Bồi thường thiệt hại danh dự, nhân phẩm

Danh dự, nhân phẩm, uy tín là một trong những quyền nhân thân của mỗi cá nhân được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Thời gian qua, trên mạng xã hội lan truyền nhiều video có nội dung xúc phạm danh dự, uy tín của người khác. Việc xâm phạm danh dự, uy tín trong nhiều trường hợp còn gây ra những thiệt hại về vật chất cho nạn nhân.

Bồi thường thiệt hại danh dự, nhân phẩm 1
Danh dự, nhân phẩm, uy tín là một trong những quyền nhân thân của mỗi cá nhân được pháp luật tôn trọng và bảo vệ

Bồi thường về vật chất

Theo quy định tại khoản 1 Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015, người xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường các khoản tiền sau đây:

Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại

Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại gồm: Các chi phí thu hồi ấn phẩm; thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín; tiền đi lại; tiền nhà trọ; tiền thuê Luật sư; tiền sao chụp tài liệu; tiền in ấn; …

Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút
Đối với thu nhập bị mất do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm:

– Nếu trước khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, nạn nhân có thu nhập ổn định thì khoản thu nhập thực tế của nạn nhân là mức thu nhập của tháng liền kề trước khi người đó bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín nhân với khoảng thời gian phải dừng công việc do bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín.

– Trường hợp mức thu nhập của các tháng khác nhau thì khoản thu nhập thực tế của nạn nhân là mức thu nhập trung bình của 06 tháng liền kề trước khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm nhân với thời gian phải dừng công việc do bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín.

– Nếu nạn nhân đã ký kết hợp đồng công việc nhưng vì bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín dẫn đến bị chấm dứt hoặc hủy bỏ hợp đồng hoặc phải bồi thường thiệt hại hợp đồng thì các khoản tiền này được tính là thu nhập thực tế bị mất được bồi thường.

– Trường hợp nạn nhân không có thu nhập thực tế bị ảnh hưởng thì không được bồi thường.

Đối với thu nhập bị giảm sút:

– Xác định thu nhập thực tế của nạn nhân trước khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm (tương tự như trên).

– So sánh với thu nhập thực tế của nạn nhân trong thời gian bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín.

– Khoản tiền chênh lệch giữa thu nhập của nạn nhân trước khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm và thu nhập thực tế của nạn nhân trong thời gian bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín là phần thu nhập bị giảm sút được bồi thường.

Bồi thường thiệt hại danh dự, nhân phẩm 3
Việc xâm phạm danh dự, uy tín gây thiệt hại cho nạn nhân

Bồi thường tổn thất về tinh thần

Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm là khoản tiền được người vi phạm bù đắp trực tiếp cho nạn nhân. Mức độ tổn thất về tinh thần của nạn nhân phụ thuộc vào hình thức xâm phạm, mức độ ảnh hưởng của nạn nhân (chính trị gia, người nổi tiếng, doanh nhân, người bình thường, …), hành vi xâm phạm (lời nói, hành vi, đăng báo, đăng mạng xã hội, …), mức độ lan truyền của thông tin (chỉ có một vài người biết, phạm vi lan truyền ở một địa phương hay cả nước, thậm chí ra cả nước ngoài).

Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ quyết định nhưng tối đa không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.

5/5 - (2 bình chọn)