Hotline:
Sau khi người để lại di sản chết thì phát sinh vấn đề chia di sản của người đó cho những người thừa kế. Trong trường hợp có tranh chấp liên quan đến thừa kế, người thừa kế hoặc bên thứ ba cần nộp đơn khởi kiện trong thời hiệu khởi kiện về thừa kế theo quy định của pháp luật, nếu khởi kiện quá thời hiệu có thể sẽ bị mất quyền khởi kiện.
Thời hiệu khởi kiện về thừa kế
Theo quy định tại khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản của người chết để lại là 30 năm đối với di sản là bất động sản và 10 năm đối với di sản là động sản, kể từ thời điểm người để lại di sản chết. Hết thời hạn này mà người thừa kế không có yêu cầu chia di sản thừa kế thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó, nếu không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản thuộc về người đang quản lý di sản được xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu hoặc thuộc về Nhà nước.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thời hiệu để người thừa kế khởi kiện yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc khởi kiện yêu cầu bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm người để lại di sản chết.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thời hiệu để khởi kiện yêu cầu người thừa kế phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm người để lại di sản chết.
Thời hiệu khởi kiện chia thừa kế đối với trường hợp người để lại di sản chết trước ngày 10/09/1990
Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015, đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật Dân sự này có hiệu lực (ngày 01/01/2017), thì thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này. Theo quy định tại khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 đã trình bày ở phần trên thì thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản thừa kế là 30 năm đối với bất động sản và 10 năm đối với động sản. Như vậy, thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của những người chết trước ngày 10/09/1990 là 30 năm đối với bất động sản và 10 năm đối với động sản.
Ngoài ra, căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 36 Pháp lệnh Thừa kế ngày 30/08/1990 và Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản của người chết trước ngày 10/09/1990 được tính từ ngày 10/09/1990. Như vậy, thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của những người này sẽ kết thúc vào ngày 10/09/2020 đối với di sản thừa kế là bất động sản và kết thúc vào ngày 10/09/2000 đối với di sản thừa kế là động sản.
Án lệ số 26/2018/AL
Án lệ số 26/2018/AL được công bố theo Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 06/11/2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cũng nhận định như sau: Người để lại di sản thừa kế là bất động sản chết trước ngày công bố Pháp lệnh Thừa kế ngày 30-8-1990. Tại thời điểm Tòa án xét xử sơ thẩm, Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 đang có hiệu lực pháp luật. Trường hợp này, phải xác định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là ngày công bố Pháp lệnh Thừa kế năm 1990. Thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế được xác định theo quy định của Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13.
Thời hiệu khởi kiện trong trường hợp các đồng thừa kế đều thống nhất di sản là của người chết để lại chưa chia
Điểm 2.4 Phần I Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/08/2004 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định trường hợp không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế như sau:
1/ Trong thời hạn 10 năm kể từ ngày người để lại di sản chết mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi hết thời hạn 10 năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản là của người chết để lại chưa chia thừa kế thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các đồng thừa kế. Khi có tranh chấp thì Tòa án không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế mà áp dụng quy định về chia tài sản chung để giải quyết.
2/ Trường hợp di sản của người chết đang do người khác chiếm hữu bất hợp pháp hoặc thuê, mượn, quản lý thì những người đồng thừa kế có quyền khởi kiện người đó để đòi lại di sản.
Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.