Hotline:
Ngày nay, khi mà “tấc đất tấc vàng” thì hiện tượng lấn chiếm đất xảy ra thường xuyên hơn và các tranh chấp có liên quan cũng phát sinh nhiều hơn. Pháp luật Việt Nam quy định về vấn đề này như thế nào? Cách thức xử lý khi bị lấn chiếm đất?
Như thế nào là hành vi lấn chiếm đất?
Lấn đất là gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ thì lấn đất là việc chuyển dịch mốc giới, ranh giới của thửa đất để mở rộng diện tích đất của mình mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về quản lý đất đai cho phép hoặc không được người sử dụng đất hợp pháp bị lấn cho phép.
Chiếm đất là gì?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 04/2022/NĐ-CP) của Chính phủ thì chiếm đất là việc sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Tự ý sử dụng đất mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về quản lý đất đai cho phép;
– Tự ý sử dụng đất thuộc quyền quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó đồng ý;
– Sử dụng đất thông qua hình thức được giao đất hoặc cho thuê đất, đã hết thời hạn sử dụng đất mà không được Nhà nước gia hạn, đã có quyết định thu hồi đất nhưng người sử dụng đất không chấp hành (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất nông nghiệp);
– Sử dụng đất trên thực tế nhưng chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp về lấn, chiếm đất
Sau khi thực hiện thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã nơi có đất mà hòa giải không thành thì bên yêu cầu đòi lại đất có quyền nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại cơ quan có thẩm quyền, cụ thể như sau:
1/ Đối với tranh chấp đòi lại đất mà đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ sau thì Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất là cơ quan có thẩm quyền giải quyết:
– Những giấy tờ về quyền sử dụng đất được cơ quan có thẩm quyền cấp trước ngày 15/10/1993 trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam;
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp trước ngày 15/10/1993 hoặc có tên trong sổ đăng ký ruộng đất, sổ địa chính trước ngày 15/10/1993;
– Giấy tờ hợp pháp được thừa kế hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất;
– Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất trước ngày 15/10/1993 và được Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15/10/1993;
– Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất.
– Các loại giấy tờ khác về quyền sử dụng đất được xác lập trước ngày 15/10/1993 theo quy định của Chính phủ.
– Chủ đất có một trong các loại giấy tờ nêu trên, trên giấy tờ đó ghi tên chủ sử dụng đất là người khác nhưng có kèm theo giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ người đó sang cho chủ đất, đến trước ngày 01/07/2014 vẫn chưa thực hiện thủ tục đăng ký chuyển quyền sử dụng đất.
– Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật hoặc quyết định thi hành án, văn bản công nhận kết quả hòa giải thành, quyết định giải quyết tranh chấp, quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai đã được thi hành.
2/ Đối với tranh chấp đòi lại đất mà đất chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các giấy tờ nêu trên thì người yêu cầu đòi lại đất có thể lựa chọn khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất hoặc nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND cấp huyện nơi có đất.
Đường lối giải quyết tranh chấp về lấn, chiếm đất
Khi giải quyết các tranh chấp đòi lại quyền sử dụng đất do bị lấn chiếm, cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp sẽ xác định các vấn đề sau:
– Xác định diện tích đất mà mỗi bên được sử dụng hợp pháp thông qua các tài liệu sau: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ sách địa chính, sổ đăng ký ruộng đất, sổ mục kê, bản đồ địa chính; hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho hoặc giấy tờ về thừa kế quyền sử dụng đất; các tài liệu thể hiện tứ cận, mốc giới của thửa đất; …
– Xác định diện tích đất thực tế mà mỗi bên đang sử dụng thông qua việc yêu cầu các cơ quan chuyên môn đo đạc lại diện tích đất trên thực tế.
– Từ đó, xác định có việc các bên lấn chiếm đất của nhau hay không. Chỉ khi nào xác định chính xác các số liệu nêu trên thì mới có khả năng giải quyết đúng việc tranh chấp.
– Trường hợp trên phần đất bị lấn chiếm đã được bên lấn chiếm xây nhà kiên cố thì nếu phần xây dựng có khả năng đập bỏ mà không gây ảnh hưởng đến các phần xây dựng khác thì sẽ bị buộc phải tháo dỡ, nếu việc tháo dỡ phần xây dựng không thể thực hiện được hoặc nếu thực hiện sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng đến các tài sản khác của các bên thì bên lấn chiếm đất phải thanh toán lại cho bên bị lấn chiếm một khoản tiền tương đương với giá trị của phần đất bị lấn chiếm theo giá thị trường tại thời điểm giải quyết tranh chấp hoặc thanh toán theo thỏa thuận giữa các bên.
Lấn chiếm đất bị xử phạt như thế nào?
Theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 04/2022/NĐ-CP) của Chính phủ thì hành vi lấn chiếm đất sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:
1/ Lấn chiếm đất chưa sử dụng tại khu vực nông thôn
– Phạt tiền từ 2 triệu đến 3 triệu đối với diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,05 ha;
– Phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,05 ha đến dưới 0,1 ha;
– Phạt tiền từ 5 triệu đến 15 triệu đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,1 ha đến dưới 0,5 ha;
– Phạt tiền từ 15 triệu đến 30 triệu đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,5 ha đến dưới 01 ha;
– Phạt tiền từ 30 triệu đến 70 triệu đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 01 ha trở lên.
2/ Lấn chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn:
– Phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đối với diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,05 ha;
– Phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,05 ha đến dưới 0,1 ha;
– Phạt tiền từ 10 triệu đến 30 triệu đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,1 ha đến dưới 0,5 ha;
– Phạt tiền từ 30 triệu đến 50 triệu đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,5 ha đến dưới 01 ha;
– Phạt tiền từ 50 triệu đến 120 triệu đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 01 ha trở lên.
3/ Lấn, chiếm đất nông nghiệp là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn:
– Phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đối với diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,02 ha;
– Phạt tiền từ 5 triệu đến 7 triệu đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,02 ha đến dưới 0,05 ha;
– Phạt tiền từ 7 triệu đến 15 triệu đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,05 ha đến dưới 0,1 ha;
– Phạt tiền từ 15 triệu đến 40 triệu đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,1 ha đến dưới 0,5 ha;
– Phạt tiền từ 40 triệu đến 60 triệu đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,5 ha đến dưới 01 ha;
– Phạt tiền từ 60 triệu đến 150 triệu đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 01 ha trở lên.
4/ Lấn, chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn:
– Phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu nếu diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,05 ha;
– Phạt tiền từ 20 triệu đến 40 triệu nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 0,05 ha đến dưới 0,1 ha;
– Phạt tiền từ 40 triệu đến 100 triệu nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 0,1 ha đến dưới 0,5 ha;
– Phạt tiền từ 100 triệu đến 200 triệu nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 0,5 ha đến dưới 01 ha;
– Phạt tiền từ 200 triệu đến 500 triệu nếu diện tích đất lấn, chiếm từ 01 ha trở lên.
5. Lấn, chiếm đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị:
Mức phạt vi phạm hành chính gấp 02 lần mức xử phạt đối với loại đất tương ứng tại khu vực nông thôn, tối đa không quá 500 triệu đối với cá nhân và 1 tỷ đối với tổ chức.
* Các biện pháp khắc phục hậu quả:
Ngoài việc phải nộp phạt vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng thêm các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
1/ Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi xảy ra hành vi vi phạm và trả lại đất đã lấn, chiếm.
2/ Buộc kê khai đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật trong trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất và các trường hợp người đang sử dụng đất vi phạm được tạm thời sử dụng cho đến khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
3/ Buộc tiếp tục thực hiện thủ tục giao đất, thuê đất theo quy định của pháp luật đối với trường hợp người sử dụng đất nhưng chưa được Nhà nước giao đất, thuê đất.
4/ Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp mà tổ chức, cá nhân có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Lấn chiếm đất phạm tội gì?
Theo Điều 228 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về “Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai” thì hành vi lấn chiếm đất trái quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì tùy tính chất, mức độ phạm tội có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đến 500 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Nếu phạm tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai thuộc một trong các trường hợp sau đây thì sẽ bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 02 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
– Có tổ chức;
– Phạm tội 02 lần trở lên;
– Tái phạm nguy hiểm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.