Hotline:
Hợp đồng tín dụng là một loại hợp đồng rất thông dụng trong đời sống kinh tế, xã hội. Hợp đồng tín dụng được giao kết và thực hiện giữa tổ chức tín dụng và người vay vốn. Tranh chấp hợp đồng tín dụng thường phát sinh khi bên vay không có khả năng thanh toán nợ vay cho ngân hàng.
Bài viết nhằm cung cấp thông tin về hợp đồng tín dụng và các tranh chấp hợp đồng tín dụng phổ biến hiện nay.
Hợp đồng tín dụng là gì?
Hợp đồng tín dụng là hình thức pháp lý của quan hệ cho vay giữa tổ chức tín dụng với tổ chức, cá nhân vay vốn. Về bản chất, hợp đồng tín dụng là một loại hợp đồng vay tài sản được quy định trong chế định về hợp đồng của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Điểm đặc thù tạo nên sự khác biệt giữa hợp đồng tín dụng và các hợp đồng vay tài sản khác là bên cho vay trong các hợp đồng tín dụng bắt buộc phải là các tổ chức tín dụng và đối tượng cho vay luôn luôn là tiền. Hợp đồng tín dụng chịu sự điều chỉnh của Luật các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đặc điểm của hợp đồng tín dụng
Về chủ thể của hợp đồng tín dụng
Chủ thể của hợp đồng tín dụng là bên cho vay và bên vay
– Bên cho vay trong hợp đồng tín dụng là các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Đây là một loại doanh nghiệp đặc biệt, thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng bao gồm nhận tiền gửi, cấp tín dụng, cung ứng dịch vụ thanh toán, … Đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên mọi tổ chức tín dụng phải được cấp phép hoạt động bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với các điều kiện khắc khe về vốn, công nghệ, nhân sự, địa điểm, …
– Bên vay là các tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc nước ngoài đáp ứng các điều kiện về cho vay của các tổ chức tín dụng.
Về đối tượng của hợp đồng tín dụng
Đối tượng của hợp đồng tín dụng luôn luôn là một khoản tiền mà tổ chức tín dụng cho khách hàng vay sử dụng trong một thời hạn nhất định.
Về hình thức của hợp đồng tín dụng
Hợp đồng tín dụng được lập thành văn bản, thường do tổ chức tín dụng soạn thảo.
Về nội dung của hợp đồng tín dụng
Theo quy định tại Điều 17 Quy chế cho vay 1627 thì hợp đồng tín dụng phải có các nội dung cơ bản sau:
– Điều kiện vay
– Mục đích sử dụng vốn vay
– Phương thức cho vay
– Số tiền vay
– Lãi suất cho vay
– Thời hạn cho vay
– Phương thức bảo đảm tiền vay
– Phương thức trả nợ
– Các cam kết khác được các bên thỏa thuận.
Về biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng tín dụng
Biện pháp bảo đảm tiền vay là một yếu tố đặc thù luôn gắn liền với hợp đồng tín dụng. Hoạt động ngân hàng là một hoạt động kinh doanh trên rủi ro nên các tổ chức tín dụng sử dụng tài sản bảo đảm như một biện pháp cuối cùng để hạn chế rủi ro bị mất vốn.
Biện pháp bảo đảm được quy định trong hợp đồng tín dụng và đồng thời được thể hiện bằng một hợp đồng thế chấp hoặc cầm cố hoặc bảo lãnh bằng tài sản.
Về sự đa dạng của phương thức cho vay
Việc cho vay theo hợp đồng tín dụng có thể theo nhiều phương thức khác nhau:
– Cho vay từng lần
– Cho vay theo hạn mức tín dụng
– Cho vay theo dự án đầu tư
– Cho vay thông qua thẻ tín dụng
– Cho vay theo hạn mức thấu chi
Tranh chấp hợp đồng tín dụng là gì?
Tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng là khi các bên có mâu thuẫn, bất đồng về việc thực hiện các nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng tín dụng mà không thể thương lượng giải quyết được.
Thông thường, các tranh chấp phát sinh từ hợp đồng tín dụng do bên vay không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không đúng hạn nghĩa vụ đối với bên cho vay như: vi phạm nghĩa vụ trả nợ gốc, nợ lãi theo thỏa thuận trong hợp đồng. Bên cạnh đó cũng có không ít trường hợp tranh chấp phát sinh do tổ chức tín dụng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không đúng hạn nghĩa vụ đối với khách hàng vay như: vi phạm nghĩa vụ giải ngân, tính lãi cho vay không đúng thỏa thuận, không đúng quy định của pháp luật.
Quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án, các bên thường thống nhất với nhau về số tiền vay, số tiền gốc và lãi đã trả, số tiền gốc còn nợ, không thống nhất được với nhau về tiền lãi còn nợ và về việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.
Các loại tranh chấp hợp đồng tín dụng
Tranh chấp hợp đồng tín dụng rất đa dạng và phức tạp, từ một tranh chấp ban đầu có thể làm nảy sinh nhiều tình huống tranh chấp được khai thác rộng ra theo nhiều tiêu chí khác nhau. Xuất phát từ thực tiễn hoạt động cho vay của ngân hàng và giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng, chúng ta có thể chia tranh chấp hợp đồng tín dụng thành các dạng sau:
Tranh chấp về hiệu lực của hợp đồng tín dụng
– Hợp đồng tín dụng có thể bị vô hiệu nếu bên cho vay là tổ chức tín dụng hoặc bên vay là tổ chức nhưng người đại diện ký kết hợp đồng là người không có thẩm quyền ký hoặc ký vượt quá thẩm quyền hoặc do người vay là cá nhân là người chưa thành niên, bị mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi, có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi.
– Hợp đồng tín dụng có thể bị vô hiệu nếu đối tượng trong hợp đồng vay không đúng quy định của pháp luật, ví dụ như cho vay vàng hoặc cho vay ngoại tệ đối với các đối tượng không được vay bằng ngoại tệ.
– Hợp đồng tín dụng có thể bị vô hiệu nếu không được lập thành văn bản.
– Hợp đồng tín dụng có thể bị vô hiệu do vi phạm các điều cấm khác của luật.
Tranh chấp do vi phạm nghĩa vụ trả nợ
Đây là dạng tranh chấp hợp đồng tín dụng phổ biến nhất trên thực tế. Bản chất của dạng tranh chấp này là do khách hàng vay không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không đúng hạn nghĩa vụ đối với bên cho vay như: vi phạm nghĩa vụ trả nợ gốc, nợ lãi theo thỏa thuận trong hợp đồng.
Tranh chấp về việc áp dụng biện pháp thu hồi nợ
Các tổ chức tín dụng có thể áp dụng nhiều biện pháp để thu hồi nợ như: đôn đốc khách hàng trả nợ, trực tiếp quản lý nguồn thu của khách hàng để thu hồi nợ, miễn hoặc giảm lãi để khuyến khích khách hàng trả nợ, xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế nghĩa vụ trả nợ, khởi kiện ra tòa án, …
Trong số đó, biện pháp thu hồi nợ thường phát sinh tranh chấp là biện pháp xử lý phát mãi tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, đặc biệt là khi các tổ chức tín dụng thực hiện không chặt chẽ các thủ tục phát mãi tài sản bảo đảm.
Tranh chấp về lãi suất
Tranh chấp về lãi suất của hợp đồng tín dụng bao gồm:
– Tranh chấp về việc áp dụng hoặc điều chỉnh mức lãi suất cho vay
– Tranh chấp về mức lãi suất quá hạn
– Tranh chấp về việc áp dụng lãi suất quá hạn trên tiền lãi chậm trả
Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.