Hotline:
Theo quy định của pháp luật, cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình sau khi chết hoặc để lại tài sản của mình cho những người thừa kế theo pháp luật. Sau khi người để lại tài sản chết, người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật sẽ phải thực hiện thủ tục gì để được nhận tài sản thừa kế?Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn đọc các thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo quy định của pháp luật hiện hành.
Khai nhận di sản thừa kế là gì?
Có 02 loại thủ tục để chuyển quyền sở hữu tài sản từ người đã chết sang cho người thừa kế là thủ tục thỏa thuận phân chia di sản thừa kế và thủ tục khai nhận di sản thừa kế.
1. Thỏa thuận phân chia di sản thừa kế là trường hợp những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc nhưng trong di chúc không phân chia rõ phần di sản mà mỗi người thừa kế được hưởng thỏa thuận lập và yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế. Trong trường hợp thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, những người thừa kế có quyền tặng cho toàn bộ hoặc một phần tài sản thừa kế của mình cho người thừa kế khác.
2. Khác với thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, khai nhận di sản thừa kế là thủ tục được thực hiện trong trường hợp người thừa kế là người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc có nhiều người thừa kế theo pháp luật nhưng họ thống nhất thỏa thuận không phân chia di sản đó.
Các trường hợp khai nhận di sản thừa kế
Theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Công chứng hiện hành thì người thừa kế phải thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế trong các trường hợp sau:
– Người thừa kế là người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật.
– Có nhiều người được hưởng di sản theo pháp luật nhưng họ thống nhất thỏa thuận không phân chia di sản đó.
Thời điểm khai nhận di sản thừa kế
Người thừa kế có thể thực hiện thủ tục thỏa thuận phân chia di sản thừa kế hoặc khai nhận di sản thừa kế kể từ thời điểm mở thừa kế.
Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người để lại tài sản chết hoặc bị tuyên bố là đã chết.
Hồ sơ khai nhận di sản thừa kế
Hồ sơ yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế bao gồm các giấy tờ sau:
1. Phiếu yêu cầu công chứng.
2. Di chúc (nếu thừa kế theo di chúc) hoặc Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người chết và người thừa kế (nếu thừa kế theo pháp luật).
3. Giấy chứng tử hoặc giấy tờ khác chứng minh người để lại di sản đã chết; Giấy đăng ký kết hôn của người để lại di sản, giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (nếu có), …
4. Các giấy tờ tùy thân của người thừa kế.
5. Các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản của người chết đối với trường hợp tài sản phải đăng ký quyền sở hữu (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy đăng ký xe, các giấy tờ chứng minh tài sản chung, tài sản riêng của người chết).
Giấy tờ chứng minh về tình trạng tài sản chung/riêng của người chết bao gồm:
+ Bản án/Quyết định của Tòa án về việc phân chia tài sản/phân chia di sản thừa kế/văn bản tặng cho tài sản…;
+ Thỏa thuận phân chia tài sản chung, riêng hoặc nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung vợ chồng; thỏa thuận xác lập che độ tài sản của vợ chồng;
+ Văn bản cam kết/thỏa thuận về tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân;
+ Giấy chứng nhận kết hôn/xác nhận về quan hệ hôn nhân (trong trường hợp sống chung nhưng chưa làm thủ tục đăng ký kết hôn);
+ Giấy tờ xác định về việc tài sản nằm ngoài thời kỳ hôn nhân:
+ Giấy xác nhận về tình trạng hôn nhân (chưa đăng ký kết hôn từ trước đến nay);
+ Xác nhận về tình trạng hôn nhân từ khi ly hôn/từ khi vợ hoặc chồng chết đển nay chưa đăng ký kết hôn lại với ai) trên cơ sở đối chiếu vởi thời điểm tạo lập tài sản.
8. Chứng minh nhân dân của người làm chứng hoặc người phiên dịch (trong trường hợp cần phải có người làm chứng hoặc người phiên dịch).
9. Dự thảo văn bản khai nhận di sản.
10. Văn bản ủy quyền (nếu có).
Khai nhận di sản thừa kế ở đâu?
Việc khai nhận di sản thừa kế được thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng, bao gồm các Phòng công chứng nhà nước và các Văn phòng công chứng.
Thủ tục khai nhận di sản thừa kế
Bước 1: Tiếp nhận yêu cầu công chứng
Để bảo đảm việc công chứng được chính xác, an toàn thì ngay từ bước đầu tiên này, Công chứng viên cần đưa ra yêu cầu cần thiết cho Người yêu cầu công chứng một cách đầy đủ, chính xác.
Công chứng viên cần nghiên cứu kỹ hồ sơ để có thể yêu cầu cung cấp tài liệu đúng và đủ, và do vậy, cần nắm rõ tất cả các quy định pháp luật liên quan. Trường hợp hồ sơ yêu cầu công chứng chưa đầy đủ Công chứng viên ghi phiếu hướng dẫn và yêu cầu bổ sung. Trường hợp hồ sơ không đủ cơ sở pháp luật để giải quyết thì Công chứng viên giải thích rõ lý do và từ chối tiếp nhận hồ sơ.
Bước 2: Niêm yết việc thụ lý văn bản khai nhận di sản thừa kế
Sau khi hồ sơ yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế được Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng thụ lý thì sẽ được niêm yết công khai trong 15 ngày tại trụ sở của UBND xã, phường, thị trấn nơi người để lại di sản thường trú cuối cùng. Nếu không đủ cơ sở để xác định nơi thường trú cuối cùng của người chết thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó.
Nếu trong khối tài sản thừa kế có bất động sản thì việc niêm yết được thực hiện đồng thời tại UBND xã, phường, thị trấn nơi có bất động sản.
Nếu tài sản thừa kế chỉ gồm có động sản và trụ sở của Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng và nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người chết ở khác tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương thì Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng có thể đề nghị UBND xã, phường, thị trấn nơi thường trú hoặc tạm trú có thời hạn cuối cùng của người chết thực hiện việc niêm yết.
Nội dung niêm yết:
Nội dung niêm yết bao gồm: Họ, tên của người để lại di sản; họ, tên của những người khai nhận di sản thừa kế; quan hệ của những người thừa kế với người chết; danh mục tài sản thừa kế. Ngoài ra, bản niêm yết còn phải ghi rõ nếu có khiếu nại, tố cáo về việc bỏ sót, giấu giếm người thừa kế; bỏ sót người thừa kế; di sản thừa kế không thuộc quyền sở hữu của người chết thì khiếu nại, tố cáo đó được gửi cho tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc niêm yết.
Thời hạn niêm yết:
Hết 15 ngày niêm yết, UBND cấp xã, phường, thị trấn đã thực hiện niêm yết có trách nhiệm xác nhận việc niêm yết.
Nếu hết thời hạn niêm yết mà không nhận được khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc văn bản khai nhận di sản thì thụ lý giải quyết hồ sơ.
Bước 3: Soạn thảo văn bản khai nhận di sản thừa kế và ký văn bản
Bước 4: Ghi lời chứng và ký chứng nhận
Công chứng viên yêu cầu người yêu cầu công chứng xuất trình bản chính của các giấy tờ theo quy định để đối chiếu trước khi ghi lời chứng, ký vào từng trang của văn bản và chuyển bộ phận thu phí của tổ chức hành nghề công chứng.
Bước 5: Trả kết quả công chứng
Bộ phận thu phí của tổ chức hành nghề công chứng hoàn tất việc thu phí, thù lao công chứng và chi phí khác theo quy định, đóng dấu và hoàn trả lại hồ sơ cho người yêu cầu công chứng.
Bước 6: Lưu trữ hồ sơ công chứng
Việc lưu trữ được thực hiện ngay sau khi kết thúc giao dịch, để tránh trường hợp mất mát hồ sơ, tài liệu công chứng, khi nộp hồ sơ cho bộ phận lưu trữ, Công chứng viên cần kiểm tra lại và có danh mục hồ sơ giao dịch. Hồ sơ lưu trữ là chứng cứ pháp lý để bảo vệ cho công chứng viên khi có tranh chấp. Vì vậy, khi tiến hành lưu trữ hồ sơ phải tuân theo quy định của Luật Công chứng và các quy định có liên quan về lưu trữ
Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.