Hotline:
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp sai đối tượng, sai quy định của pháp luật có thể bị thu hồi hoặc hủy bỏ hay không? Bài viết này sẽ giải đáp tất cả các thắc mắc của bạn.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là gì?
Theo quy định tại khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của cá nhân, tổ chức có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp cho người sử dụng đất khi có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã được cấp theo quy định trước ngày 10/12/2009 vẫn có giá trị pháp lý. Người sử dụng đất không phải thực hiện thủ tục đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Các trường hợp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị hủy bỏ
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp sẽ bị hủy bỏ trong các trường hợp sau đây:
1/ Người được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không có quyền sử dụng đất.
2/ Trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không tuân thủ theo quy định của pháp luật tại thời điểm cấp.
3/ Người ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải là người có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.
Khởi kiện hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở đâu?
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được xem là một quyết định hành chính trong lĩnh vực đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND cấp huyện nơi có đất cấp cho cá nhân và UBND cấp tỉnh nơi có đất cấp cho tổ chức.
Căn cứ quy định tại khoản 3 và khoản 4, Điều 32 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thì thẩm quyền giải quyết các yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ thuộc về Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi có đất.
Thủ tục khởi kiện hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
1/ Nộp đơn khởi kiện
Người khởi kiện yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chuẩn bị hồ sơ khởi kiện bao gồm các tài liệu sau:
– Đơn khởi kiện (theo mẫu)
– Bản sao các tài liệu, chứng cứ về nguồn gốc đất
– Bản sao các tài liệu, chứng cứ chứng minh quá trình sử dụng đất (chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, …)
– Bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp
– Bản sao CMND, Hộ khẩu của người khởi kiện
Người khởi kiện nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi có đất.
2/ Thụ lý
Sau khi xem xét đơn khởi kiện, nếu đơn khởi kiện hợp lệ thì Tòa án sẽ ra thông báo yêu cầu nộp tiền tạm ứng án phí.
Người khởi kiện nộp tạm ứng án phí theo thông báo của Tòa án
Sau khi nhận được biên lai nộp tiền tạm ứng án phí do người khởi kiện nộp, Tòa án ra thông báo thụ lý vụ án để giải quyết.
3/ Chuẩn bị xét xử
Trong giai đoạn này, Tòa án sẽ thực hiện các công việc sau:
– Mời đương sự và các bên liên quan lên làm việc để lấy lời khai và yêu cầu cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc giải quyết vụ án.
– Nghiên cứu hồ sơ vụ án
– Thu thập tài liệu, chứng cứ
– Tổ chức công khai chứng cứ và hòa giải
– Quyết định đưa vụ án ra xét xử, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ giải quyết vụ án
4/ Xét xử sơ thẩm
Hội đồng xét xử xét xử và ban hành bản án theo quy định của pháp luật.
5/ Xét xử phúc thẩm
Trong trường hợp không đồng ý với kết luận tại bản án, quyết định sơ thẩm, các đương sự có quyền kháng cáo lên Tòa án nhân dân cấp cao trực tiếp để được xem xét lại bản án, quyết định theo thủ tục phúc thẩm.
6/ Thi hành án
Sau khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, đương sự gửi yêu cầu cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tiến hành thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp.
Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.