Hotline:
Bài viết cung cấp cho bạn đọc một số ví dụ về các trường hợp tranh chấp đất đai trên cơ sở tổng hợp các bản án của Tòa án và vụ việc thực tế mà Luật sư đã thực hiện.
Ví dụ về tranh chấp xác định ai là người có quyền sử dụng đất
Tại đơn khởi kiện và trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn trình bày:
Ngày 21/12/2020 vợ chồng ông Nguyễn Văn N nhận chuyển nhượng của vợ chồng ông Trần Văn T, bà Vũ Thị T một mảnh đất rẫy tại thôn E, xã E, huyện H, tỉnh Đăk Lăk (nay là thôn M, xã E, huyện H, tỉnh Đăk Lăk). Diện tích 2.940 m2, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AI 620206 ngày 06/6/2007, thửa đất số 115, tờ bản đồ số 63.
Sau khi nhận chuyển nhượng đất, ông N quản lý và sử dụng đất. Đến cuối năm 2021 thì ông N phát hiện ông Trần Văn Đ là người có đất giáp ranh đã rào lấn đất của ông N khoảng hơn 10 m chiều ngang và chiều dài khoảng 70 m. Việc ông Đ lấn chiếm đất làm ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của của ông N. Ông N đã yêu cầu UBND xã E hòa giải nhưng không thành, nên ông N khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân huyện H giải quyết buộc ông Đ và vợ là bà A phải dỡ bỏ hàng rào, trả lại đất đã lấn chiếm cho ông N.
Quá trình giải quyết vụ án, bị đơn ông Trần Văn Đ và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị Kim A trình bày:
Năm 1992 vợ chồng ông Đ bà A khai hoang một mảnh đất tại thôn M, xã E, huyện H, tỉnh Đăk Lăk. Mảnh đất có diện tích khoảng 3.000 m2. Tuy nhiên, ông Đ chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vị trí tứ cận của thửa đất ông Đ không xác định được, nhưng có một cạnh giáp đường bê tông, hai cạnh giáp đất vợ chồng ông T, bà Đ, một cạnh giáp đất ông T chuyển nhượng cho ông N. Năm 1995, ông Đ nhận chuyển nhượng của ông V diện tích khoảng 1.000 m2 giáp ranh với mảnh đất ông Đ khai hoang nói trên. Sau đó ông Đ trồng khoảng 400 cây cà phê trên đất. Tháng 02/2021 ông Đ rào toàn bộ diện tích đất mà ông quản lý sử dụng nói trên. Ông Đ và bà A không đồng ý đơn khởi kiện của ông N vì cho rằng không lấn chiếm đất.
Quá trình giải quyết vụ án, người làm chứng ông Phạm Văn Đ trình bày:
Khoảng năm 1999 đến năm 2000 ông Đ chuyển nhượng cho ông T một mảnh đất tại thôn M, xã E, huyện H, tỉnh Đăk Lăk. Diện tích khoảng 3.000 m2, trên đất có khoảng 300 cây cà phê. Đất có tứ cận: Bắc giáp đường liên thôn; Nam giáp đất ông T; Đông giáp đường liên thôn; Tây giáp đất ông Đ. Do thời gian đã lâu nên ông Đ không xác định được chiều dài cụ thể của từng cạnh của thửa đất. Nguồn gốc đất mà ông Đ chuyển nhượng cho ông T là của ông Đ. Khi chuyển nhượng cho ông T có sự chứng kiến của ông Đ và ông Đ chỉ ranh giới của mảnh đất chuyển nhượng. Lúc chuyển nhượng đất cho ông T, hai bên chỉ viết giấy tay và không đo thực địa. Hiện nay, do không liên quan đến vụ án nên ông Đ từ chối tham gia tố tụng.
Quá trình giải quyết vụ án, người làm chứng ông Dương T trình bày:
Khoảng năm 2007 ông T nhận chuyển nhượng của ông Trần Văn T mảnh đất mà ông N đang tranh chấp với ông Đ. Lúc nhận chuyển nhượng hai bên chỉ viết giấy tay chứ chưa đăng ký, công chứng, chứng thực. Lúc này đất có diện tích chiều rộng 42 m và chiều dài là 70 m. Như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Sau khi nhận chuyển nhượng, ông T để đất chứ không canh tác. Năm 2015, vợ chồng ông Đ lấn chiếm đất đối với diện tích đất như hiện nay ông N trình bày. Rộng khoảng 8 đến 9 m, dài 70 m. Khi ông Đ đang có hành vi lấn chiếm thì ông T yêu cầu dừng việc lấn chiếm nhưng ông Đ không dừng, nên ông T gặp ông T trả lại đất, lấy lại tiền mua đất. Sau đó ông T bán đất cho ông N.
Quá trình giải quyết vụ án, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan ông Trần Văn T bà Vũ Thị T trình bày:
Ngày 21/12/2020 vợ chồng ông Trần Văn T bà Vũ Thị T chuyển nhượng cho ông Nguyễn Văn N mảnh đất rẫy tại thôn E, xã E, huyện H, tỉnh Đăk Lăk (nay là thôn M, xã E, huyện H, tỉnh Đăk Lăk). Mảnh đất có diện tích 2.940 m2, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng số AI 620206 ngày 06/6/2007, thửa đất số 115, tờ bản đồ số 63. Đất có tứ cận: Bắc giáp đường liên thôn, dài 42 m; Nam giáp đất ông T, dài 42 m; Đông giáp đường liên thôn, dài 70 m; Tây giáp đất ông Đ, dài 70 m. Nguồn gốc thửa đất là do ông T nhận chuyển nhượng của ông Đ. Khi chuyển nhượng đất cho ông N thì trên đất có trồng một số cây cà phê khoảng 24 đến 25 năm nhưng không xác định được số lượng cụ thể. Ông T bà T thống nhất với quan điểm khởi kiện của nguyên đơn và không có ý kiến gì thêm.
Ví dụ về tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất
Theo đơn khởi kiện đề ngày 24/10/2011 và quá trình tố tụng tại Tòa án, nguyên đơn ông Võ M (ông M) trình bày:
Năm 1959, cụ Nguyễn Thị K (cố K) lập chúc ngôn để lại cho ông Võ Ng một diện tích đất vườn dừa 1.350m2 , thuộc thửa số 176, tờ số 6, bản đồ 299TTg, có giới cận: Đông giáp đất Ngô Th, Tây giáp đường bê tông nông thôn; Nam giáp đất ông Nguyễn H; Bắc giáp đường mòn nhỏ; tọa lạc tại Thôn A, xã X, thị xã S, tỉnh Phú Yên.
Năm 1963, cố K chết. Ông Võ Ng có vợ là bà Phan Thị Tr (bà Tr) sinh được 06 người con gồm: Võ X, Võ Thị X, Võ Văn C, Võ Thị Đ, Võ M và Võ Thị C, tất cả còn sống.
Năm 1966, ông Võ Ng chết, bà Phan Thị Tr tiếp tục quản lý, sử dụng thửa đất nêu trên.
Năm 2002, bà Tr kê khai và được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất 1.350m2 nêu trên.
Ngày 23/01/2003, bà Tr lập di chúc để lại toàn bộ diện tích đất 1.350m2 cho ông Võ M hưởng thừa kế.
Năm 2007, bà Tr qua đời.
Tại đơn khởi kiện đề ngày 24/10/2011, ông M yêu cầu Tòa công nhận ông được quyền quản lý, sử dụng diện tích đất 1.350m2 theo di chúc bà Tr.
Quá trình tố tụng, ông thay đổi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu Tòa công nhận 01 phần di chúc của bà Tr, giao cho ông được hưởng phần di sản của bà Tr, còn phần di sản của ông Võ Ng, ông yêu cầu chia theo quy định pháp luật. Đối với nhà và công trình của ông H xây dựng trên diện tích đất 1.350m2 , ông tiếp tục để cho ông H ở, sử dụng nhưng phải thanh toán 3 lại giá trị quyền sử dụng đất theo giá do Hội đồng định giá định. Những cây dừa con ông H trồng cứ để yên, còn những cây dừa lớn là của ông bà cha mẹ ông trồng nên ông yêu cầu được hưởng.
Quá trình tố tụng tại Tòa án, bị đơn ông Võ X (ông X) trình bày:
Diện tích đất tranh chấp 1.350m2 có nguồn gốc của cố Nguyễn Thị K. Năm 1959, cố K lập chúc ngôn cho ông Võ Ng thừa hưởng, cúng kỵ ông bà theo tập tục truyền tử lưu tôn. Ông Võ Ng có vợ là bà Phan Thị Tr sinh được 06 người con gồm: Võ X, Võ Thị X, Võ Văn C, Võ Thị Đ, Võ M và Võ Thị C. Cố K chết năm 1963. Năm 1966, ông Võ Ng chết, ông Võ X là con trai trưởng nên được thừa hưởng nhưng khi đó bà Phan Thị T còn sống nên bà Tr trực tiếp quản lý, sử dụng diện tích đất 1.350m2 . Năm 2000, bà Tr cho vợ chồng ông H xây dựng nhà ở trên đất tranh chấp. Năm 2002, bà Tr được UBND huyện (nay là thị xã) S cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2003, bà Tr lập di chúc để lại toàn bộ diện tích đất tranh chấp cho ông Võ M. Việc lập di chúc này của bà Tr không đúng theo chúc ngôn của cố K.
Ngày 24/9/2012, UBND thị xã S có Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho bà Tr.
Do đó, bị đơn ông Võ X yêu cầu Tòa án bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Võ M, công nhận ông Võ X được quyền sử dụng diện tích đất 1.350m2 . Đối với nhà và công trình của vợ chồng ông Võ Văn H, bà Nguyễn Thị C (vợ chồng ông H, bà C) xây dựng trên đất tranh chấp, yêu cầu tiếp tục để vợ chồng ông H, bà C ở. Còn các loại cây có trên đất ông không yêu cầu giải quyết.
Quá trình tố tụng tại tòa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vợ chồng ông Võ Văn H, bà Nguyễn Thị C trình bày:
Về nguồn gốc đất tranh chấp, gia phả họ tộc, vợ chồng ông bà thống nhất nội dung trình bày của ông Võ X. Về thời điểm cố K chết, vợ chồng ông bà xác định cố K chết năm 1963; còn ông Võ Ng chết năm 1966.
Năm 1982, được sự cho phép của bà Phan Thị Tr nên vợ chồng ông bà xây dựng nhà trên diện tích 1.350m2 đất tranh chấp, sửa chữa lại năm 2000 và cùng các con sinh sống trên đất tranh chấp từ đó đến nay. Do đó, việc bà Tr để lại di chúc cho ông M là hoàn toàn không đúng vì thửa đất này không phải của riêng bà Tr tạo lập, mà đất này có quan hệ thừa kế từ thời cố K. Đề nghị Tòa giao toàn bộ diện tích đất 1.350m2 (đo đạc thực tế 1.267,6m2 ) thuộc quyền quản lý, sử dụng của vợ chồng ông bà theo tập tục truyền tử lưu tôn.
Hiện nay trên đất diện tích 1.267,6m2 có vợ chồng ông bà, ông Võ X cùng các con của ông bà gồm: Vợ chồng con Võ Trung T, con dâu Đoàn Thị N; vợ chồng Võ Thành T, con dâu Huỳnh N đang sinh sống.
Quá trình tố tụng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Võ Thị C, Võ Thị Đ, Võ Văn C, bà Võ Thị X trình bày:
Về nguồn gốc di sản thừa kế là diện tích đất 4 1.350m2 (đo đạc thực tế 1.290,1m2 ), về gia phả gia đình, bà C, bà Đ, bà X, ông C đều thống nhất lời trình bày của ông Võ M, xác định cố K chết năm 1963, ông Võ Ng chết năm 1966.
Đối với yêu cầu khởi kiện của ông Võ M yêu cầu chia di sản thừa kế là thửa đất 1.350m2 nêu trên, bà C, bà Đ, bà X, ông C yêu cầu tòa giải quyết chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Võ M. Trường hợp tòa chia di sản thừa kế theo pháp luật đối với di sản thừa kế của ông Võ Ng hoặc bà Phan Thị Tr, bà C, bà Đ, bà X, ông C cho ông Võ M nhận lãnh quản lý, sử dụng kỷ phần bà C, bà Đ, bà X, ông C được phân chia.
Quá trình tố tụng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vợ chồng anh Võ Trung T, chị Đoàn Thị N, vợ chồng anh Võ Thành T, chị Huỳnh N trình bày:
Thống nhất lời trình bày của ông Hiếu, bà Chung, yêu cầu tòa chấp nhận ý kiến của vợ chồng ông H, bà C.
Quá trình tố tụng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan UBND thị xã S trình bày:
Năm 2002, UBND huyện (nay là thị xã) S đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Phan Thị Tr đối với diện tích 1.350m2, thửa 176, tờ số 06, bản đồ 299TTg đo đạc năm 1992, tọa lạc tại Thôn A, xã X, thị xã S, tỉnh Phú Yên. Khi giải quyết khiếu nại của ông Võ X, UBND thị xã S xác minh và phát hiện việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là sai hiện trạng sử dụng vì trên đất có căn nhà của vợ chồng ông Võ Văn H đang ở và đất có quan hệ thừa kế, nhưng hồ sơ cấp đất chưa thể hiện. Do đó, ngày 24/9/2012, UBND thị xã S đã ban hành Quyết định số 2990/QĐ-UBND về việc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho bà Phan Thị Tr. UBND thị xã S đề nghị Tòa giải quyết theo quy định pháp luật.
Quá trình tố tụng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan UBND xã X trình bày:
Theo hồ sơ địa chính thể hiện thửa đất tranh chấp thuộc thửa 176, tờ số 06, bản đồ đo đạc năm 1992, tọa lạc tại Thôn A, xã X, thị xã S, tỉnh Phú Yên có nguồn gốc do bà Nguyễn Thị K để lại cho ông Võ Ng. Năm 1966, ông Võ Ng chết, bà Phan Thị Tr quản lý, sử dụng đến nay. Thửa đất tranh chấp phù hợp quy hoạch đất ở tại nông thôn và sẽ được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi phân chia thừa kế theo quy định pháp luật.
Tranh chấp liên quan đến các giao dịch về quyền sử dụng đất
– Ngày 15/01/2021, ông Tr và bà L ký kết Hợp đồng đặt cọc về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất với các nội dung như sau:
+ Đối tượng đặt cọc: Nhà và đất tại thửa đất số 6, tờ bản đồ số 2 có địa chỉ tại thôn P, xã D, huyện DK, tỉnh K (trong đó diện tích nhà là 140m2, diện tích đất là 279m2);
+ Giá chuyển nhượng: 1.450.000.000 VNĐ (Một tỷ bốn trăm năm mươi triệu đồng);
+ Số tiền đặt cọc: 100.000.000 VNĐ (Một trăm triệu đồng);
+ Thời hạn đặt cọc: 15/01/2021 đến ngày 15/04/2021 (theo đó các bên sẽ tiến hành ký kết Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất vào ngày 15/04/2021).
– Sau khi ký kết Hợp đồng đặt cọc, bà L có xin phép ông Tr cho bà và gia đình được tạm thời sinh sống trong ngôi nhà nêu trên. Vì là chỗ quen biết cũng như quan hệ mua bán của hai bên đang được tiến hành một cách thuận lợi nên ông Tr đồng ý yêu cầu của bà L, cho phép bà L và gia đình được phép ở tại căn nhà trên mà không mất bất cứ khoản tiền thuê nào.
– Vào ngày 14/04/2021, ông Tr có gửi tin nhắn qua phần mềm messenger cho bà L với nội dung yêu cầu bà L ra văn phòng công chứng để hai bên tiến hành ký kết Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo đúng quy định của Hợp đồng đặt cọc, tuy nhiên bà L không đồng ý ra công chứng vì lý do chưa có đủ tiền thanh toán sau khi ký kết hợp đồng chuyển nhượng.
– Sau đó vào lúc 14h30 ngày 15/04/2021, bà L bất ngờ yêu cầu ông Tr lập tức ra văn phòng công chứng H để tiến hành ký kết Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Mặc dù gặp bất ngờ vì sự thay đổi đột ngột của bà L và thời gian gấp gáp nhưng ông Tr vẫn thu xếp để thực hiện đúng theo yêu cầu của bà L. Tuy nhiên khi các bên có mặt tại văn phòng công chứng H thì bà L lại không đồng ý thực hiện việc ký kết Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mặc dù các bên đều đã được Công chứng viên hướng dẫn và xác nhận việc ký kết Hợp đồng là phù hợp với quy định của pháp luật.
– Vì không thực hiện được việc ký kết Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nên ông Tr yêu cầu bà L phải dọn ra khỏi nhà để bàn giao nhà và đất cho ông Tr. Tuy nhiên bà L không chấp nhận mà vẫn tiếp tục sử dụng căn nhà và đất nêu trên, đồng thời bà L cũng không có động thái nào muốn tiếp tục thực hiện việc ký kết Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Sau đó, ông Tr đã nộp đơn khởi kiện bà L, yêu cầu Tòa án giải quyết các vấn đề sau đây:
1/ Yêu cầu Tòa án tuyên bố chấm dứt Hợp đồng đặt cọc ngày 15/01/2021 do bà L vi phạm nghĩa vụ hợp đồng và bà L sẽ mất toàn bộ số tiền đã đặt cọc.
2/ Yêu cầu bà L ngay lập tức bàn giao lại nguyên hiện trạng nhà và đất cho ông Tr.
3/ Yêu cầu bà L phải thanh toán tiền bồi thường cho ông Tr trong thời gian bà L chiếm giữ trái phép nhà và đất của ông Tr.
Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.