám định quyền sở hữu trí tuệ như thế nào
Ai có quyền trưng cầu giám định và yêu cầu giám định quyền sở hữu trí tuệ
– Cơ quan có thẩm quyền trưng cầu giám định là các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc giải quyết tranh chấp, xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc giải quyết khiếu nại, tố cáo về sở hữu trí tuệ khi giải quyết vụ việc mà mình đang thụ lý, bao gồm: Tòa án nhân dân, Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an, Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền.
– Tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác yêu cầu giám định quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bao gồm: Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp; tổ chức, cá nhân bị xử lý về hành vi xâm phạm hoặc bị khiếu nại, tố cáo về quyền sở hữu trí tuệ; tổ chức, cá nhân có quyền và lợi ích liên quan đến vụ tranh chấp, xâm phạm, khiếu nại, tố cáo về sở hữu trí tuệ.
Nộp đơn giám định quyền sở hữu trí tuệ
Đơn giám định bao gồm các giấy tờ, tài liệu sau:
– Quyết định trưng cầu giám định hoặc văn bản, tờ khai yêu cầu giám định, trong đó nêu rõ các thông tin về tổ chức trưng cầu giám định hoặc người yêu cầu giám định, đối tượng giám định, mục đích, nội dung và các yêu cầu của việc giám định.
– Văn bằng bảo hộ các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ có liên quan.
– Tài liệu, mẫu vật thể hiện đối tượng giám định (tác phẩm, tài liệu mô tả, ảnh chụp, bản vẽ, vật phẩm, sản phẩm, hàng hóa, bao bì … ).
– Hợp đồng dịch vụ giám định.
– Chứng từ nộp phí giám định.
– Giấy ủy quyền (nếu nộp đơn thông qua đại diện).
– Các tài liệu khác nếu cần thiết cho việc giám định.
Việc giao nhận và trả lại đối tượng giám định phải được lập thành biên bản và bao gồm các nội dung về thời gian, địa điểm giao nhận, tên và địa chỉ của bên giao nhận, tên đối tượng và đồ vật được giao nhận, tình trạng và cách thức bảo quản đối tượng được giao nhận, chữ ký của các bên giao nhận.
Thực hiện giám định sở hữu trí tuệ
– Giám định viên có thể tự mình lấy mẫu giám định hoặc yêu cầu tổ chức, cá nhân trưng cầu hoặc yêu cầu giám định cung cấp mẫu giám định. Việc lấy mẫu giám định phải lập thành biên bản có chữ ký của các bên có liên quan.
– Việc giám định có thể do một hoặc một số giám định viên sở hữu trí tuệ thực hiện.
– Trong trường hợp kết luận giám định chưa đầy đủ, rõ ràng về các nội dung cần giám định hoặc có phát sinh tình tiết mới cần làm rõ và có yêu cầu giám định bổ sung thì thực hiện giám định bổ sung. Việc giám định bổ sung được thực hiện theo các quy định như trường hợp giám định lần đầu.
– Trong trường hợp tổ chức, cá nhân trưng cầu hoặc yêu cầu giám định không đồng ý với kết quả giám định hoặc có mâu thuẫn giữa các kết luận giám định về cùng một vấn đề và có yêu cầu giám định lại thì thực hiện giám định lại. Việc giám định lại có thể do tổ chức, giám định viên ban đầu hoặc tổ chức, giám định viên khác thực hiện tùy theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân trưng cầu hoặc yêu cầu giám định.
Các hành vi bị nghiêm cấm khi giám định quyền sở hữu trí tuệ
Các hành vi sau đây bị nghiêm cấm khi thực hiện giám định sở hữu trí tuệ:
1/ Thực hiện giám định trong trường hợp bắt buộc phải từ chối giám định theo quy định của pháp luật.
2/ Cố ý đưa ra kết luận giám định sai sự thật.
3/ Tiết lộ bí mật thông tin mà mình biết được khi tiến hành giám định mà không được sự cho phép của các bên có liên quan.
4/ Lợi dụng tư cách giám định và hoạt động giám định để trục lợi.
Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.