Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước bao gồm các yếu tố nào? Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là vấn đề pháp lý quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam, liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân và tổ chức khi bị thiệt hại do hành vi của cơ quan nhà nước.

Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2

I. Phần mở đầu

Trong bối cảnh pháp luật ngày càng được hoàn thiện và phát triển, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được xem là một yếu tố quan trọng nhằm bảo vệ quyền lợi của công dân và các tổ chức trước những hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ. Việc xác định rõ các căn cứ để phát sinh trách nhiệm bồi thường không chỉ đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong hoạt động quản lý nhà nước mà còn là cách để bảo vệ quyền con người và xây dựng niềm tin vào sự công bằng của pháp luật. Những quy định này đóng vai trò xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước và là căn cứ pháp lý để cá nhân, tổ chức yêu cầu bồi thường khi quyền lợi bị xâm phạm.

Trong phạm vi bài viết này, người viết sẽ tập trung phân tích, làm rõ các căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2017, bao gồm:

(i) Căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng.

(ii) Thiệt hại thực tế thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của nhà nước.

(iii) Mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại.

II. Quy định chung về căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là việc Nhà nước chịu trách nhiệm bồi thường cho cá nhân, tổ chức xuất phát từ hành vi trái pháp luật (hay hành vi không được pháp luật cho phép) của người thi hành công vụ trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Nhà nước giao. Ở đây, người làm phát sinh trách nhiệm bồi thường (người thi hành công vụ) và người chịu trách nhiệm bồi thường (Nhà nước thông qua các cơ quan của mình) là hai chủ thể khác nhau. Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là trách nhiệm xuất phát từ hành vi của người thi hành công vụ.[1]

Bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra được quy định tại Điều 598 Bộ luật Dân sự năm 2015 thuộc phần quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nên về bản chất, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cũng là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự thì trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có đủ các điều kiện sau: Có thiệt hại xảy ra; có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại; có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại. Đây là những điều kiện chung nhất để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Cụ thể trong trường hợp trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, khoản 1 Điều 7 Luật TNBTCNN năm 2017 quy định Nhà nước có trách nhiệm bồi thường khi có đủ các căn cứ sau đây:

– Có một trong các căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật TNBTCNN năm 2017.

– Có thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2017;

– Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại.

Như vậy, chỉ khi có đầy đủ ba căn cứ nêu trên thì mới phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Chỉ cần thiếu một trong các căn cứ này thì Nhà nước không phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường theo Luật TNBTCNN.

III. Căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng

Căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại được quy định từ Điều 7 đến Điều 12 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017. Khoản 2 Điều 7 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017 (Luật TNBTCNN năm 2017) đã quy định cụ thể căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng, bao gồm:

3.1. Có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật TNBTCNN và có yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hoặc Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự giải quyết yêu cầu bồi thường.

Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường là văn bản đã có hiệu lực pháp luật do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định, trong đó xác định rõ hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ hoặc là bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định rõ người bị thiệt hại thuộc trường hợp được Nhà nước bồi thường. So với Luật TNBTCNN năm 2009, Luật TNBTCNN năm 2017 đã quy định cụ thể các văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong các hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án, cụ thể:

Trong hoạt động quản lý hành chính, Điều 8 Luật TNBTCNN năm 2017 quy định các văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính bao gồm: Bản án, quyết định của Tòa án có thẩm quyền xác định rõ hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ; Quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại chấp nhận một phần hoặc toàn bộ nội dung khiếu nại của người khiếu nại; Quyết định hủy, thu hồi, sửa đổi, bổ sung quyết định hành chính vì quyết định đó được ban hành trái pháp luật; Quyết định xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người thi hành công vụ bị tố cáo trên cơ sở kết luận nội dung tố cáo theo quy định của pháp luật về tố cáo; Quyết định xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người thi hành công vụ trên cơ sở kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra; Quyết định xử lý kỷ luật người thi hành công vụ do có hành vi trái pháp luật; Văn bản khác theo quy định của pháp luật đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 3 của Luật TNBTCNN năm 2017 định nghĩa về văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường.

Trong hoạt động tố tụng hình sự, Điều 9 Luật TNBTCNN năm 2017 quy định các văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự bao gồm: Bản án của Tòa án có thẩm quyền xác định rõ người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường; Quyết định của Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra xác định rõ người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường; văn bản khác theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 3 của Luật TNBTCNN năm 2017.

Trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, Điều 10 Luật TNBTCNN năm 2017 quy định các văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính bao gồm: Bản án, quyết định hình sự của Tòa án có thẩm quyền xác định người tiến hành tố tụng trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính phạm tội ra bản án trái pháp luật, tội ra quyết định trái pháp luật hoặc tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc; Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị cuối cùng của Chánh án Tòa án có thẩm quyền hoặc của Hội đồng xét xử theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, tố tụng hành chính xác định rõ hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; Quyết định đình chỉ điều tra của Cơ quan điều tra, quyết định đình chỉ vụ án của Viện kiểm sát, Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự đối với người tiến hành tố tụng trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính vì đã ra bản án, quyết định trái pháp luật hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc nhưng được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự; Quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo của Chánh án Tòa án có thẩm quyền xác định người tiến hành tố tụng trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính đã có hành vi ra bản án, quyết định trái pháp luật hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc và quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo đó xác định hành vi trái pháp luật của người ra bản án, quyết định có đủ căn cứ để xử lý kỷ luật hoặc xử lý trách nhiệm hình sự nhưng chưa bị xử lý thì người đó chết; Quyết định xử lý kỷ luật người tiến hành tố tụng trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính đã có hành vi ra bản án, quyết định trái pháp luật hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc; văn bản khác theo quy định của pháp luật đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 3 của Luật TNBTCNN năm 2017.

Trong hoạt động thi hành án hình sự, Điều 11 Luật TNBTCNN năm 2017 quy định các văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động thi hành án hình sự bao gồm: Bản án, quyết định của Tòa án có thẩm quyền xác định rõ hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ; Quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự chấp nhận một phần hoặc toàn bộ nội dung khiếu nại của người khiếu nại; Quyết định xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người thi hành công vụ bị tố cáo trên cơ sở kết luận nội dung tố cáo theo quy định của pháp luật về tố cáo;Quyết định xử lý kỷ luật người thi hành công vụ do có hành vi trái pháp luật; Văn bản khác theo quy định của pháp luật đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 3 của của Luật TNBTCNN năm 2017.

Trong hoạt động thi hành án dân sự, Điều 12 Luật TNBTCNN năm 2017 quy định các văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự bao gồm: Bản án, quyết định của Tòa án có thẩm quyền xác định rõ hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ; Quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự chấp nhận một phần hoặc toàn bộ nội dung khiếu nại của người khiếu nại; Quyết định hủy, thu hồi, sửa đổi, bổ sung quyết định về thi hành án vì quyết định đó được ban hành trái pháp luật; Quyết định xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người thi hành công vụ bị tố cáo trên cơ sở kết luận nội dung tố cáo theo quy định của pháp luật về tố cáo; Văn bản của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền trả lời chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự; Quyết định xử lý kỷ luật người thi hành công vụ do có hành vi trái pháp luật; Văn bản khác theo quy định của pháp luật đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 3 của Luật TNBTCNN năm 2017.

Sau đây, nhóm học viên xin đưa ra một ví dụ về căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước như sau: Theo hồ sơ vụ án, tối 18/10/1981, tại xã Ninh Giang (nay là phường Ninh Giang, thuộc thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) xảy ra vụ Chủ tịch UBND xã này bị bắn chết. Ngày 18/12/1981, Công an tỉnh Phú Khánh khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với ông Huỳnh Chiếm Phái và ông Trần Bê (67 tuổi) về tội Giết người vì liên quan đến vụ án trên. Sau hơn 13 tháng bị tạm giam, đến ngày 02/02/1983, ông Phái được VKSND tỉnh này ra lệnh tạm tha với lý do “Xét thấy bị can tuổi già, sức khỏe bị sút kém nên không cần thiết phải giam giữ tiếp”. Ngày 25/9/1984, VKSND tỉnh Phú Khánh có quyết định đình chỉ điều tra tội Giết người đối với ông Huỳnh Chiếm Phái và ông Trần Bê vì không đủ căn cứ buộc tội. Khi còn sống, ông Huỳnh Chiếm Phái liên tục kêu oan, yêu cầu trả lại danh dự nhưng không cơ quan tố tụng nào giải quyết. Sau đó, ông Phái ủy quyền cho con trai là ông Hoạnh gửi đơn yêu cầu bồi thường oan sai nhưng cũng không cơ quan nào giải quyết. Để đòi lại công bằng, ông Hoạnh khởi kiện ra Tòa án nhân dân thị xã Ninh Hòa, yêu cầu VKSND tỉnh bồi thường nhưng tòa phản hồi “để VKSND tỉnh giải quyết hành chính”[2]. Căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại trong trường hợp này là quyết định đình chỉ điều tra của VKSND tỉnh Phú Khánh và yêu cầu bồi thường của ông Huỳnh Chiếm Phái.

3.2. Trường hợp giải quyết yêu cầu bồi thường kết hợp trong quá trình giải quyết vụ án hành chính tại Tòa án

Trường hợp giải quyết yêu cầu bồi thường kết hợp trong quá trình giải quyết vụ án hành chính tại Tòa án thì căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng được quy định như sau: Khi Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính đã xác định có hành vi trái pháp luật của người bị kiện là người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và người có yêu cầu bồi thường phải có yêu cầu bồi thường trước hoặc tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại.

3.3. Trường hợp giải quyết yêu cầu bồi thường kết hợp trong quá trình giải quyết vụ án hình sự tại Tòa án

Trường hợp giải quyết yêu cầu bồi thường kết hợp trong quá trình giải quyết vụ án hình sự tại Tòa án thì căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng được quy định như sau: Khi Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự đã xác định có hành vi trái pháp luật của bị cáo là người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự và người có yêu cầu bồi thường phải có yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.

IV. Thiệt hại thực tế thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Theo điểm b khoản 1 Điều 7 Luật TNBTCNN năm 2017 thì một trong những căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là phải có thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định của Luật TNBTCNN. Như vậy, các thiệt hại được bồi thường phải là các thiệt hại được quy định trong Luật TNBTCNN, các thiệt hại thực tế nhưng không được quy định trong Luật TNBTCNN hoặc thuộc trường hợp các thiệt hại Nhà nước không bồi thường theo Luật TNBTCNN thì cũng không làm phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

4.1. Các thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Thiệt hại được hiểu là sự giảm sút các lợi ích về tài sản hoặc lợi ích về nhân thân so với tình trạng hiện hữu hoặc sự giảm sút các lợi ích mà chủ thể bị thiệt hại sẽ và chắc chắn có được trong tương lai trong một điều kiện bình thường nếu không có việc gây thiệt hại xảy ra. Thiệt hại thực tế được hiểu là thiệt hại có thực mà người bị thiệt hại phải chịu do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra, bao gồm: (i) Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm; (ii) thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; (iii) thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết; (iv) thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm; (v) thiệt hại về tinh thần; (vi) các chi phí khác: chi phí thuê phòng nghỉ, chi phí đi lại, in ấn tài liệu, gửi đơn thư trong quá trình khiếu nại, tố cáo; chi phí thuê người bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại; chi phí đi lại để thăm gặp của thân nhân người bị tạp giữ, người bị tạm giam, người chấp hành án phạt tù về thi hành án hình sự.

Cách xác định thiệt hại và khoảng thời gian làm căn cứ xác định thiệt hại được quy định cụ thể từ Điều 23 đến Điều 28 Luật TNBTCNN năm 2017 và từ Điều 3 đến Điều 12 Nghị định số 68/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Dưới đây là một số ví dụ về các thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước:

– Ví dụ 1: Bà A bị Chi cục THADS huyện B kê biên trái pháp luật là 01 căn nhà đang cho thuê. Bà A đã không được trả lại tài sản vì căn nhà đã bị bán đấu giá và tài sản được giao cho bà C. Bà A đã có văn bản yêu cầu Chi cục THADS huyện B và yêu cầu bồi thường thiệt hại bao gồm: (1) thiệt hại là căn nhà bị bán đấu giá; (2) thiệt hại là thu nhập thực tế bị mất là tiền cho thuê nhà.

– Ví dụ 2: vụ việc ông C bị UBND xã D Quyết định xử vi phạm hành chính do vi phạm pháp luật đất đai. Ông C khiếu nại và được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận khi giải quyết khiếu nại lần 2. Ông C căn cứ quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 nêu trên để yêu cầu UBND xã D bồi thường. Một trong những thiệt hại mà ông C yêu cầu UBND xã D bồi thường thiệt hại là thu nhập bị mất do phải đi yêu cầu bồi thường do không đi làm được. Trong trường hợp giữa thiệt hại là thu nhập thực tế bị mất do thu nhập bị mất do phải đi yêu cầu bồi thường do không đi làm được với hành vi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND xã D do không đi làm được của ông C không có mối quan hệ với nhau.

4.2. Các thiệt hại Nhà nước không bồi thường

Theo quy định tại Điều 32 Luật TNBTCNN năm 2017, Nhà nước không bồi thường đối với các thiệt hại sau:

– Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại;

– Thiệt hại xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù người thi hành công vụ đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và trong khả năng cho phép;

– Thiệt hại xảy ra trong hoàn cảnh người thi hành công vụ muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây ra một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì thiệt hại được bồi thường là phần thiệt hại do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết.

Riêng trong hoạt động tố tụng hình sự, Nhà nước không bồi thường đối với các thiệt hại gồm: Thiệt hại xảy ra trong trường hợp người bị truy cứu trách nhiệm hình sự thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự; Thiệt hại xảy ra do người bị thiệt hại khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu, vật chứng sai sự thật để nhận tội thay cho người khác hoặc để che giấu tội phạm; Thiệt hại xảy ra do người có hành vi vi phạm pháp luật có dấu hiệu rõ ràng cấu thành tội phạm, bị khởi tố, truy tố trong vụ án hình sự được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại nhưng vụ án đã được đình chỉ do người bị hại đã rút yêu cầu khởi tố; Thiệt hại xảy ra do người bị khởi tố, truy tố, xét xử đúng với các văn bản quy phạm pháp luật tại thời điểm khởi tố, truy tố, xét xử nhưng tại thời điểm ra bản án, quyết định thì họ không phải chịu trách nhiệm hình sự theo các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành và có hiệu lực sau ngày khởi tố, truy tố, xét xử.

Riêng trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, Nhà nước không bồi thường thiệt hại xảy ra khi người thi hành công vụ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo đúng yêu cầu của người yêu cầu mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba. Người yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Riêng trong hoạt động thi hành án dân sự, Nhà nước không bồi thường thiệt hại xảy ra khi người thi hành công vụ áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo đúng yêu cầu của đương sự mà gây thiệt hại. Người yêu cầu chấp hành viên áp dụng biện pháp bảo đảm không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

Như vậy với các quy định như trên có thể thấy Luật TNBTCNN năm 2017 đã quy định rõ và cụ thể các thiệt hại thực tế thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các thiệt hại thực tế không thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, làm căn cứ để các cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, qua đó đảm bảo tốt hơn quyền lợi, lợi ích của người bị thiệt hại.

V. Mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại

Mối quan hệ nhân quả là mối quan hệ nội tại tất yếu giữa hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ và thiệt hại thực tế, hay nói cách khác, thiệt hại xảy ra là do chính kết quả trực tiếp, tất yếu của hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ, trong đó hành vi trái pháp luật xảy ra trước, dẫn đến thiệt hại là hệ quả đi liền sau hành vi.

Trong các tranh chấp bồi thường thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, mối quan hệ nhân quả là một vấn đề phức tạp, bởi lẽ một hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ có thể gây ra nhiều thiệt hại khác nhau như: thiệt hại do tài sản bị xâm phạm (Điều 23 Luật TNBTCNN), thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút (Điều 24 Luật TNBTCNN), thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết (Điều 25 Luật TNBTCNN), thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm (Điều 26 Luật TNBTCNN), thiệt hại về tinh thần (Điều 27 Luật TNBTCNN) và các chi phí khác (Điều 28 Luật TNBTCNN) phát sinh cũng được bồi thường. Ngoài ra, thiệt hại thực tế xảy ra có thể do tác động, ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau.

Do đó, trường hợp có hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra thiệt hại, thì cần làm rõ: hành vi đó có phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thiệt hại hay không. Cũng có nhiều trường hợp thiệt hại xảy ra lại là do một hành vi trái pháp luật khác xen vào chứ không phải do hành vi có chứa đựng khả năng thực tế làm phát sinh gây thiệt hại.

Ví dụ: A là Điều tra viên được phân công tiến hành điều tra vụ án đối với hành vi trộm cắp tài sản của B. Trong quá trình hỏi cung, A đã dùng tay đánh B bị thương tích nặng phải đi cấp cứu. Trên đường đi cấp cứu, B lại bị xe của C đâm phải gây chấn thương sọ não dẫn đến tử vong. Như vậy, tuy A có hành vi trái pháp luật khi thi hành công vụ chứa đựng khả năng gây thiệt hại đến tính mạng của B nhưng khả năng này chưa kịp phát huy thì hành vi trái pháp luật của C lại xen vào phá vỡ đi khả năng đó và tạo ra một quan hệ mới và trong quan hệ này thì hành vi trái pháp luật của C trực tiếp gây ra thiệt hại về tính mạng cho B.

Tóm lại, việc xác định mối quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả giữa hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ và thiệt hại xảy ra trong nhiều trường hợp cụ thể rất phức tạp và dễ dẫn đến những sai lầm. Vì vậy, khi xem xét mối quan hệ này cần hết sức thận trọng, phải thu thập đầy đủ các tài liệu và chứng cứ, đánh giá một cách toàn diện đối với vấn đề đang giải quyết để có thể đưa ra một kết luận chính xác, xác định đúng người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và trách nhiệm bồi thường đó đến đâu.

VI. Kết luận

Qua quá trình nghiên cứu và phân tích các quy định pháp luật hiện hành, có thể khẳng định rằng trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của công dân và tổ chức trước những hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ. Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước không chỉ đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong hoạt động quản lý nhà nước mà còn là nền tảng pháp lý vững chắc giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân khi quyền lợi của họ bị xâm phạm.

Việc xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại, thiệt hại thực tế thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, và mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi trái pháp luật là những yếu tố cơ bản và bắt buộc để phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Những điều kiện này được quy định rõ ràng trong Luật TNBTCNN năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, thể hiện sự nghiêm ngặt và cụ thể hóa trong việc áp dụng pháp luật. Chỉ khi tất cả các yếu tố trên được chứng minh rõ ràng và đầy đủ thì trách nhiệm bồi thường của Nhà nước mới thực sự được xác lập.

Ngoài ra, việc phân định rõ ràng các trường hợp Nhà nước không phải chịu trách nhiệm bồi thường đã giúp hạn chế tình trạng lạm dụng quyền yêu cầu bồi thường, đồng thời nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người thi hành công vụ. Việc này không chỉ góp phần bảo vệ tài sản và lợi ích công cộng mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của hệ thống pháp luật trong bối cảnh hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Tóm lại, các quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là biểu hiện rõ nét của sự cam kết trong việc đảm bảo công lý và sự công bằng trong xã hội. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng lòng tin của người dân vào sự công bằng và minh bạch của pháp luật, góp phần xây dựng một xã hội pháp quyền, nơi mà mọi hành vi trái pháp luật đều được xử lý một cách nghiêm minh và có trách nhiệm. Việc hiểu rõ và tuân thủ các quy định này không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là nghĩa vụ của mọi công dân trong việc duy trì và bảo vệ hệ thống pháp luật quốc gia.


[1] Đỗ Văn Đại, Nguyễn Trương Tín (2014), Pháp luật Việt Nam về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, NXB Chính trị quốc gia, trang 16, 17.

[2] https://dantri.com.vn/xa-hoi/oan-sai-43-nam-vi-nghi-ban-chet-chu-tich-xa-nhan-boi-thuong-16-ty-dong-20240307151054705.htm, truy cập ngày 10/10/2024.

5/5 - (1 bình chọn)