Thủ tục huỷ bỏ hiệu lực nhãn hiệu tại Việt Nam

Thủ tục huỷ bỏ hiệu lực nhãn hiệu tại Việt Nam như thế nào? Trong quá trình thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, không ít trường hợp nhãn hiệu được cấp văn bằng bảo hộ nhưng lại vi phạm quyền của bên thứ ba hoặc không đáp ứng đầy đủ điều kiện bảo hộ theo quy định pháp luật. Khi đó, cá nhân hoặc tổ chức có quyền yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ huỷ bỏ hiệu lực của nhãn hiệu đó

Thủ tục huỷ bỏ hiệu lực nhãn hiệu tại Việt Nam
Thủ tục huỷ bỏ hiệu lực nhãn hiệu tại Việt Nam 2

Huỷ bỏ hiệu lực nhãn hiệu là gì?

Hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu là thủ tục pháp lý nhằm chấm dứt hiệu lực pháp lý của văn bằng bảo hộ nhãn hiệu đã được cấp trước đó, do nhãn hiệu không đáp ứng các điều kiện bảo hộ hoặc do hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trong quá trình đăng ký nhãn hiệu.

Theo quy định tại Điều 96 của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, việc hủy bỏ hiệu lực có thể áp dụng một phần hoặc toàn bộ văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, tùy thuộc vào mức độ và phạm vi vi phạm hoặc lý do yêu cầu.

Hủy bỏ hiệu lực khác gì với chấm dứt hiệu lực?

Hủy bỏ hiệu lực:

  • Áp dụng khi nhãn hiệu bị phát hiện có sai sót trong quá trình cấp văn bằng (ví dụ: nhãn hiệu trùng với nhãn hiệu đã được cấp bằng trước đó hoặc nhãn hiệu không có khả năng phân biệt hoặc chủ sở hữu nhãn hiệu không trung thực khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu…). Việc huỷ bỏ hiệu lực có thể được yêu cầu bởi bên thứ ba hoặc tự cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện ra.
  • Khi nhãn hiệu bị huỷ bỏ hiệu lực, nhãn hiệu không phát sinh hiệu lực kể từ thời điểm văn bằng bảo hộ được cấp. Điều này có nghĩa là quyền sở hữu nhãn hiệu được xem như chưa từng tồn tại.

Chấm dứt hiệu lực:

  • Áp dụng khi chủ sở hữu không còn nhu cầu sử dụng nhãn hiệu, không nộp hồ sơ gia hạn theo quy định, không nộp phí gia hạn, hoặc không sử dụng nhãn hiệu trong 5 năm liên tục. Đây là hậu quả khách quan do hành vi của chính chủ sở hữu nhãn hiệu.
  • Khi nhãn hiệu bị chấm dứt hiệu lực, quyền sở hữu đối với nhãn hiệu chấm dứt kể từ thời điểm quyết định hoặc bản án tuyên chấm dứt hiệu lực có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ thời điểm văn bằng bảo hộ hết hạn.

Ai có quyền yêu cầu huỷ bỏ hiệu lực nhãn hiệu tại Việt Nam?

Theo quy định tại Điều 96 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2022), quyền yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu không chỉ giới hạn ở cơ quan nhà nước mà còn được mở rộng cho nhiều đối tượng có quyền lợi liên quan.

1. Cá nhân, tổ chức có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan

Bất kỳ tổ chức, cá nhân nào bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc có quyền lợi liên quan đến nhãn hiệu đang được bảo hộ đều có quyền nộp đơn yêu cầu hủy bỏ hiệu lực. Ví dụ:

  • Nhãn hiệu xâm phạm quyền đối với tên thương mại, quyền tác giả của chủ thể khác. Trường hợp này, nếu tên thương mại có bằng chứng sử dụng ổn định và rộng rãi trước thời điểm nộp đơn nhãn hiệu, doanh nghiệp hoàn toàn có quyền yêu cầu hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu đã được cấp sai. Tương tự, nếu một nhãn hiệu được đăng ký bao gồm hình ảnh, biểu tượng hoặc nội dung đã được bảo hộ quyền tác giả của người khác (như tranh vẽ, logo thiết kế, tác phẩm văn học…), thì chủ sở hữu quyền tác giả có thể yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ vì hành vi đăng ký không trung thực, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Việc xác lập quyền trước là yếu tố then chốt trong các tranh chấp này.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ

Cục Sở hữu trí tuệ (IP Vietnam) và các cơ quan chức năng có quyền chủ động hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ nếu phát hiện việc cấp văn bằng trái với các quy định của pháp luật. Việc này thường xảy ra trong quá trình kiểm tra, thanh tra hoặc khi có khiếu nại, phản ánh.

3. Tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp

Các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp được cấp phép hoạt động có thể đại diện cho khách hàng (theo giấy ủy quyền hợp pháp) để thực hiện việc nộp đơn yêu cầu hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu.

Hồ sơ yêu cầu huỷ bỏ hiệu lực nhãn hiệu gồm những gì?

Khi có căn cứ cho rằng một nhãn hiệu được cấp không đúng quy định hoặc vi phạm quyền của mình, tổ chức, cá nhân có thể nộp hồ sơ yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu. Một hồ sơ yêu cầu huỷ bỏ hiệu lực nhãn hiệu gồm các tài liệu sau:

1/ Tờ khai yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ theo mẫu do Cục Sở hữu trí tuệ ban hành.

2/ Chứng cứ chứng minh căn cứ yêu cầu hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu, ví dụ:

  • Bằng chứng về tên thương mại, quyền tác giả đã được xác lập trước nhãn hiệu.
  • Tài liệu thể hiện việc sử dụng tên thương mại, quyền tác giả trên thực tế: hợp đồng, hoá đơn, link URL, hình ảnh, video, báo chí, …
  • Bằng chứng về việc người được cấp văn bằng bảo hộ không có quyền đăng ký nhãn hiệu: hợp đồng đại lý, hợp đồng gia công, …
  • Bằng chứng chứng minh người được cấp văn bằng bảo hộ đã không trung thực khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu.
  • Văn bản trình bày chi tiết nội dung khiếu nại và phân tích sự trùng, tương tự gây nhẫm lẫn giữa các đối tượng đối chứng.
  • Giấy ủy quyền (trong trường hợp nộp hồ sơ thông qua đại diện sở hữu công nghiệp);
  • Chứng từ nộp phí và lệ phí theo quy định.

Thủ tục huỷ bỏ hiệu lực nhãn hiệu tại Việt Nam

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ hợp lệ, tổ chức hoặc cá nhân có quyền yêu cầu tiến hành thủ tục hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ (IP Vietnam) theo các bước sau:

Bước 1: Nộp đơn yêu cầu

Tổ chức, cá nhân hoặc đại diện sở hữu công nghiệp có thể nộp đơn yêu cầu hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu trực tiếp tại Cục Sở hữu trí tuệ (trụ sở chính tại Hà Nội) hoặc tại hai văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Việc nộp đơn đúng địa chỉ và đúng hình thức giúp tiết kiệm thời gian và hạn chế sai sót.

Bước 2: Thẩm định

Sau khi tiếp nhận đơn, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành kiểm tra tính đầy đủ và hợp lệ của hồ sơ trên phương diện hình thức.

Sau đó, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ xem xét, đánh giá tính pháp lý của các căn cứ mà người nộp đơn đưa ra để yêu cầu hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu. Đồng thời, Cục cũng thông báo cho chủ sở hữu văn bằng bị yêu cầu hủy bỏ để họ có quyền đưa ra ý kiến phản hồi, nộp tài liệu chứng minh để bảo vệ quyền lợi của mình.

Việc đánh giá thường căn cứ vào các yếu tố như quyền ưu tiên, tính trung thực khi đăng ký, khả năng phân biệt và hành vi xâm phạm quyền đối với bên thứ ba.

Bước 3: Ra quyết định

Sau khi hoàn tất quá trình thẩm định nội dung, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra văn bản thông báo kết quả giải quyết.

Nếu có đủ cơ sở pháp lý, Cục sẽ ban hành quyết định hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu. Trong trường hợp không có căn cứ rõ ràng, yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ sẽ bị từ chối. Tất cả quyết định liên quan sẽ được công bố công khai trên Công báo Sở hữu công nghiệp của Cục.

Bước 4: Khiếu nại hoặc khởi kiện (nếu cần)

Nếu không đồng ý với quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ, cả người yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu và chủ sở hữu nhãn hiệu đều có quyền khiếu nại theo thủ tục hành chính trong thời hạn luật định.

Trường hợp không muốn tiếp tục khiếu nại hành chính hoặc không hài lòng với kết quả khiếu nại, các bên có thể khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền để được giải quyết theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Kết quả xử lý và hậu quả pháp lý sau khi hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu

Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu bị huỷ bỏ một phần hoặc toàn bộ hiệu lực

Sau khi Cục Sở hữu trí tuệ hoàn tất việc thẩm định nội dung, kết quả xử lý sẽ được ban hành bằng văn bản dưới dạng quyết định hành chính. Nếu đơn yêu cầu hủy bỏ được chấp nhận, hiệu lực của văn bằng bảo hộ nhãn hiệu sẽ bị hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần, tùy theo mức độ và phạm vi sai phạm được xác định. Trong trường hợp hủy bỏ một phần, những nhóm hàng hóa, dịch vụ vi phạm hoặc không đủ điều kiện bảo hộ sẽ không còn được bảo hộ nữa, trong khi phần còn lại vẫn giữ hiệu lực.

Công bố và cập nhật thông tin trên hệ thống sở hữu trí tuệ

Kết quả hủy bỏ hiệu lực sẽ được công bố chính thức trên Công báo sở hữu công nghiệp và được cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về sở hữu công nghiệp. Việc này có ý nghĩa pháp lý quan trọng, giúp loại bỏ sự bảo hộ sai lệch trong hệ thống và bảo đảm tính minh bạch, công khai cho các chủ thể khác trong quá trình tra cứu, đăng ký nhãn hiệu mới hoặc xử lý tranh chấp.

Hậu quả pháp lý đối với chủ sở hữu nhãn hiệu bị hủy bỏ

Chủ sở hữu nhãn hiệu sau khi bị hủy bỏ hiệu lực sẽ mất toàn bộ quyền sở hữu trí tuệ đối với phần nhãn hiệu bị hủy, bao gồm quyền sử dụng độc quyền, quyền chuyển nhượng, quyền cấp phép và quyền yêu cầu xử lý vi phạm từ bên thứ ba. Nếu vẫn tiếp tục sử dụng nhãn hiệu bị hủy trong kinh doanh mà không có cơ sở pháp lý, họ có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị kiện vì hành vi cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí có thể phải bồi thường thiệt hại cho bên liên quan.

Cơ hội cho các bên bị xâm phạm hoặc bên thứ ba

Việc hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu tạo điều kiện cho chủ thể bị xâm phạm quyền (như chủ sở hữu tên thương mại, quyền tác giả…) có thể đăng ký lại nhãn hiệu cho mình hoặc khởi động các thủ tục yêu cầu xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, những tổ chức, cá nhân khác cũng có thể tận dụng cơ hội để đăng ký nhãn hiệu tương tự (trong phạm vi được phép) nếu đáp ứng đủ điều kiện bảo hộ, góp phần loại bỏ tình trạng độc quyền nhãn hiệu không chính đáng.

Lưu ý khi yêu cầu hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu

Xác định rõ căn cứ pháp lý trước khi nộp đơn

Trước khi tiến hành yêu cầu hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu, cá nhân hoặc tổ chức cần đánh giá kỹ lưỡng căn cứ pháp lý mà mình dựa vào. Các căn cứ có thể bao gồm: việc nhãn hiệu đăng ký không trung thực, trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với tên thương mại, tác phẩm đã có bảo hộ quyền tác giả, hoặc không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ theo Luật Sở hữu trí tuệ. Việc xác định đúng căn cứ sẽ giúp tăng khả năng thành công và tránh lãng phí thời gian, chi phí.

Chuẩn bị đầy đủ chứng cứ có giá trị pháp lý

Một trong những lý do phổ biến khiến đơn yêu cầu bị từ chối là do thiếu hoặc không có chứng cứ phù hợp. Người nộp đơn cần cung cấp tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, quyền sở hữu hợp pháp hoặc hành vi vi phạm của chủ văn bằng. Các tài liệu này cần được dịch sang tiếng Việt (nếu có ngôn ngữ nước ngoài) và công chứng theo đúng quy định.

Sử dụng dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp nếu cần thiết

Đối với các tổ chức, cá nhân không am hiểu pháp luật hoặc lần đầu thực hiện thủ tục, việc ủy quyền cho đại diện sở hữu công nghiệp là cần thiết. Các đại diện chuyên nghiệp sẽ hỗ trợ từ khâu tư vấn, soạn thảo hồ sơ, nộp đơn, cho đến theo dõi và xử lý các yêu cầu bổ sung từ Cục Sở hữu trí tuệ. Điều này giúp đảm bảo tính chính xác, hợp pháp và nâng cao khả năng được chấp nhận.

Dịch vụ hỗ trợ hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu tại Việt Nam

Việc thực hiện thủ tục hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu tại Việt Nam đòi hỏi người nộp đơn phải có kiến thức pháp lý chuyên sâu, khả năng đánh giá căn cứ bảo hộ, cũng như kỹ năng xây dựng hồ sơ và xử lý tình huống phát sinh trong quá trình làm việc với Cục Sở hữu trí tuệ. Do đó, nhiều cá nhân và doanh nghiệp đã lựa chọn sử dụng dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp để đảm bảo quy trình được thực hiện nhanh chóng, chính xác và hiệu quả.

Các dịch vụ phổ biến trong lĩnh vực này bao gồm:
  • Tư vấn pháp lý chuyên sâu: Phân tích khả năng thành công của yêu cầu hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu, xác định căn cứ pháp lý phù hợp, đánh giá rủi ro và chiến lược pháp lý hiệu quả.
  • Soạn thảo và hoàn thiện hồ sơ: Chuẩn bị đầy đủ các tài liệu cần thiết theo quy định pháp luật hiện hành, đảm bảo tính chính xác về hình thức và nội dung.
  • Đại diện nộp hồ sơ và làm việc với Cục Sở hữu trí tuệ: Thay mặt khách hàng nộp đơn, theo dõi tiến độ xử lý, phản hồi yêu cầu sửa đổi/bổ sung, xử lý khiếu nại hoặc kháng nghị nếu có.
  • Tư vấn và thực hiện giải pháp thay thế: Trong trường hợp cần thiết, đơn vị đại diện có thể đề xuất giải pháp đàm phán, chuyển nhượng hoặc khởi kiện ra Tòa án tùy theo tình huống cụ thể.
Lợi ích khi sử dụng dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp:
  • Tiết kiệm thời gian và công sức: Giúp khách hàng không phải tự tìm hiểu quy trình pháp lý phức tạp;
  • Giảm thiểu rủi ro pháp lý: Nhờ có sự hỗ trợ từ chuyên gia có kinh nghiệm;
  • Nâng cao khả năng thành công: Nhờ lập luận thuyết phục, đầy đủ chứng cứ và ứng xử chuyên nghiệp với cơ quan nhà nước.
Giới thiệu đơn vị uy tín tại Khánh Hoà và khu vực miền Trung

Tại Việt Nam, có nhiều tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp được cấp phép hoạt động, trong đó Công ty Luật TNHH DCNH Law là một trong những đơn vị tiêu biểu tại tỉnh Khánh Hoà và khu vực miền Trung. Với đội ngũ luật sư có chuyên môn cao trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, DCNH Law cung cấp dịch vụ tư vấn và thực hiện toàn bộ thủ tục hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu từ A đến Z, đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật và bảo vệ tối đa quyền lợi của khách hàng.

Liên hệ ngay với Chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH DCNH LAW

Địa chỉ: 38B Trần Nhật Duật, phường Phước Hoà, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà

Điện thoại: 0343320223 – 0974278893

Email: dcnh.law@gmail.com

5/5 - (1 bình chọn)