Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật

Thừa kế là việc chuyển quyền sở hữu tài sản từ người chết sang cho những người thừa kế của người đó. Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế là một trong những căn cứ để Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản từ người chết sang cho người thừa kế. Văn bản thoả thuận phân chia di sản thừa kế đúng quy định của pháp luật.

Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật
Thừa kế là việc chuyển quyền sở hữu tài sản từ người chết sang cho những người thừa kế của người đó

Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế là gì?

Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế là văn bản được thực hiện trong các trường hợp sau:

– Người để lại di sản có di chúc và di chúc hợp pháp nhưng trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thừa kế.

– Tài sản được chia thừa kế theo pháp luật và có hơn 01 người thừa kế theo pháp luật;

Thời điểm phân chia di sản thừa kế

Những người thừa kế có thể thực hiện thỏa thuận phân chia di sản thừa kế kể từ thời điểm mở thừa kế.

Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người để lại tài sản chết. Trong trường hợp người để lại di sản bị tuyên bố là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là thời điểm người đó chết được xác định trong bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Các vấn đề cần xác định khi thỏa thuận phân chia di sản thừa kế

Vấn đề xác định sự kiện chết và thời điểm người để lại di sản chết

Tài liệu chứng minh sự kiện chết của một người là giấy chứng tử.

Giấy chứng tử là một loại giấy tờ trong lĩnh vực hộ tịch do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho gia đình, thân nhân của người chết để xác nhận về tình trạng một người đã chết. Giấy chứng tử thể hiện rõ các nội dung về thời gian chết, địa điểm chết, nguyên nhân chết và là tài liệu quan trọng trong thực hiện các thủ tục về thừa kế nói chung và khai nhận di sản thừa kế nói riêng.

Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng tử là Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người chết cư trú cuối cùng, nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó chết hoặc nơi phát hiện thi thể người chết sẽ có thẩm quyền cấp giấy chứng tử.

Việc xác định thời điểm chết của người để lại di sản rất quan trọng, vì nó ảnh hưởng đến việc xác định người thừa kế và di sản mà người chết để lại.

Vấn đề xác định di sản

Đối tượng của thỏa thuận phân chia di sản thừa kế là tài sản của người chết để lại, bao gồm:

– Tài sản riêng của người chết.

– Tài sản của người chết trong khối tài sản chung vợ chồng.

– Tài sản của người chết trong khối tài sản chung theo phần với người khác.

Khi làm thủ tục yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, những người thừa kế phải kê khai tất cả các tài sản của người chết và phải cung cấp các tài liệu chứng minh tài sản đang kê khai là tài sản thuộc về người chết, có thể kể tên một số văn bản thường gặp sau đây:

 – Bản án hoặc quyết định chia tài sản chung vợ chồng, phân chia thừa kế, văn bản tặng cho tài sản, chuyển nhượng tài sản.

– Thỏa thuận phân chia tài sản chung vợ chồng hoặc nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung vợ chồng, thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng.

– Văn bản cam kết hoặc thỏa thuận về tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân.

– Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, giấy tờ xác định về việc tài sản được hình thành ngoài thời kỳ hôn nhân.

Ngoài ra, người thừa kế còn phải lưu ý về một số loại tài sản đặc thù bị hạn chế khi thực hiện thủ tục phân chia di sản thừa kế, bao gồm:

– Di sản bị hạn chế thỏa thuận phân chia di sản thừa kế do người thừa kế không thuộc diện được đứng tên sở hữu, sử dụng tài sản. Ví dụ: di sản thừa kế là quyền sử dụng đất và người thừa kế không thuộc trường hợp được cấp quyền sử dụng đất tại Việt Nam.

– Di sản bị hạn chế thỏa thuận phân chia di sản thừa kế do di sản là nhà ở thuộc sở hữu chung hợp nhất và người thừa kế không phải là đồng chủ sở hữu di sản đó. Điều 142 Luật Nhà ở năm 2014 quy định nhà ở thuộc sở hữu chung hợp nhất mà người thừa kế không phải là chủ sở hữu nhà ở thuộc sở hữu chung hợp nhất thì người thừa kế được thanh toán phần giá trị nhà ở mà họ được thừa kế.

– Di sản bị hạn chế thỏa thuận phân chia di sản thừa kế do di sản là nhà ở, quyền sử dụng đất vi phạm các điều kiện tham gia giao dịch dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây:

+ Căn nhà, quyền sử dụng đất đang có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện về quyền sở hữu; hết thời hạn sở hữu nhà ở đối với trường hợp sở hữu nhà ở có thời hạn; hết thời hạn sử dụng đất.

+ Căn nhà, quyền sử dụng đất đang bị kê biên để thi hành án; bị kê biên để chấp hành quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền.

+ Căn nhà, quyền sử dụng đất đã có quyết định thu hồi đất, có thông báo giải tỏa, phá dỡ nhà ở của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật
Người thừa kế có thể là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Vấn đề xác định người thừa kế

Người thừa kế là người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Người thừa kế theo di chúc là người thừa kế được xác định trong di chúc hợp pháp do người chết để lại.

Người thừa kế theo pháp luật được xác định theo các hàng thừa kế quy định tại Bộ luật Dân sự. Ngoài ra, những người thừa kế cần xác định có hay không có người thừa kế thế vị, người thừa kế bị truất quyền hưởng di sản và người thừa kế không có quyền hưởng di sản.

Hồ sơ yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế

Hồ sơ yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế bao gồm các giấy tờ, tài liệu sau:

1. Phiếu yêu cầu công chứng.

2. Giấy tờ chứng minh người để lại di sản chết: Giấy chứng tử

3. Giấy tờ chứng minh tư cách của người thừa kế: Di chúc nếu thừa kế theo di chúc hoặc Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người chết và người thừa kế nếu thừa kế theo pháp luật (Hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, giấy khai sinh, …)

4. Các giấy tờ tùy thân của những người thừa kế.

5. Các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản của người chết đối với trường hợp tài sản phải đăng ký quyền sở hữu (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy đăng ký xe, các giấy tờ chứng minh tài sản chung, tài sản riêng của người chết).

Giấy tờ chứng minh về tình trạng tài sản chung/riêng của người chết bao gồm:

+ Bản án/Quyết định của Tòa án về việc phân chia tài sản/phân chia di sản thừa kế/văn bản tặng cho tài sản…;

+ Thỏa thuận phân chia tài sản chung, riêng hoặc nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung vợ chồng; thỏa thuận xác lập che độ tài sản của vợ chồng;

+ Văn bản cam kết/thỏa thuận về tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân;

+ Giấy chứng nhận kết hôn/xác nhận về quan hệ hôn nhân (trong trường hợp sống chung nhưng chưa làm thủ tục đăng ký kết hôn);

+ Giấy tờ xác định về việc tài sản nằm ngoài thời kỳ hôn nhân:

+ Giấy xác nhận về tình trạng hôn nhân (chưa đăng ký kết hôn từ trước đến nay);

+ Xác nhận về tình trạng hôn nhân từ khi ly hôn/từ khi vợ hoặc chồng chết đển nay chưa đăng ký kết hôn lại với ai) trên cơ sở đối chiếu vởi thời điểm tạo lập tài sản.

6. Quyết định của Tòa án tuyên bố một người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, văn bản cử người giám hộ (đối với người bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự).

7. Đối với người chưa thành niên trực tiếp tham gia giao dịch: Giấy chấp thuận của người đại diện theo pháp luật hoặc người giám hộ đồng ý cho người chưa thành niên thực hiện, xác lập giao dịch.

8. Chứng minh nhân dân của người làm chứng hoặc người phiên dịch (trong trường hợp cần phải có người làm chứng hoặc người phiên dịch).

9. Văn bản ủy quyền (trong trường hợp những người thừa kế ủy quyền cho một người thừa kế đại diện thực hiện thủ tục).

Thủ tục thỏa thuận phân chia di sản thừa kế

Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật
Các bước thỏa thuận phân chia di sản thừa kế
Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công chứng

– Người yêu cầu công chứng nộp hồ sơ yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế tại tổ chức hành nghề công chứng. Công chứng viên tiếp nhận hồ sơ và kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng.

– Nếu hồ sơ yêu cầu công chứng đầy đủ, phù hợp với quy định của pháp luật, tra cứu thông tin về tài sản thừa kế thì không tìm thấy thông tin ngăn chặn nào, không thuộc các trường hợp theo quy định pháp luật mà công chứng viên có quyền từ chối công chứng thì công chứng viên thụ lý, ghi vào sổ công chứng, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Bước 2. Niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế

– Công chứng viên thực hiện thủ tục niêm yết theo quy định.

– Hết thời hạn niêm yết, nếu không nhận được bất kỳ văn bản khiếu nại nào liên quan đến di sản thừa kế và người thừa kế thì công chứng viên thông báo cho người yêu cầu công chứng đến Văn phòng công chứng để thực hiện thủ tục công chứng.

Bước 3. Đánh giá hồ sơ yêu cầu công chứng

– Công chứng viên kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ yêu cầu công chứng.

– Công chứng viên nhận dạng người yêu cầu công chứng thông qua các dấu hiện nhận dạng được thể hiện trong giấy tờ tùy thân như: hình ảnh, đặc điểm nhận dạng.

– Công chứng viên kiểm tra năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu công chứng.

Bước 4: Xem xét dự thảo văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế

Công chứng viên soạn thảo văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế và cho người yêu cầu công chứng đọc lại nội dung dự thảo văn bản xem có yêu cầu sửa chữa nội dung nào khác hay không.

Bước 5: Người yêu cầu công chứng ký tên và công chứng viên ký chứng nhận

– Người yêu cầu công chứng ký vào từng trang của văn bản và ký, ghi rõ họ tên ở trang cuối của văn bản.

– Công chứng viên ghi lời chứng, ký vào từng trang của văn bản.

Bước 6: Đóng dấu, phát hành văn bản công chứng và lưu trữ hồ sơ

Sau khi người yêu cầu công chứng và công chứng viên ký xác nhận, công chứng viên chuyển toàn bộ hồ sơ cho bộ phận kế toán, văn thư để ghi biên lai, hóa đơn phí; thu phí, thù lao công chứng và các chi phí khác; đóng dấu phát hành và cấp văn bản công chứng cho người yêu cầu công chứng; tiến hành lưu trữ hồ sơ theo quy định của pháp luật.

Liên hệ ngay với Chúng tôi:

CÔNG TY LUẬT TNHH DCNH LAW

Địa chỉ: 38B Trần Nhật Duật, phường Phước Hoà, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà

Điện thoại: 0343320223 – 0974278893

Email: [email protected]

Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.

5/5 - (6 bình chọn)