Hướng dẫn giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc

Hợp đồng đặt cọc là một giao dịch dân sự phổ biến trong đời sống xã hội hiện nay. Việc đặt cọc có thể để đảm bảo ký kết hợp đồng hoặc để đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng. Hợp đồng đặt cọc phổ biến nhất là hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Việc tranh chấp hợp đồng đặt cọc là không thể tránh khỏi.

Hợp đồng đặt cọc
Hợp đồng đặt cọc không bắt buộc phải công chứng, chứng thực

Hợp đồng đặt cọc có cần công chứng không?

Theo quy định tại Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 thì đặt cọc là việc một bên giao cho bên còn lại một khoản tiền hoặc vật có giá trị (vàng, đá quý, …) để đảm bảo ký kết hợp đồng hoặc thực hiện hợp đồng. Nếu hợp đồng được ký kết, thực hiện thì bên nhận đặt cọc sẽ trả lại tài sản đặt cọc cho bên đặt cọc hoặc cấn trừ vào giá trị hợp đồng. Nếu bên đặt cọc từ chối ký kết, thực hiện hợp đồng thì bị mất số tiền đã đặt cọc. Nếu bên nhận đặt cọc từ chối ký kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc số tiền đã đặt cọc và bồi thường thêm một khoản tiền tuỳ theo thoả thuận giữa hai bên trong hợp đồng đặt cọc.

Cũng theo quy định của Bộ luật này, hợp đồng đặt cọc không có yêu cầu về mặt hình thức, không cần phải công chứng. Tuy nhiên, việc công chứng sẽ giúp phòng tránh một số rủi ro như sau:

– Công chứng viên kiểm tra căn cước công dân của các bên, cho lăn tay, đảm bảo đúng chủ thể ký kết hợp đồng. Vì vậy, hợp đồng được công chứng là tài liệu có giá trị pháp lý cao và đáng tin cậy.

– Công chứng viên kiểm tra giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trong trường hợp đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất), hạn chế các trường hợp sổ giả.

Như vậy, hợp đồng đặt cọc không được công chứng vẫn có giá trị pháp lý ràng buộc các bên. Tuy nhiên, các bên cần kiểm tra, xem xét kỹ các thông tin, tài liệu liên quan đến hợp đồng để tránh rủi ro.

Hợp đồng đặt cọc vô hiệu

Hợp đồng đặt cọc cũng là một loại giao dịch dân sự nên các điều kiện để hợp đồng có hiệu lực, vô hiệu cũng tuân theo quy định chung của các giao dịch dân sự. Cụ thể, hợp đồng đặt cọc sẽ bị vô hiệu nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

– Người ký kết hợp đồng là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi.

– Hợp đồng có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội.

– Các bên ký kết hợp đồng một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác.

– Một trong các bên bị nhầm lẫn nghiêm trọng khi ký kết hợp đồng.

– Một bên bị bên kia lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép phải ký kết hợp đồng.

– Người ký hợp đồng tuy là người có năng lực hành vi đầy đủ nhưng vào thời điểm ký kết hợp đồng, họ không có khả năng nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.

Khởi kiện vi phạm hợp đồng đặt cọc

Trường hợp có tranh chấp về hợp đồng đặt cọc mà các bên không thể tự thương lượng, hoà giải được thì có thể khởi kiện ra Toà án nhân dân có thẩm quyền để giải quyết.

Các trường hợp khởi kiện vi phạm hợp đồng đặt cọc phổ biến gồm:

– Một bên cho rằng hợp đồng đặt cọc vô hiệu;

– Hết thời hạn đặt cọc, bên đặt cọc không đồng ý mua.

– Hết thời hạn đặt cọc, bên nhận đặt cọc không đồng ý bán.

giải quyết tranh chấp
Việc xác định lỗi trong tranh chấp hợp đồng đặt cọc rất quan trọng, đây là căn cứ để xác định nghĩa vụ bồi thường của các bên.

Xác định lỗi trong hợp đồng đặt cọc

Việc xác định lỗi trong tranh chấp hợp đồng đặt cọc rất quan trọng vì đây là căn cứ để xác định nghĩa vụ bồi thường của các bên.

– Nếu bên đặt cọc không đồng ý ký kết, thực hiện hợp đồng mua bán mà không có lý do chính đáng thì lỗi thuộc về bên đặt cọc.

– Nếu bên nhận đặt cọc không đồng ý ký kết, thực hiện hợp đồng mua bán mà không có lý do chính đáng hoặc tài sản mua bán không còn nữa thì lỗi thuộc về bên nhận đặt cọc.

– Trường hợp vì nguyên nhân bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho một trong hai bên không ký kết, thực hiện được hợp đồng thì bên vi phạm hợp đồng được xem là không có lỗi.

– Nếu hợp đồng đặt cọc bị vô hiệu thì cần làm rõ nguyên nhân khiến hợp đồng đặt cọc bị vô hiệu. Bên nào có lỗi làm cho hợp đồng đặt cọc bị vô hiệu thì phải bồi thường cho bên còn lại.

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc

Người khởi kiện tranh chấp hợp đồng đặt cọc cần nộp đơn khởi kiện đúng cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết. Trường hợp nộp đơn không đúng Toà án có thẩm quyền thì sẽ bị trả lại đơn khởi kiện.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 thì Toà án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng là Toà án nhân dân nơi bị đơn cư trú (đối với bị đơn là cá nhân) hoặc nơi bị đơn có trụ sở chính (đối với bị đơn là tổ chức)

Người khởi kiện cần cung cấp bản photo căn cước công dân của bị đơn (đối với bị đơn là cá nhân) hoặc giấy phép hoạt động của bị đơn (đối với bị đơn là tổ chức) kèm theo hồ sơ khởi kiện để Toà án xác định thẩm quyền khi thụ lý.

Hướng dẫn giải quyết tranh chấp hợp đồng đặt cọc

Bước 1. Xác định hợp đồng đặt cọc có hiệu lực hay không.

Căn cứ vào nội dung đã trình bày ở phần trên của bài viết này, bạn xác định hợp đồng đặt cọc mà các bên đang tranh chấp có thuộc trường hợp nào khiến hợp đồng bị vô hiệu hay không. Nếu hợp đồng đặt cọc bị vô hiệu thì bên nhận đặt cọc trả lại tiền cọc cho bên đặt cọc. Bên nào có lỗi làm cho hợp đồng đặt cọc bị vô hiệu thì phải bồi thường.

Bước 2. Nếu hợp đồng đặt cọc có hiệu lực, cần xác định lỗi vi phạm hợp đồng là của bên nào.

Căn cứ vào nội dung đã trình bày ở phần trên của bài viết này, bạn xác định lỗi vi phạm hợp đồng là của bên đặt cọc hay bên nhận đặt cọc.

Bước 3. Xác định trách nhiệm bồi thường của mỗi bên.

Căn cứ vào nội dung đã thoả thuận trong hợp đồng đặt cọc, bạn xác định trách nhiệm bồi thường của bên vi phạm hợp đồng. Nếu trong hợp đồng không có thoả thuận thì áp dụng quy định tại Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.

5/5 - (1 bình chọn)