Các phương pháp định giá thương hiệu

Thương hiệu là một tài sản có giá trị lớn đối với doanh nghiệp. Trong nhiều trường hợp, việc định giá thương hiệu là cần thiết để phục vụ cho hoạt động góp vốn kinh doanh, mua bán doanh nghiệp, chuyển nhượng hoặc li-xăng nhãn hiệu, hoạt động tố tụng của Tòa án trong giải quyết tranh chấp về nhãn hiệu hoặc giải quyết thủ tục phá sản doanh nghiệp, … Vậy, có bao nhiêu phương pháp để định giá thương hiệu và cách thức thực hiện của mỗi phương pháp như thế nào?

Các phương pháp định giá thương hiệu 1
Định giá thương hiệu là cần thiết cho hoạt động kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp

Định giá thương hiệu là gì?

Thẩm định giá thương hiệu là việc xác định giá trị bằng tiền của thương hiệu đó trên thị trường tại một địa điểm và thời điểm nhất định, phục vụ cho mục đích nhất định và được thực hiện theo tiêu chuẩn thẩm định giá.

Các trường hợp cần định giá thương hiệu?

Thương hiệu được định giá trong các trường hợp cụ thể sau:

– Kiểm kê, xác định tài sản của doanh nghiệp.

– Góp vốn kinh doanh bằng thương hiệu hoặc tham gia vào việc chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, mua bán doanh nghiệp.

– Sử dụng thương hiệu làm tài sản bảo đảm để vay vốn tại các tổ chức tín dụng.

– Chuyển nhượng hoặc chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu.

– Phục vụ cho hoạt động giải quyết tranh chấp của các cơ quan tiến hành tố tụng.

– Xác định giá trị của thương hiệu để thanh lý trong trường hợp doanh nghiệp bị giải thể hoặc phá sản.

– Xác định các biện pháp và chi phí để bảo vệ thương hiệu (đăng ký, gia hạn hiệu lực, …)

Pháp luật về định giá thương hiệu

Các quy định của pháp luật về định giá thương hiệu nằm rải rác ở văn bản sau đây: Luật Giá, các nghị định hướng dẫn Luật Giá về thẩm định giá, hệ thống các tiêu chuẩn thẩm định giá của Việt Nam, …

Theo đó, Tiêu chuẩn thẩm định giá số 13 về thẩm định giá tài sản vô hình được ban hành theo Thông tư số 06/2014/TT-BTC ngày 07/01/2014 của Bộ Tài chính được coi là văn bản quan trọng nhất vì nó quy định về các cách tiếp cận trong việc xác định giá trị tài sản trí tuệ nói chung và thương hiệu nói riêng. Trong mỗi cách tiếp cận như vậy lại bao gồm nhiều phương pháp định giá khác nhau.

Dịch vụ định giá thương hiệu là dịch vụ kinh doanh có điều kiện. Các tổ chức muốn cung cấp dịch vụ thẩm định giá phải đáp ứng các điều kiện về thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam. Ngoài ra, các thẩm định viên về giá cũng phải đáp ứng các điều kiện hành nghề và tuân thủ các quy tắc đạo đức hành nghề trong quá trình thẩm định giá tài sản.

Các phương pháp định giá thương hiệu

Các phương pháp định giá thương hiệu được quy định cụ thể tại Tiêu chuẩn thẩm định giá số 13 về thẩm định giá tài sản vô hình được ban hành kèm theo Thông tư số 06/2014/TT-BTC ngày 07/01/2014 của Bộ Tài chính.

Theo đó, các cách tiếp cận trong thẩm định giá thương hiệu bao gồm: cách tiếp cận từ thị trường, cách tiếp cận từ chi phí và cách tiếp cận từ thu nhập. Trong mỗi cách tiếp cận lại bao gồm nhiều phương pháp định giá khác nhau. Căn cứ vào thời điểm thẩm định giá, mục đích thẩm định giá, các thông tin và số liệu về tài sản cần thẩm định giá có thể thu thập được mà thẩm định viên sẽ lựa chọn cách tiếp cận thẩm định giá phù hợp nhất.

Các phương pháp định giá thương hiệu 3
Các phương pháp định giá thương hiệu được quy định cụ thể tại Tiêu chuẩn thẩm định giá số 13 của Bộ Tài chính
Cách tiếp cận từ thị trường:

Giá trị của tài sản trí tuệ cần thẩm định giá được xác định căn cứ vào việc so sánh, phân tích thông tin của các tài sản vô hình tương tự có giá giao dịch trên thị trường. Thẩm định viên sử dụng ít nhất 03 tài sản trí tuệ tương tự để so sánh. Phương pháp này cũng có thể sử dụng bổ sung cho các phương pháp khác.

Ưu điểm của phương pháp này là sử dụng dữ liệu, thông tin của thị trường nên kết quả định giá được xem là tốt nhất. Nhược điểm của phương pháp này là mỗi giao dịch tài sản trí tuệ là duy nhất nên hầu như khó gặp được một thỏa thuận tương tự để có thể làm căn cứ cho việc thẩm định giá.

Cách tiếp cận từ chi phí:

Cách tiếp cận từ chi phí ước tính giá trị quyền sở hữu trí tuệ căn cứ vào chi phí tái tạo ra quyền sở hữu trí tuệ giống nguyên mẫu với tài sản cần thẩm định giá hoặc chi phí thay thế để tạo ra một tài sản trí tuệ tương tự có cùng chức năng, công dụng theo giá thị trường hiện hành.

Giá trị ước tính của Tài sản trí tuệ = Chi phí tái tạo (Chi phí thay thế) – Hao mòn lũy kế + Lợi nhuận của nhà sản xuất (trong đó, lợi nhuận của nhà sản xuất được xác định thông qua biện pháp so sánh, điều tra, khảo sát).

Cách tiếp cận từ chi phí gồm hai phương pháp chính là: Phương pháp chi phí tái tạo và phương pháp chi phí thay thế.

– Phương pháp chi phí tái tạo: Phương pháp chi phí tái tạo xác định giá trị của một quyền sở hữu trí tuệ thông qua việc tính toán chi phí tạo ra một tài sản khác tương đồng với quyền sở hữu trí tuệ cần thẩm định giá theo giá thị trường hiện hành.

– Phương pháp chi phí thay thế: Phương pháp chi phí thay thế xác định giá trị của một quyền sở hữu trí tuệ thông qua việc tính toán chi phí thay thế tài sản đó bằng một tài sản khác có chức năng, công dụng tương tự theo giá thị trường hiện hành.

Cách tiếp cận từ thu nhập

Cách tiếp cận từ thu nhập xác định giá trị của quyền sở hữu trí tuệ thông qua giá trị hiện tại của các khoản thu nhập, các dòng tiền và các chi phí tiết kiệm do quyền sở hữu trí tuệ mang lại. Phương pháp này tập trung vào nguồn thu nhập ước tính mà chủ thể quyền sở hữu trí tuệ mong muốn nhận được trong thời gian hiệu lực của quyền sở hữu trí tuệ. Cách tiếp cận từ thu nhập gồm ba phương pháp chính là: phương pháp tiền sử dụng quyền sở hữu trí tuệ, phương pháp lợi nhuận vượt trội, phương pháp thu nhập tăng thêm.

– Phương pháp tiền sử dụng quyền sở hữu trí tuệ:

Giá trị của quyền sở hữu trí tuệ được tính toán trên cơ sở giá trị hiện tại của dòng tiền sử dụng quyền sở hữu trí tuệ mà tổ chức, cá nhân nhận được khi cho phép sử dụng quyền sở hữu trí tuệ. Phương pháp này đặt ra giả định rằng tổ chức hoặc cá nhân không sở hữu quyền sở hữu trí tuệ phải trả tiền để sử dụng nó. Vì vậy, phương pháp này tính giá trị quyền sở hữu trí tuệ thông qua việc tính các khoản tiền sử dụng quyền sở hữu trí tuệ tiết kiệm được nếu tổ chức hoặc cá nhân đó sở hữu quyền sở hữu trí tuệ. Phương pháp này được thực hiện bằng cách chiết khấu dòng tiền trong tương lai là khoản tiền sử dụng quyền sở hữu trí tuệ tiết kiệm được đã trừ thuế (nếu có).

– Phương pháp lợi nhuận vượt trội:

Phương pháp này xác định giá trị của quyền sở hữu trí tuệ trên cơ sở chênh lệch giữa các khoản lợi nhuận có được của một doanh nghiệp khi sử dụng và khi không sử dụng tài sản trí tuệ này. Trong phương pháp lợi nhuận vượt trội, giá trị quyền sở hữu trí tuệ được ước tính trên cơ sở chênh lệch của giá trị hiện tại của hai dòng tiền chiết khấu trong trường hợp quyền sở hữu trí tuệ cần thẩm định giá được sử dụng để tạo ra thu nhập vượt trội cho chủ thể và trong trường hợp chủ thể không sử dụng quyền sở hữu trí tuệ cần thẩm định giá.

– Phương pháp thu nhập tăng thêm:

Phương pháp này xác định giá trị của tài sản trí tuệ thông qua giá trị hiện tại của các dòng tiền được cho là phát sinh từ đóng góp của tài sản trí tuệ cần thẩm định giá sau khi loại trừ tỷ lệ dòng tiền phát sinh từ đóng góp của các tài sản khác (tài sản hữu hình, tài sản tài chính).

Hồ sơ định giá thương hiệu

Hồ sơ yêu cầu thẩm định giá thương hiệu bao gồm các giấy tờ sau:

– Văn bản yêu cầu thẩm định giá.

– Văn bằng bảo hộ đối với các quyền sở hữu trí tuệ được xác lập trên cơ sở đăng ký hoặc tài liệu chứng minh quyền sở hữu đối với các loại quyền sở hữu trí tuệ không phải đăng ký.

– Các tài liệu khác có liên quan đến đối tượng thẩm định giá.

Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.

5/5 - (2 bình chọn)