Hotline:
Cùng với sự phát triển của xã hội và quá trình hội nhập quốc tế, nhận thức của các tổ chức, cá nhân về quyền sở hữu trí tuệ được nâng cao. Cùng với đó, việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng được quan tâm và thực thi trên thực tế. Nếu bạn hoặc doanh nghiệp của bạn đang bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hãy đọc hết bài viết này.
Thế nào là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ
Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được hiểu là hành vi sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ như nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, quyền tác giả, chỉ dẫn địa lý, … mà không được sự đồng ý của chủ thể có quyền.
Một hành vi được xem là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nếu nó đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
– Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật Việt Nam.
– Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét.
– Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ đó theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.
– Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam. Hành vi bị xem xét cũng được xem là xảy ra tại Việt Nam nếu hành vi đó xảy ra trên mạng internet nhưng nhằm vào người tiêu dùng hoặc người dùng tin tại Việt Nam.
Các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Có 04 biện pháp, cách thức xử lý đối với hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, bao gồm:
Biện pháp tự bảo vệ
Chủ thể bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tự thực hiện các biện pháp sau đây để bảo vệ của mình:
– Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các biện pháp công nghệ bao gồm: đưa các thông tin chỉ dẫn về quyền sở hữu trí tuệ của mình như căn cứ phát sinh quyền, văn bằng bảo hộ, chủ sở hữu, phạm vi bảo hộ và các thông tin có liên quan khác lên sản phẩm, phương tiện dịch vụ, bản gốc hoặc bản sao tác phẩm, bản định hình cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng nhằm thông báo rằng sản phẩm là đối tượng thuộc quyền sở hữu trí tuệ đang được bảo hộ và khuyến cáo người khác không được xâm phạm; sử dụng phương tiện hoặc các biện pháp kỹ thuật nhằm đánh dấu, nhận biết, phân biệt sản phẩm thật và giả; …
– Yêu cầu tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt ngay hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại (nếu có). Chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ các yêu cầu nêu trên.
Biện pháp hành chính
Biện pháp hành chính được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm thuộc một trong các trường hợp sau:
– Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu quyền, người tiêu dùng hoặc xã hội.
– Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ hoặc giao cho người khác thực hiện các hành vi này.
– Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ tem, nhãn hoặc vật phẩm khác mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý giả mạo hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này.
– Thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ.
Mức phạt, thẩm quyền, trình tự thủ tục xử phạt hành chính tuân theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, pháp luật về cạnh tranh.
Các biện pháp xử lý vi phạm hành chính bao gồm:
a) Hình thức xử phạt chính:
– Cảnh cáo
– Phạt tiền
b) Hình thức xử phạt bổ sung:
– Tịch thu hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên vật liệu, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi xâm phạm.
– Đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh vi phạm.
c) Biện pháp khắc phục hậu quả:
– Buộc tiêu hủy hoặc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên vật liệu và phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
– Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với hàng hóa quá cảnh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên vật liệu và phương tiện nhập khẩu được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm sau khi đã loại bỏ các yếu tố xâm phạm quyền sở hữu tí tuệ trên hàng hóa đó.
d) Biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính
– Tạm giữ người
– Tạm giữ hàng hóa, tang vật, phương tiện vi phạm
– Khám người
– Khám phương tiện vận tải, đồ vật, nơi cất giấu hàng hóa, tang vật vi phạm quyền sở hữu trí tuệ
– …
Biện pháp hình sự
Biện pháp hình sự được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm trong trường hợp hành vi đó có đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp hình sự tuân theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), các tội phạm liên quan đến sở hữu trí tuệ bao gồm:
– Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192)
– Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193)
– Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194)
– Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi (Điều 195)
– Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan (Điều 225)
– Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Điều 226)
Biện pháp dân sự
Biện pháp dân sự được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là khởi kiện ra Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Theo đó, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra. Biện pháp dân sự được áp dụng kể cả khi hành vi xâm phạm đó đã hoặc đang bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc biện pháp hình sự. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục yêu cầu áp dụng biện pháp dân sự được áp dụng theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Tòa án áp dụng các biện pháp dân sự sau đây để xử lý chủ thể xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:
– Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm
– Buộc xin lỗi, cải chính công khai
– Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự
– Buộc bồi thường thiệt hại
– Buộc tiêu hủy hoặc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại các hàng hóa, nguyên vật liệu và phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời sau:
– Thu giữ;
– Kê biên;
– Niêm phong, cấm thay đổi hiện trạng, cấm di chuyển;
– Cấm chuyển dịch quyền sở hữu;
– Các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự.
Xác định thiệt hại do hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ
Thiệt hại do hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra bao gồm:
– Thiệt hại về vật chất: các tổn thất về tài sản, mất hoặc giảm sút về thu nhập, lợi nhuận, tổn thất về cơ hội kinh doanh và chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại.
– Thiệt hại về tinh thần: các tổn thất về danh dự, nhân phẩm, uy tín, danh tiếng và những tổn thất khác về tinh thần gây ra cho tác giả của tác phẩm; người biểu diễn; tác giả của sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn và giống cây trồng. Mức bồi thường thiệt hại về tinh thần sẽ tùy thuộc vào mức độ thiệt hại nhưng tối đa là 50 triệu đồng.
– Ngoài ra, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ còn có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải thanh toán cho mình chi phí hợp lý để thuê luật sư.
Bạn cần tư vấn? Đừng ngần ngại liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ.