Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ biểu hiện qua rất nhiều hành vi cụ thể, tùy theo từng đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ. Những hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được quy định cụ thể tại Luật Sở hữu trí tuệ và trong các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ 1
Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ biểu hiện qua rất nhiều hành vi cụ thể, tùy theo từng đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ

Hành vi xâm phạm quyền tác giả

Theo quy định tại Điều 28 của Luật Sở hữu trí tuệ thì các hành vi xâm phạm quyền tác giả bao gồm:

– Chiếm đoạt quyền tác giả.

– Mạo danh của tác giả.

– Công bố, phân phối tác phẩm mà không được sự cho phép của tác giả.

– Công bố, phân phối tác phẩm có đồng tác giả mà không được sự cho phép của đồng tác giả đó.

– Sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm gây phương hại đến danh dự, uy tín của tác giả.

– Sao chép tác phẩm mà không được sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, trừ các trường hợp ngoại lệ theo quy định của pháp luật.

– Làm tác phẩm phái sinh từ tác phẩm mà không được sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm đó, trừ các trường hợp ngoại lệ theo quy định của pháp luật.

– Sử dụng tác phẩm mà không được sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, không trả tiền nhuận bút, thù lao, trừ các trường hợp ngoại lệ theo quy định của pháp luật.

– Cho thuê tác phẩm mà không trả tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

– Nhân bản, sản xuất bản sao, trưng bày, phân phối, truyền đạt tác phẩm đến công chúng thông qua mạng truyền thông hoặc các phương tiện kỹ thuật số khác mà không được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

– Xuất bản tác phẩm mà không được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

– Cố ý hủy bỏ, vô hiệu hóa các biện pháp kỹ thuật – công nghệ do chủ sở hữu quyền tác giả áp dụng trên tác phẩm để bảo vệ quyền tác giả của mình.

– Cố ý xóa, thay đổi thông tin về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm.

– Sản xuất, biến đổi, lắp ráp, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc phải biết thiết bị đó làm vô hiệu hóa các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả của mình.

– Làm và bán tác phẩm mà trong đó chữ ký của tác giả đã bị giả mạo.

– Xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối bản sao tác phẩm mà không được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

Hành vi xâm phạm các quyền liên quan đến quyền tác giả

Theo quy định tại Điều 35 của Luật Sở hữu trí tuệ thì các hành vi xâm phạm quyền liên quan đến quyền tác giả bao gồm:

– Chiếm đoạt quyền của người biểu diễn, tổ chức phát sóng hoặc nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình.

– Mạo danh của người biểu diễn, tổ chức phát sóng hoặc nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình.

– Công bố, sản xuất hoặc phân phối cuộc biểu diễn, chương trình phát sóng, bản ghi âm, ghi hình mà không được sự cho phép của người biểu diễn, tổ chức phát sóng, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình.

– Sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc cuộc biểu diễn gây phương hại đến danh dự, uy tín của người biểu diễn.

– Sao chép, trích ghép cuộc biểu diễn, chương trình phát sóng, bản ghi âm, ghi hình mà không được sự cho phép của người biểu diễn, tổ chức phát sóng, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình.

– Dỡ bỏ, thay đổi thông tin quản lý quyền sở hữu trí tuệ dưới hình thức điện tử mà không được sự cho phép của chủ sở hữu quyền liên quan.

– Cố ý hủy bỏ, vô hiệu hóa các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền liên quan thực hiện để bảo vệ quyền của mình.

– Phát sóng, phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng cuộc biểu diễn, bản sao cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình khi biết hoặc có cơ sở để biết thông tin quản lý quyền sở hữu trí tuệ dưới hình thức điện tử đã bị dỡ bỏ, thay đổi mà không được sự cho phép của chủ sở hữu quyền liên quan.

– Sản xuất, biến đổi, lắp ráp, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán, cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó giải mã trái phép một tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.

– Cố ý thu, phân phối một tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa khi tín hiệu đó được giải mã mà không được sự cho phép của người phân phối hợp pháp.

Hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn

Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ 3
Sử dụng sáng chế được bảo hộ mà không được sự cho phép của chủ sở hữu sáng chế là hành vi xâm phạm

Theo quy định tại Điều 126 của Luật Sở hữu trí tuệ thì các hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí bao gồm:

– Sử dụng sáng chế được bảo hộ mà không được sự cho phép của chủ sở hữu sáng chế

– Sử dụng kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ hoặc không khác biệt đáng kể với kiểu dáng đó mà không được sự cho phép của chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp.

– Sử dụng thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn được bảo hộ hoặc bất kỳ phần nào có tính nguyên gốc của thiết kế bố trí đó mà không được sự cho phép của chủ sở hữu.

– Sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền sử dụng tạm thời.

Hành vi xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh

Theo quy định tại Điều 127 của Luật Sở hữu trí tuệ thì các hành vi xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh bao gồm:

– Tiếp cận, thu thập bí mật kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người kiểm soát hợp pháp bí mật kinh doanh.

– Bộc lộ, sử dụng bí mật kinh doanh mà không được sự cho phép của chủ sở hữu bí mật kinh doanh.

– Vi phạm hợp đồng bảo mật, lừa gạt, mua chuộc, ép buộc, xui khiến, dụ dỗ, lợi dụng lòng tin của người có nghĩa vụ bảo mật nhằm tiếp cận, thu thập, bộc lộ bí mật kinh doanh.

– Tiếp cận, thu thập bí mật kinh doanh của người nộp đơn xin cấp phép kinh doanh hoặc lưu hành sản phẩm bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

– Sử dụng, bộc lộ bí mật kinh doanh dù đã biết hoặc phải biết bí mật kinh doanh đó do người khác thu thập được thông qua hành vi xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh.

– Không thực hiện nghĩa vụ bảo mật theo quy định của pháp luật.

Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu

Theo quy định tại khoản 1 Điều 129 của Luật Sở hữu trí tuệ thì các hành vi sau đây bị xem là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu nếu được thực hiện mà không được sự cho phép của chủ sở hữu nhãn hiệu:

– Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ và danh mục hàng hóa, dịch vụ trùng với danh mục hàng hóa, dịch vụ kèm theo nhãn hiệu đó.

– Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ; danh mục hàng hóa, dịch vụ tương tự với danh mục hàng hóa, dịch vụ kèm theo nhãn hiệu đó và việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ.

– Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ; danh mục hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự với danh mục hàng hóa, dịch vụ kèm theo nhãn hiệu đó và việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ.

– Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hóa, dịch vụ bất kỳ và việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ.

Hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương mại

Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ 5
Hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Theo quy định tại khoản 2 Điều 129 của Luật Sở hữu trí tuệ thì hành vi được xem là xâm phạm quyền đối với tên thương mại là hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự.

Hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý

Theo quy định tại khoản 3 Điều 129 của Luật Sở hữu trí tuệ thì các hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý bao gồm:

– Sử dụng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm không đáp ứng các tiêu chuẩn đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.

– Sử dụng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tương tự với sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý nhằm lợi dụng danh tiếng và uy tín của chỉ dẫn địa lý.

– Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm không có nguồn gốc từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó.

Hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Theo quy định tại khoản 1 Điều 130 của Luật Sở hữu trí tuệ thì các hành vi cạnh tranh không lành mạnh vi phạm quyền sở hữu trí tuệ bao gồm:

– Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về chủ thể, hoạt động kinh doanh hoặc nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ.

– Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về xuất xứ, tính năng, cách sản xuất, chất lượng, số lượng, điều kiện cung cấp hoặc đặc điểm khác của hàng hóa, dịch vụ.

– Sử dụng nhãn hiệu đang được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế mà Việt Nam cũng là thành viên có quy định cấm người đại diện, đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu đó khi không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu và không có lý do chính đáng.

– Đăng ký, chiếm giữ, sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại của người khác, chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng, gây thiệt hại cho uy tín và danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng.

Hành vi xâm phạm quyền đối với giống cây trồng

Theo quy định tại Điều 188 của Luật Sở hữu trí tuệ thì các hành vi xâm phạm quyền đối với giống cây trồng bao gồm:

– Khai thác, sử dụng các quyền đối với giống cây trồng mà không được sự cho phép của chủ sở hữu văn bằng bảo hộ.

– Sử dụng tên giống cây trồng trùng hoặc tương tự với tên của giống cây trồng cùng loài hoặc loài liên quan gần gũi đã được bảo hộ.

– Sử dụng giống cây trồng mà không trả tiền đền bù theo quy định của pháp luật.

Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.

Vui lòng cho chúng tôi đánh giá để cải thiện bài viết nhé <3