Hotline:
Một trong những trường hợp thường gặp khi giải quyết vụ việc ly hôn là một bên vợ hoặc chồng không đồng ý ly hôn, không ký tên vào đơn xin ly hôn và không đến Tòa án để thực hiện thủ tục ly hôn. Bài viết này sẽ hướng dẫn người đọc cách để ly hôn đơn phương khi bên còn lại không đồng ý và không hợp tác trong việc ly hôn.
Cách ly hôn đơn phương khi một bên không đồng ý
Theo quy định tại Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành thì những người có quyền yêu cầu ly hôn gồm:
– Vợ, chồng.
– Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền nộp đơn yêu cầu giải quyết ly hôn nếu một bên vợ hoặc chồng bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời họ cũng là nạn nhân của bạo lực gia đình do chính người chồng hoặc vợ của họ gây ra, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe và tinh thần của họ.
Theo đó, trường hợp chỉ có một bên vợ hoặc chồng muốn ly hôn mà bên còn lại không đồng ý thì người vợ, chồng đó có quyền nộp đơn khởi kiện yêu cầu ly hôn đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu ly hôn. Trong đơn khởi kiện, người yêu cầu ly hôn phải cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh địa chỉ nơi cư trú của người còn lại để Tòa án tống đạt các thông báo, giấy mời của Tòa án cho họ.
Trường hợp Tòa án đã triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà người đó vẫn không có mặt tại Toà mà không phải do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa sẽ lập biên bản về việc không tiến hành hòa giải được và đưa vụ án ra xét xử. Tại phiên tòa, nếu người đó cố tình vắng mặt đến lần thứ hai thì Tòa án sẽ xét xử vắng mặt người đó.
Ngoại lệ:
Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Căn cứ ly hôn đơn phương
Theo quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình hiện hành thì một bên vợ chồng có quyền đơn phương xin ly hôn nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
– Người còn lại có hành vi bạo lực gia đình hoặc hành vi khác vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng theo quy định của pháp luật.
– Đời sống hôn nhân của vợ chồng đã lâm vào tình trạng trầm trọng, không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Ngoài ra, vợ hoặc chồng của một người đã bị Tòa án tuyên bố là mất tích muốn ly hôn thì cũng có quyền nộp hồ sơ đơn phương xin ly hôn.
Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác của một bên vợ hoặc chồng bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình nộp đơn yêu cầu giải quyết ly hôn của vợ chồng thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc bên còn lại có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người này.
Những trường hợp không được đơn phương ly hôn
Theo quy định tại khoản 3 Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì người chồng sẽ không được đơn phương ly hôn nếu người vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì nếu người chồng hoặc người vợ mất tích mà người còn lại muốn ly hôn thì trước khi nộp đơn ly hôn phải làm thủ tục yêu cầu Toà án tuyên bố người chồng hoặc vợ của mình mất tích. Sau khi có quyết định của Toà án tuyên bố chồng hoặc vợ mất tích thì mới được nộp đơn xin ly hôn.
Quyền nuôi con sau khi ly hôn
Sau khi ly hôn, bố mẹ vẫn có quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự, con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi bản thân.
Quyền trực tiếp nuôi con sau ly hôn được giải quyết như sau:
1. Nếu bố mẹ thỏa thuận được về người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì thực hiện theo thỏa thuận đó.
2. Nếu bố mẹ không thỏa thuận được về người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì giải quyết như sau:
– Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho người mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không có đủ điều kiện để trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
– Con từ 36 tháng tuổi đến dưới 07 tuổi: Tòa án căn cứ vào mức thu nhập, nơi ở ổn định, thời gian chăm sóc con của vợ, chồng để quyết định giao con cho một bên trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng.
– Con từ đủ 07 tuổi trở lên: Tòa án căn cứ vào nguyện vọng của con, mức thu nhập, nơi ở ổn định, thời gian chăm sóc con của vợ, chồng để quyết định giao con cho một bên trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng.
Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con tùy theo thu nhập của người không trực tiếp nuôi dưỡng và thỏa thuận giữa cha và mẹ.
Hồ sơ ly hôn đơn phương
Hồ sơ khởi kiện ly hôn bao gồm các giấy tờ sau:
1. Đơn khởi kiện ly hôn (theo mẫu), bao gồm các nội dung sau:
– Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện.
– Tên Tòa án có thẩm quyền giải quyết.
– Tên, địa chỉ, số điện thoại của vợ chồng.
– Về việc chấm dứt quan hệ hôn nhân: Vợ chồng có Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn không? Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn số bao nhiêu, do cơ quan nào cấp và được cấp vào năm nào? Nguyên nhân dẫn đến ly hôn (do ngoại tình, do mâu thuẫn trong cuộc sống, …), phát sinh từ lúc nào? Trước khi ly hôn, vợ chồng có sống ly thân không, nếu có thì từ khi nào?
– Về con chung (nếu có): Liệt kê thông tin về các con chung của vợ chồng gồm họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính; nêu yêu cầu của người nộp đơn về quyền nuôi dưỡng con chung và mức cấp dưỡng của người không trực tiếp nuôi con là bao nhiêu? Phương thức đưa tiền cấp dưỡng như thế nào (định kỳ hàng tháng, quý, …)
– Về tài sản chung (nếu có): Vợ chồng có những tài sản chung nào? Liệt kê các giấy tờ chứng minh như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ tiết kiệm, giấy đăng ký xe, … Yêu cầu chia tài sản như thế nào?
– Về nợ chung (nếu có): Vợ chồng có nợ tiền ai không hoặc có cho ai vay tiền không? Nêu cụ thể họ tên, địa chỉ của người đó, số tiền nợ cụ thể của từng người và nêu yêu cầu của người nộp đơn về việc giải quyết nợ chung.
– Chữ ký và họ tên của người khởi kiện ly hôn.
– Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo.
Các tài liệu kèm theo đơn xin ly hôn:
2. Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.
3. Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân, Hộ khẩu của vợ và chồng.
4. Giấy khai sinh của các con chung.
5. Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản chung (đối với các tài sản phải đăng ký quyền sở hữu).
6. Giấy tờ chứng minh nợ chung.
Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết ly hôn đơn phương?
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự hiện hành, Tòa án có thẩm quyền giải quyết thuận tình ly hôn là Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, nơi bị đơn cư trú. Bị đơn trong trường hợp này là bên vợ, chồng không nộp đơn khởi kiện ly hôn.
Ví dụ:
– Vợ chồng cùng cư trú tại Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh. Trường hợp này nếu người vợ muốn ly hôn đơn phương thì nộp hồ sơ tại Tòa án nhân dân Quận 3.
– Vợ cư trú tại Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh. Chồng cư trú tại Phường 3, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh. Nếu người vợ muốn đơn phương ly hôn thì nộp hồ sơ tại nơi cư trú của người chồng là Tòa án nhân dân Quận 5. Nếu người chồng muốn đơn phương ly hôn thì nộp hồ sơ tại nơi cư trú của người vợ là Tòa án nhân dân Quận 3.
Ly hôn đơn phương mất bao lâu?
Việc ly hôn đơn phương được Tòa án giải quyết theo trình tự, thủ tục của một vụ án dân sự, gồm các giai đoạn: Nộp đơn khởi kiện, nộp án phí và thụ lý, chuẩn bị xét xử, mở phiên tòa xét xử.
Thời gian xử lý một vụ ly hôn đơn phương thường không giống nhau, tùy thuộc vào độ phức tạp và số lượng vấn đề cần giải quyết của từng vụ án, thông thường kéo dài khoảng từ 04-06 tháng hoặc lâu hơn.
Phí ly hôn đơn phương
Khác với ly hôn thuận tình, việc ly hôn đơn phương sẽ phức tạp hơn do có một bên không chịu ly hôn hoặc mặc dù đồng ý ly hôn nhưng có tranh chấp về quyền nuôi con, tiền cấp dưỡng hoặc phổ biến nhất là tranh chấp về tài sản.
Vì vậy, phí đơn phương ly hôn sẽ rất khác nhau tuỳ thuộc vào nội dung tranh chấp cụ thể là gì. Ngoài ra, còn có thể phát sinh một số khoản chi phí liên quan đến xác minh địa chỉ nơi cư trú của bị đơn, xác minh tài sản, xác minh thu nhập, …
Thông thường, phí ly hôn đơn phương dao động từ khoảng 20 triệu đến 50 triệu một vụ việc. Nếu giá trị tài sản tranh chấp lớn, phí ly hôn đơn phương có thể lên đến vài trăm triệu hoặc hàng tỷ đồng.
Thủ tục ly hôn đơn phương nhanh nhất
Thủ tục đơn phương ly hôn trải qua các bước sau đây:
Nộp hồ sơ khởi kiện ly hôn
Người khởi kiện ly hôn chuẩn bị và nộp hồ sơ khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Hồ sơ khởi kiện có thể được nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi đến Tòa án qua đường bưu điện.
Nộp tạm ứng án phí và Tòa án thụ lý vụ án
Nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Tòa án sẽ ra thông báo về việc nộp tạm ứng án phí.
Người khởi kiện nộp tạm ứng án phí tại Cơ quan thi hành án. Sau khi nộp tạm ứng án phí, Cơ quan thi hành án phát hành biên lai thu tạm ứng án phí và gửi cho người khởi kiện. Người khởi kiện mang biên lai thu tạm ứng án phí quay lại nộp cho Tòa án.
Sau khi nhận được biên lai tạm ứng án phí, Tòa án ra thông báo về việc thụ lý vụ án ly hôn.
Giai đoạn chuẩn bị xét xử
Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án ly hôn, Tòa án sẽ thực hiện các công việc sau:
– Yêu cầu đương sự trình bày ý kiến, cung cấp tài liệu, chứng cứ.
– Xác minh tình tiết khách quan của vụ án.
– Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân khác cung cấp tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ án.
– Tổ chức phiên họp công khai chứng cứ và hòa giải.
– Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự
– Quyết định đình chỉ giải quyết nếu người khởi kiện rút đơn khởi kiện.
– Quyết định đưa ra xét xử vụ án ly hôn.
Xét xử sơ thẩm vụ án ly hôn.
Tại phiên tòa, nếu vợ chồng hòa giải đoàn tụ được với nhau thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.
Nếu vợ chồng vẫn quyết định ly hôn nhưng thỏa thuận được với nhau về quyền nuôi con, cấp dưỡng, chia tài sản chung và nợ chung thì Tòa án ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
Nếu hòa giải không thành và vợ chồng không thỏa thuận được với nhau về việc chia tài sản chung, quyền nuôi dưỡng con cái, cấp dưỡng, xử lý nợ chung thì Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.
Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.