Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ là gì?

Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với kết quả từ hoạt động sáng tạo của mình trong các lĩnh vực văn học, khoa học, nghệ thuật, công nghiệp. Tài sản trí tuệ mang lại giá trị kinh tế vô cùng lớn nhưng vì là tài sản vô hình nên khó kiểm soát trên phạm vi rộng. Vì vậy, nó rất dễ phát sinh tranh chấp. Vậy, tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ là gì?

Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ là gì? 1
Các dạng tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ trên thực tế

Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ là gì

Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ là những tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ và những xung đột về lợi ích vật chất, tinh thần từ việc sử dụng, khai thác các đối tượng đó.

Các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ có thể phát sinh từ việc sử dụng trực tiếp các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ hoặc phát sinh từ các giao dịch liên quan đến việc khai thác quyền sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu quyền như: Hợp đồng chuyển nhượng, hợp đồng li-xăng, hợp đồng góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ, …

Đặc điểm của tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ

1/ Các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ thường đa dạng và phức tạp vì nó gắn liền với các yếu tố về kỹ thuật và công nghệ chuyên sâu trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Vì vậy, việc đánh giá và nhận định chính xác thường không dễ dàng đối với các bên tranh chấp và các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, đòi hỏi phải tham vấn ý kiến của các tổ chức có chuyên môn sâu về lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

2/ Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ đòi hỏi tính bảo mật cao. Đa phần các giao dịch về quyền sở hữu trí tuệ đều đòi hỏi tính bí mật cao vì nó liên quan đến các tài sản trí tuệ, đặc biệt là các giao dịch liên quan đến sáng chế và bí mật kinh doanh.

Các loại tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ

Tranh chấp về quyền tác giả

– Tranh chấp giữa cá nhân với cá nhân về quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học hoặc tác phẩm phái sinh từ những tác phẩm này.

– Tranh chấp giữa các đồng tác giả về việc phân chia quyền tác giả.

– Tranh chấp giữa cá nhân và tổ chức về chủ sở hữu quyền tác giả.

– Tranh chấp giữa tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả về tiền nhuận bút, tiền thù lao cho việc sáng tạo ra tác phẩm.

– Tranh chấp giữa chủ sở hữu quyền tác giả với người sử dụng tác phẩm mà không xin phép.

– Tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng hoặc hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng tác phẩm.

– Tranh chấp do hành vi xâm phạm quyền tác giả.

– Tranh chấp về thừa kế, kế thừa quyền tác giả.

Tranh chấp về quyền liên quan

– Tranh chấp yêu cầu xác định ai là người có quyền chủ sở hữu đối với quyền liên quan.

– Tranh chấp giữa chủ đầu tư với người biểu diễn về quyền đối với cuộc biểu diễn.

– Tranh chấp giữa nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình với người thực hiện các quyền của nhà sản xuất về quyền lợi vật chất.

– Tranh chấp giữa tổ chức phát sóng với người sử dụng các quyền của tổ chức phát sóng về quyền lợi vật chất.

– Tranh chấp giữa người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình hoặc tổ chức phát sóng với tổ chức, cá nhân sử dụng quyền liên quan mà không xin phép.

– Tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng hoặc hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng đối với quyền liên quan.

– Tranh chấp do hành vi xâm phạm quyền liên quan.

– Tranh chấp về thừa kế, kế thừa quyền liên quan.

Tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp

– Tranh chấp về quyền đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý.

– Tranh chấp về quyền tác giả sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn.

– Tranh chấp phát sinh từ hành vi xâm phạm quyền đối với các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp.

– Tranh chấp về trả thù lao cho tác giả sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn.

– Tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng, hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp.

– Tranh chấp về thừa kế hoặc kế thừa quyền sở hữu công nghiệp

– Tranh chấp phát sinh từ các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ là gì? 3
Nguyên đơn có nghĩa vụ chứng minh mình là chủ sở hữu của quyền sở hữu trí tuệ

Nghĩa vụ chứng minh của đương sự trong tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ

Ngoài nghĩa vụ chứng minh của nguyên đơn và bị đơn theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự, đương sự trong vụ án tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ còn có thêm các nghĩa vụ chứng minh như sau:

Nghĩa vụ chứng minh của nguyên đơn

– Nguyên đơn chứng minh mình là chủ sở hữu của quyền sở hữu trí tuệ bằng một trong các chứng cứ sau đây: Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan, bằng độc quyền sáng chế, bằng độc quyền giải pháp hữu ích, bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, …; chứng cứ khác để chứng minh căn cứ phát sinh quyền tác giả, quyền liên quan trong trường hợp không đăng ký; chứng cứ chứng minh quyền đối với bí mật kinh doanh, tên thương mại, nhãn hiệu nổi tiếng; hợp đồng li-xăng đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ; …

– Nguyên đơn cung cấp các tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của bị đơn.

– Nguyên đơn phải cung cấp các tài liệu, chứng cứ chứng minh thiệt hại thực tế xảy ra và nêu căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại nếu có yêu cầu bồi thường thiệt hại.

– Trong trường hợp nguyên đơn chứng minh được vì chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình bị bên còn lại kiểm soát nên nguyên đơn không thể tiếp cận được thì nguyên đơn có quyền yên cầu Tòa án buộc bên kiểm soát chứng cứ phải xuất trình chứng cứ đó.

Nghĩa vụ chứng minh của bị đơn

Trong vụ án về xâm phạm quyền đối với sáng chế là một quy trình sản xuất, bị đơn phải chứng minh được sản phẩm của mình được sản xuất theo một quy trình khác với quy trình được bảo hộ trong các trường hợp sau:

– Sản phẩm được sản xuất theo quy trình được bảo hộ là sản phẩm mới;

– Sản phẩm được sản xuất theo quy trình được bảo hộ không phải là sản phẩm mới nhưng chủ sở hữu sáng chế cho rằng sản phẩm của bị đơn được sản xuất theo quy trình được bảo hộ và mặc dù đã sử dụng các biện pháp cần thiết nhưng Tòa án vẫn không thể xác định được quy trình do bị đơn sử dụng để sản xuất ra sản phẩm.

– Trong trường hợp bị đơn chứng minh được vì chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình bị bên còn lại kiểm soát nên bị đơn không thể tiếp cận được thì bị đơn có quyền yên cầu Tòa án buộc bên kiểm soát chứng cứ phải xuất trình chứng cứ đó.

Căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại về vật chất

– Tổng thiệt hại vật chất của nguyên đơn tính bằng tiền cộng với lợi nhuận mà bị đơn đã thu được do thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nếu khoản lợi nhuận bị sụt giảm của nguyên đơn chưa được tính vào tổng thiệt hại vật chất.

– Giá chuyển giao quyền sử dụng đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ với giả định rằng bị đơn được nguyên đơn chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ đó trong phạm vi tương ứng với hành vi xâm phạm mà bị đơn đã thực hiện.

– Theo cách tính thiệt hại vật chất do chủ thể quyền sở hữu trí tuệ đưa ra phù hợp với quy định của pháp luật.

– Trong trường hợp không thể xác định được mức bồi thường thiệt hại vật chất theo các căn cứ nêu trên thì Tòa án ấn định mức bồi thường thiệt hại về vật chất trên cơ sở xem xét mức độ thiệt hại, nhưng không quá 500 triệu đồng.

Căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại về tinh thần

Từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, tùy thuộc vào mức độ thiệt hại.

Ngoài ra, nguyên đơn còn có quyền yêu cầu Tòa án buộc bị đơn phải thanh toán chi phí hợp lý để thuê luật sư.

Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.

Vui lòng cho chúng tôi đánh giá để cải thiện bài viết nhé <3