Các trường hợp không phải bồi thường thiệt hại

Về nguyên tắc chung, người gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản hoặc lợi ích hợp pháp của người khác thì phải bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, pháp luật quy định trong một số trường hợp, người gây thiệt hại sẽ không có trách nhiệm bồi thường. Vậy đó là các trường hợp nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.

Các trường hợp không phải bồi thường thiệt hại 1
Về nguyên tắc chung, người gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản hoặc lợi ích hợp pháp của người khác thì phải bồi thường thiệt hại

Người gây thiệt hại không có lỗi

Để yêu cầu bồi thường thiệt hại, người bị thiệt hại phải chứng minh được lỗi của người gây ra thiệt hại. Lỗi của người gây thiệt hại trong trường hợp này có thể là lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý.

– Lỗi cố ý là trường hợp người gây thiệt hại nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra hoặc tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra.

– Lỗi vô ý là trường hợp người gây thiệt hại tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được hoặc người gây thiệt hại không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

Pháp luật quy định trong một số trường hợp sau, người gây thiệt hại sẽ được xem là không có lỗi:

– Gây thiệt hại do sự kiện bất ngờ, người gây thiệt hại không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó. Ví dụ: Người tài xế đang lái xe đúng làn đường, đúng tốc độ, đúng quy định của pháp luật thì có một người đi bộ phóng ra chặn trước đầu xe làm người tài xế xe không phanh xe lại kịp nên gây tai nạn.

– Gây thiệt hại trong trường hợp phòng vệ chính đáng. Phòng vệ chính đáng là trường hợp người gây thiệt hại vì muốn bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà có hành vi chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích này.

– Gây thiệt hại trong trường hợp tình thế cấp thiết. Tình thế cấp thiết là trường hợp người gây thiệt hại vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây ra một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn.

– Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội. Hành vi của người vì để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà họ không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây ra thiệt hại cho người bị bắt giữ thì họ cũng không phải bồi thường cho người bị bắt giữ.

Riêng đối với trường hợp thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thì chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại ngay cả khi họ không có lỗi.

Thiệt hại phát sinh do sự kiện bất khả kháng

Các trường hợp không phải bồi thường thiệt hại 3
Pháp luật quy định trong một số trường hợp, người gây thiệt hại sẽ không phải bồi thường

Sự kiện bất khả kháng được hiểu là sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù bên vi phạm đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép của mình.

Ví dụ về sự kiện bất khả kháng: Thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh, dịch bệnh, … nằm ngoài khả năng dự đoán của các chủ thể liên quan.

Theo đó, để một sự kiện được xem là bất khả kháng thì sự kiện đó phải đáp ứng tất cả các điều kiện sau đây:

– Sự việc xảy ra một cách khách quan. Một sự kiện được xem là xảy ra một cách khách quan khi sự kiện đó xảy ra không theo ý chí của bất kỳ bên nào. Nói cách khác, sự kiện đó không do các bên tạo ra hoặc không phát sinh do lỗi chủ quan của các bên.

– Không thể lường trước được. Một sự kiện được xem là không thể lường trước được khi sự kiện đó xảy ra nằm ngoài khả năng dự đoán của các bên.

– Không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép. Sự kiện bất khả kháng phải là sự kiện mà bên vi phạm không thể khắc phục được mặc dù họ đã nỗ lực áp dụng mọi biện pháp cần thiết và trong khả năng cho phép của mình để khắc phục tác động của sự kiện đó đến việc gây ra thiệt hại.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng gây ra.

Thiệt hại phát sinh hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại

Theo quy định tại khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu thiệt hại phát sinh hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại. Trường hợp này cũng tương tự như trường hợp người gây thiệt hại không có lỗi nên họ không phải bồi thường.

Trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do lỗi hỗn hợp, tức là cả người gây thiệt hại và người bị thiệt hại đều cùng có lỗi trong việc gây ra thiệt hại thì người bị thiệt hại sẽ không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của họ gây ra. Trường hợp lỗi ngang nhau thì mỗi bên chịu 1/2 thiệt hại xảy ra.

Thiệt hại xảy ra do bên bị thiệt hại không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại

Bên bị thiệt hại có nghĩa vụ áp dụng các biện pháp cần thiết và hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại. Nếu họ không thực hiện nghĩa vụ này mà phát sinh thêm thiệt hại thì họ không được bồi thường đối với phần thiệt hại phát sinh thêm do họ không thực hiện các biện pháp ngăn chặn cần thiết và hợp lý. Quy định này của pháp luật nhằm góp phần hạn chế thiệt hại cho xã hội và đặt ra yêu cầu trách nhiệm của người bị thiệt hại đối với tài sản của mình.

Đã hết thời hiệu yêu cầu bồi thường thiệt hại

Thời hiệu khởi kiện tại Tòa án để yêu cầu bên gây thiệt hại bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người bị thiệt hại biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Nếu hết thời hạn này mà người bị thiệt hại không khởi kiện thì mất quyền khởi kiện.

Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.

Vui lòng cho chúng tôi đánh giá để cải thiện bài viết nhé <3